“Thưởng Tết” giáo viên hàng chục triệu: Đắng ngắt!
Tằn tiện để chia tăng thêm
Tiền thưởng Tết cuối năm cho giáo viên (GV) trong trường học thật ra là tiền thu nhập tăng thêm - kết dư từ các khoản của nhà trường rồi chia ra. Có thể hiểu, hàng năm ngân sách rót về theo số học sinh (HS) tính toán trên mọi hoạt động của trường, trường nào tiết kiệm không dùng hết hay có nơi thêm các nguồn thu... tạo thành khoản kết dư để chi tăng thêm cho đội ngũ.
Lớp học ở TPHCM (Ảnh minh họa) |
Ở TPHCM, nhiều năm qua, GV nhiều trường đón Tết ấm với những khoản thu nhập tăng thêm "khủng", ghi nhận có người còn nhận được trên 50 triệu đồng. Việc GV ở TPHCM nhân tiền tăng thêm cuối năm 20 - 40 triệu đồng là chuyện bình thường.
Tiết kiệm để chi tăng thêm đã kéo theo sự méo mó, biến dạng ở nhiều trường học nhằm tiết kiệm ngân sách hết sức có thể. Việc tiết kiệm ở nhiều nơi trở thành bủn xỉn, keo kiệt vào việc đầu tư, chăm chút cho hoạt động giáo dục.
Có trường cắt hết các hoạt động thể thao, văn nghệ, CLB của thầy trò, cắt khen thưởng, các chương trình trong năm... Họ chỉ tổ chức những hoạt động đủ để báo cáo.
Trưởng phòng GD-ĐT một quận ở TPHCM cho biết, việc các trường tìm cách cắt giảm các hoạt động hay tổ chức một cách tằn tiện, qua loa để tiết kiệm chia thu nhập tăng thêm là có.
"Có hoạt động để làm tốt cần từng này tiền nhưng họ chỉ đầu tư 1/5 hay 1/10 thôi", ông nói với Dân trí. Ông cho biết, năm nay khoản thu nhập tăng thêm các trường ở quận có thể thấp hơn mọi năm. Không có văn bản nào chính thức nhưng trong các cuộc hộp, ông cũng đã từng đề cập có ý "khống chế" việc này.
Có những trường, đầu năm hiệu trưởng tuyên bố sẽ giảm tối đa các hoạt động, giảm khen thưởng, ngay cả tiền... hỗ trợ HS thi HS giỏi cũng giảm với lời hứa hẹn chia tăng thêm cho thầy cô cao hơn. Và tinh thần này được hầu hết GV vỗ tay tán thưởng.
Tại một huyện vùng ven, tiền thu nhập tăng thêm GV hàng năm từ vài triệu đồng đến cao nhất khoảng 20 - 30 triệu đồng. Đại diện Phòng GD-ĐT nói đầy mãn nguyện: Các trường phải tiết kiệm, tằn tiện lắm mới có nổi khoản này.
Tiết kiệm + làm thêm + vận động = thưởng "khủng"
Ngoài tiền tiền kiệm từ đầu tư ngân sách, không ít trường tận dụng mọi chỗ để có nguồn thu thêm. Ngay giữa trung tâm quận 1, TPHCM nơi tất đất tầng vàng, trường học chật chội, học trò không có sân chơi nhưng có trường vẫn tận dụng cho thuê khuôn viên làm bãi gửi xe để nhằm quỹ phúc lợi cho trường.
Nhiều trường rất đầu tư, chăm chút cho các hoạt động của học sinh nhưng cũng nhiều nơi "ngó lơ" để tiền kiệm. (Trong ảnh: Học sinh một trường THPT ở TPHCM thạm gia Ngày hội Xuân tại trường) |
HS, phụ huynh bức xúc thì nhà trường cho rằng thiệt thòi của HS là không đáng kể, các em có thể xuống chơi, học bài ở khu vực... căng tin.
Nhiều trường rất "tích cực" trong việc tạo ra nguồn thu như cho thuê sân bãi, tổ chức các hoạt động có thu tiền. Ở một khía cạnh nào đó, trường học đã biến thành doanh nghiệp thay vì tập trung nhiệm vụ chính là giáo dục.
Một GV ở TPHCM cho biết, cô đã từng đặt câu hỏi: Trường học lấy tiền ở đâu ra mà thưởng nhiều thế? Dần dần, cô nhân ra công thức: Tiết kiệm + làm thêm + vận động để tạo ra tiền thưởng "khủng".
Để có được nguồn thu hay để tiền kiệm được ngân sách chia thưởng Tết cao cho GV đều có "bàn tay" của phụ huynh dưới nhiều hình thức khác nhau. Mỗi trường có những chiêu thức vận động khác nhau.
Có nơi, GV đề xuất tổ chức các hoạt động thiết thực cho HS nhưng bị từ chối hoặc đề nghị muốn làm thì tự bỏ tiền ra hoặc đi xin phụ huynh. Thế nên có một thực tế: Hoạt động ở trường công lập dù được chi ngân sách nhưng thứ gì cũng đến tay phụ huynh. Từ đóng theo quy định của trường cho đến các khoản tự nguyện, tài trợ.
"Trước đây tôi từng nghĩ do mình nghèo, thiếu tiền nên các trường không hoạt động tốt. Nhưng sau đó, tôi biết nhiều nơi có tiền nhưng tiền đó họ không chi cho hoạt động động dạy và giáo dục", GV trên thẳng thắn.
Ngay trong một thành phố, nơi thưởng Tết cao hàng chục triệu đồng, có nơi thấp... dẫn đến tâm trọng buồn vui, so đo trong đội ngũ GV. Nhưng trường học không phải là đơn vị kinh doanh có thu chi, thưởng cao chưa hẳn là điều đáng vui và thưởng thấp không đồng nghĩa với việc trường hoạt động không tốt.