Tích tụ ruộng đất “hút” đầu tư nông nghiệp công nghệ cao
Hiện nay, tại một số địa phương, xu hướng liên kết nông dân góp đất sản xuất và tạo mặt bằng sạch hỗ trợ doanh nghiệp đang đem lại thành công bước đầu trong thu hút doanh nghiệp đầu tư cho nông nghiệp công nghệ cao.
Tỉnh Hà Nam đã quy hoạch 4 khu nông nghiệp công nghệ cao tại các huyện Bình Lục, Lý Nhân diện tích khoảng 300 ha, trong tổng số 500 ha với sự tham gia của một số doanh nghiệp, Tập đoàn lớn như: VinGroup, Tổng công ty Giống cây trồng Trung ương…
Mô hình sản xuất nông sản công nghệ cao của công ty Vinenco. |
Việc hình thành các khu sản xuất nông sản, rau quả chất lượng cao đang từng bước thay đổi tập quán canh tác cũng như mở ra cơ hội tăng thu nhập cho nông dân ở những vùng sản xuất có sự tham gia của doanh nghiệp.
Khi góp đất sản xuất, nông dân được doanh nghiệp trả 150kg ngô/sào/năm (quy đổi bằng tiền khoảng 7.000 đồng/kg) và được trả trong vòng 10 năm. Tỉnh Hà Nam còn có chủ trương miễn kinh phí đào tạo nếu nông dân muốn làm công nhân trong những mô hình của doanh nghiệp….
Ông Lê Văn Sơn, nông dân xã Nhân Bình, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam cho biết, ban đầu, khi nghe chủ trương tích tụ ruộng đất người dân vẫn chưa tin tưởng, nhưng sau này kế hoạch được doanh nghiệp triển khai thì nông dân rất phấn khởi.
“Nói là có đất nhưng bản thân người nông dân không có khoa học kỹ thuật nên không làm ra sản phẩm giá trị. Khi doanh nghiệp về đầu tư công nghệ, 1 sào đất nông dân có thể làm ra nhiều sản phẩm qua đó tăng thêm thu nhập”, ông Sơn cho biết.
Theo bà Trần Kim Liên, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc công ty CP Giống cây trồng Trung ương, khu nông nghiệp công nghệ cao Hà Nam sẽ trở thành nơi sản xuất dưa lưới lớn nhất miền Bắc phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu, đáp ứng những tiêu chuẩn của những thị trường khó tính như Nhật Bản, Liên minh châu Âu - EU, Mỹ.
Đây là mô hình tích tụ ruộng đất của 307 hộ dân với thời gian thuê đất 20 năm nhằm hình thành vùng chuyên sản xuất rau quả xuất khẩu, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, tổng đầu tư giai đoạn 1 là 75 tỉ đồng với 21 ha nhà kính.
“Trong năm 2017, doanh nghiệp sẽ tập trung đầu tư giai đoạn 1 với tổng quy mô đầu tư khoảng 21 ha nhà kính áp dụng công nghệ hiện đại với suất đầu tư thấp để nâng cao hiệu quả. Quan trọng nhất là những công nghệ này phải ứng dụng rộng ra để đưa nông dân tham gia vào chuỗi, khi đó công ty đóng vai trò “đầu tư lõi”, trở thành trung tâm đào tạo, chuyển giao và trình diễn công nghệ. Tháng 5 năm nay, doanh nghiệp sẽ có sản phẩm đầu tiên là dưa lưới cao cấp đưa ra tiêu thụ”, bà Liên cho biết.
Công nghệ cao là lời giải cho bài toán đảm bảo an toàn thực phẩm, chất lượng nông sản, trong thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp. Tỉnh Hà Nam xác định doanh nghiệp vừa là “hạt nhân” vừa là động lực để hướng nông nghiệp đến sản xuất hàng hóa tập trung với quy mô lớn.
Ông Triệu Quốc Đạt, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Nam cho biết, Sở tham mưu UBND tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ doanh nghiệp về hạ tầng cơ sở như điện, đường tại những khu nông nghiệp công nghệ cao.
Bước đầu, tỉnh đã quy hoạch được 300 ha trên tổng số 500 ha sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Thời gian tới, tỉnh Hà Nam sẽ tiếp tục mời gọi những doanh nghiệp có tiềm lực về tài chính, đầu tư xây dựng nhà máy ứng dụng công nghệ chế biến để khép kín chuỗi nông sản, tạo điều kiện tiêu thụ đầu ra cho sản phẩm.
“Sở Nông nghiệp đã tham mưu UBND tỉnh cần tích tụ ruộng đất, khi có diện tích quy mô lớn mới thu hút doanh nghiệp đầu tư, từ đó đưa cơ giới hóa, ứng dụng khoa học công nghệ làm ra sản phẩm chất lượng cao, thay đổi diện mạo sản xuất nông nghiệp của địa phương”, ông Đạt cho biết.
Mô hình liên kết góp đất sản xuất của tỉnh Hà Nam đã mang lại thành công bước đầu trong việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao. Ngay trong ngày làm việc đầu tiên của năm mới Đinh Dậu 2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã dự lễ và nhấn nút khởi công khu công nghệ cao của tỉnh Hà Nam.
Sản xuất rau công nghệ cao. |
Tại đây, người đứng đầu Chính phủ khẳng định sẽ đẩy mạnh cởi trói, kiến tạo phát triển nông nghiệp theo hướng nền nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nền nông nghiệp thông minh, sản xuất theo yêu cầu thị trường.
Thủ tướng cũng yêu cầu các Bộ, ngành tập hợp những kiến nghị của các địa phương để sửa đổi ngay Nghị định 210 về chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp nông thôn trong tháng 3; giao Ngân hàng Nhà nước vận động các ngân hàng thương mại để nâng gói tín dụng ưu đãi cho nông nghiệp công nghệ cao từ 60.000 tỷ đồng lên 100.000 tỷ đồng./.