Thương hiệu Toyota và những scandal 'để đời'
6 năm về trước, kỹ sư Lê Văn Tạch đã phát hiện ra lỗi lệch áp suất dầu phanh trên xe Innova và Fortuner. Xác định đây là lỗi nghiêm trọng và có hàng nghìn xe bán cho khách hàng, nên kỹ sư Tạch đã báo cáo lên lãnh đạo công ty ô tô Toyota Việt Nam (TMV), đề xuất triệu hồi tất cả những xe đã bán ra thị trường.
Tiếc thay, đề xuất đó đã không được chấp nhận. Vì lương tâm nghề nghiệp, kỹ sư Tạch phản ánh lên Cục Đăng kiểm Việt Nam. Từ đây, một sự thật phũ phàng của Toyota được phơi bày ra ánh sáng.
Mong ước cao đẹp đầu năm
Hôm 8/2, trên Facebook cá nhân, kỹ sư Lê Văn Tạch tâm sự: “Đề xuất của mình không được lãnh đạo công ty chấp nhận, khiến mình phải phản ánh lên Cục Đăng kiểm Việt Nam. Để rồi sau đó, công ty đã phải công bố chiến dịch triệu hồi hàng nghìn xe”.
Tiếp đó, kỹ sư Tạch viết: “Mình mong muốn việc triệu hồi thực hiện nghiêm túc để những người tham gia giao thông được an toàn hơn, nên đã hỏi những người phụ trách chất lượng và chăm sóc khách hàng của công ty về tiến độ triệu hồi. Nhưng không nhận được câu trả lời. Mình lại buộc phải hỏi Cục Đăng kiểm Việt Nam”.
Tuy nhiên, đã gần 5 tháng trôi qua, kỹ sư Tạch vẫn chưa nhận được hồi đáp. Trước đó không lâu, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã có văn bản gửi kỹ sư Lê Văn Tạch, thừa nhận về cơ bản, các lỗi kỹ thuật và số lượng xe thuộc diện bị ảnh hưởng do công ty TMV xác định phù hợp với nội dung của kỹ sư Tạch.
Tâm sự với PV, kỹ sư Lê Văn Tạch cho biết, mong ước lớn nhất của anh trong năm Đình Đậu này chính là muốn biết tiến độ thực sự của chiến dịch triệu hồi hàng nghìn xe Innova và Fortuner nói trên. Mong ước cao đẹp của kỹ sư Lê Văn Tạch nhanh chóng lanh nhanh trên mạng Facebook và được nhiều người đồng tình, ủng hộ.
Một năm báo động về số lượng xe bị triệu hồi
Ngày 10/5/2016, Cục Đăng kiểm Việt Nam phê duyệt thông báo triệu hồi sản phẩm công ty ô tô TOYOTA Việt Nam sản xuất với nhãn hiệu TOYOTA và ô tô con số loại: CAMRY E ASV51L-JETNHU. Thời gian sản xuất Từ 6/4/2015 đến 1/4/2016. Số lượng xe triệu hồi 2410 chiếc.
Nội dung triệu hồi: Cập nhật phần mềm điều khiển động cơ xe Toyota Camry E ASV51L-JETNHU. Địa điểm thực hiện: Tại tất cả các đại lý và trạm dịch vụ ủy quyền của Công ty ô tô TOYOTA Việt Nam trên toàn quốc. Thời gian bắt đầu thực hiện 11/5/2016. Thời gian dự kiến kết thúc 11/5/2019.
Ngoài ra, nhà sản xuất khuyến cáo người sử dụng: Trên các xe Camry E nằm trong dải ảnh hưởng, có trang bị van tuần hoàn khí xả (EGR) có tác dụng đưa một phần khí xả sau khi cháy ngược trở lại để hòa với khí nạp, sau đó được đốt cháy một lần nữa trong buồng đốt nhằm mục đích giảm nồng độ chất gây ô nhiễm môi trường.
Do phần mềm của bộ điều khiển động cơ lập trình chưa phù hợp cho hoạt động của van tuần hoàn khí xả trong một số điều kiện nhất định, đặc biệt khi đi trên đường với tốc độ cao, làm cho van tuần hoàn khí xả hoạt động không chính xác theo chỉ thị của bộ điều khiển động cơ.
Trường hợp này van tuần hoàn khí xả không được đóng kín, khí xả vẫn lưu thông và lọt vào buồng cháy động cơ dẫn đến động cơ hoạt động thiếu ổn định, trong trường hợp xấu nhất động cơ có thể bị chết máy khi giảm tốc độ.
Ngày 5/5/2016, Cục đăng kiểm Việt Nam thông báo TMV phải triệu hồi 113 chiếc Lexus và ô tô con số loại 1: ES250 (Model ASV60L-BETGKV); 2: ES350 (Model GSV60L-BETGKV). Thời gian sản xuất: Từ 10/09/2015 đến 18/02/2016. Số lượng xe triệu hồi. Nội dung triệu hồi: Kiểm tra và thay thế bộ chấp hành phanh trên dòng xe Lexus ES250 và ES350. Thời gian bắt đầu thực hiện 11/5/2016. Thời gian dự kiến kết thúc 11/5/2019.
Theo các chuyên gia công nghệ sửa chữa ô tô, xe Lexus ES350 và ES250, bộ xử lý trung tâm (ECU) điều khiển trượt sẽ tính toán và xác định mức độ trượt giữa bánh xe và mặt đường dựa vào các tín hiệu nhận được từ các cảm biến tốc độ. Thông qua việc điều khiển bộ chấp hành phanh, ECU điều khiển trượt sẽ kiểm soát và điều khiển được các hệ thống ABS, TRC và VSC.
Bộ chấp hành của phanh gồm có van điện từ giữ áp suất, van điện từ giảm áp suất, bơm, môtơ và bình chứa. Khi bộ chấp hành nhận được tín hiệu từ ECU điều khiển trượt, van điện từ đóng hoặc ngắt và áp suất thuỷ lực của xilanh ở bánh xe tăng lên, giảm xuống hoặc được giữ để tối ưu hoá mức trượt cho mỗi bánh xe.
Ngoài ra, mạch thuỷ lực còn thay đổi để đáp ứng yêu cầu của mỗi loại điều khiển. Các xe có bộ chấp hành phanh nằm trong dải ảnh hưởng, nếu không được kiểm tra và thay thế kịp thời, có khả năng sẽ điều khiển không chính xác hệ thống chống bó cứng phanh (ABS), hệ thống điều khiển lực kéo (TRC) và hệ thống điều khiển ổn định xe (VSC), làm giảm tính ổn định xe khi vận hành, dẫn đến tăng nguy cơ va chạm.
Ngày 22/04/2016, Cục đăng kiểm Việt Nam phê duyệt thông báo triệu hồi sản phẩm của Công ty ô tô TOYOTA Việt Nam sản xuất xe với nhãn hiệu TOYOTA và dòng Ô tô con số loại: 1: INNOVA TGN40L-GKMRKU; 2: INNOVA TGN40L-GKMDKU; 3: INNOVA TGN40L-GKPDKU; 4: INNOVA TGN40L-GKPNKU.
Thời gian sản xuất: Từ 16/12/2015 đến 13/1/2016. Số lượng xe triệu hồi: 764 chiếc. Nội dung triệu hồi: Kiểm tra, thay thế 2 cánh cửa phía sau xe TOYOTA INNOVA. Địa điểm thực hiện: Tại tất cả các đại lý và trạm dịch vụ ủy quyền của Công ty ô tô TOYOTA Việt Nam trên toàn quốc. Thời gian bắt đầu thực hiện 23/4/2016. Thời gian dự kiến kết thúc: 23/4/2019.
Lần này, công ty TMV khuyến cáo người sử dụng: Hai cửa sau của xe Innova được cung cấp bởi nhà cung cấp tại Indonesia. Do nhà cung cấp thay đổi địa điểm dây chuyền sản xuất cửa, các hạng mục và tần suất kiểm tra áp dụng tại dây chuyền cũ không phù hợp với dây chuyền mới.
Thêm vào đó, bộ điều áp súng hàn hoạt động không ổn định dẫn tới dòng điện hàn không ổn định. Điều này làm cho mối hàn không ngấu và có thể gây ra hiện tượng một số mối hàn bị bong trong quá trình sử dụng xe. Trong một vài trường hợp, điều này có thể dẫn tới tiếng kêu và làm giảm độ cứng vững của cửa bên phía sau để bảo vệ hành khách trong xe khi xảy ra va chạm bên.
Chính vì những xì căng đan nói trên, theo ghi nhận của PV, nhiều thượng đế đang ngoảnh mặt với thương hiệu Toyota./.