Tìm cách “vực dậy” các dự án nghìn tỷ thua lỗ
Chính phủ đã đưa ra thông điệp rõ ràng là phải xử lý quyết liệt, dứt điểm, song không dùng tiền ngân sách để cứu hay tiếp tục đầu tư vào các dự án này. Trong khi một số dự án đang được các nhà đầu tư xem xét mua lại, thì vẫn còn nhiều dự án có nguy cơ phá sản hoặc khó khăn trong cơ chế xử lý.
Nhà máy sơ sợi Đình Vũ, một trong những công trình ngàn tỷ "đắp chiếu" |
Trong số 12 dự án yếu kém, chậm tiến độ đang thua lỗ nghìn tỷ của ngành Công Thương, hiện đã có một số nhà đầu tư để ý, muốn mua lại hoặc đề nghị hợp tác. Mặc dù phương án cuối cùng chưa được thông tin cụ thể, song đây cũng là tín hiệu đáng mừng trong việc xử lý các dự án nghìn tỷ kém hiệu quả triền miên trong nhiều năm qua.
Với dự án xơ sợi Đình Vũ – Hải Phòng vốn 7.000 tỷ đồng, lỗ 1.700 tỷ đồng, phải dừng hoạt động, theo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), hiện có một nhà đầu tư Singapore ngỏ ý muốn hợp tác vận hành nhà máy xơ sợi này. Với dự án nhà máy nhiên liệu sinh học Dung Quất - Quảng Ngãi đang lỗ 570 tỷ đồng và phải tạm dừng hoạt động, một đối tác nước ngoài cũng đang muốn hợp tác để khôi phục và vận hành lại dự án này.
Trong khi đó, dự án Gang thép Thái Nguyên (TISCO) có vốn đầu tư ban đầu 3.800 tỷ đồng, sau nhiều lần kéo dài thời gian triển khai, số vốn đã tăng lên hơn 8.000 tỷ đồng, nhưng 10 năm qua chưa đi vào hoạt động. Bộ Công Thương cho biết, quan điểm của Chính phủ là không đổ thêm tiền vào dự án này, mà sẽ đẩy nhanh lộ trình thoái vốn nhà nước.
Ông Trương Thanh Hoài - Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương) cho biết, hiện có 3 doanh nghiệp thép trong nước muốn mua lại dự án mở rộng giai đoạn 2 đang dang dở của Gang thép Thái Nguyên.
Bên cạnh các dự án nêu trên, ngành Công Thương hiện còn hàng loạt dự án quy mô đầu tư hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn tỷ đồng hoạt động kém hiệu quả, lỗ nặng và còn nhiều khó khăn trong việc xử lý.
Điển hình như Dự án Đạm Ninh Bình với tổng vốn đầu tư 12.000 tỷ đồng sau nhiều năm vận hành vẫn chưa thể hoàn thiện, vì còn vướng mắc với nhà thầu Trung Quốc. Ước tính dự án này đã lỗ hơn 3.300 tỷ đồng. Dự kiến năm 2017, nếu dừng chạy máy sẽ lỗ thêm 1.200 tỷ đồng. Hoặc Nhà máy đóng tàu Dung Quất, khi chuyển giao về Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) năm 2010, tổng khoản nợ phải trả là 7.440 tỷ đồng, mất cân đối về tài chính, không có khả năng thanh toán nợ.
Dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình thua lỗ nặng |
Trong khi đó, nhiều nhà máy đầu tư hàng nghìn tỷ đồng nhưng chỉ sau vài năm đi vào hoạt động đã thua lỗ triền miền, vì công nghệ không phù hợp hoặc do sản phẩm không đáp ứng yêu cầu thị trường như Dự án mở rộng Nhà máy Đạm Hà Bắc, Nhà máy bột giấy Phương Nam, tỉnh Long An...
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, kinh nghiệm ở các nước đối với các trường hợp này là cho phá sản doanh nghiệp. Tuy nhiên, nếu phá sản sẽ không tránh khỏi hệ lụy mất vốn, giải quyết công ăn việc làm cho người lao động. Do đó, với các dự án nghìn tỷ làm ăn thua lỗ này, cần nghiên cứu kỹ giải pháp cho từng dự án; xem xét khả năng cho các nhà đầu tư khác vào mua lại. Về cơ bản, cần đẩy nhanh tiến độ thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Theo Bộ Công Thương, nhiều dự án nghìn tỷ thua lỗ diễn ra trong thời gian dài, thậm chí từ trước khi các Tập đoàn được giao về Bộ chủ quản. Khung khổ pháp lí lúc đó còn rất sơ sài, bộc lộ nhiều thiếu sót, sơ hở.
Về hướng xử lý 12 dự án thua lỗ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, lãnh đạo Bộ sẽ trực tiếp cùng lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp đang quản lý những dự án tồn đọng tổ chức kiểm tra đánh giá toàn bộ dự án về giá trị tài sản, tính khả thi, hiệu quả của dự án…để tìm ra giải pháp thu hồi lại tài sản Nhà nước, giảm bớt thiệt hại. Nếu dự án còn khả thi, có cơ hội hồi phục và phát triển, sẽ có các giải pháp để thực hiện. Bộ Công Thương cũng sẽ xem xét làm rõ trách nhiệm của những cá nhân, tập thể đơn vị có liên quan đến các dự án để có biện pháp xử lý phù hợp.
Mới đây, Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án và doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương. Tới đây, hàng loạt dự án sẽ được đánh giá toàn bộ từ chủ trương đến đầu tư, vận hành, đưa ra giải pháp khắc phục. Trong đó có việc đàm phán với các đối tác về phương án hợp tác đầu tư và chuyển nhượng dự án. Không ngoại trừ có thể thanh tra, kiểm toán, điều tra làm rõ sai phạm, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan để xử lý theo qui định của pháp luật.
Những động thái quyết liệt này được kỳ vọng sẽ sớm hoàn thành mục tiêu xử lý dứt điểm các dự án yếu kém trong vòng 2 năm tới, vực dậy các dự án lớn, giảm tối đa thiệt hại kinh tế và nguồn lực xã hội./.