Thực phẩm chức năng - Hiểu thế nào cho đúng?
TPCN được đưa vào Việt Nam từ năm 2000, lúc đó một số công ty chủ yếu kinh doanh, nhập khẩu với tên gọi là Thực phẩm Thuốc (13 công ty với 63 sản phẩm) và sản phẩm này nhanh chóng phát triển sôi động tại thị trường Việt Nam. Số sản phẩm mới xuất hiện trên thị trường tăng nhanh theo từng năm. Theo đó, năm 2014 có 1.062 sản phẩm mới đăng ký; năm 2015 có 10.493 sản phẩm mới đăng ký; năm 2016 tính đến 30-9-2016 có 8.008 sản phẩm mới đăng ký, trong đó có 4.855 sản phẩm sản xuất trong nước (chiếm 60%) và 3.153 sản phẩm nhập khẩu (chiếm 40%). Các sản phẩm cũng hết sức đa dạng, thành phần cấu tạo hết sức phức tạp (theo thông tin từ Hiệp hội TPCN Việt Nam).
Các sản phẩm TPCN trên thế giới và Việt Nam hiện đang có xu hướng quay về với các hợp chất thiên nhiên có trong động vật và cây cỏ, khai thác kinh nghiệm y học cổ truyền và nền văn minh ẩm thực của các dân tộc phương Đông, hạn chế tối đa việc đưa hóa chất vào cơ thể - thủ phạm của các phản ứng phụ, quen thuốc, nhờn thuốc. Với kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực y học cổ truyền, cộng thêm những tiềm năng to lớn của đề tài nguyên sinh học là những cơ sở quan trọng để Việt Nam đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất các loại TPCN từ cây cỏ thiên nhiên- một lĩnh vực có nhiều triển vọng.
Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh, cùng với đời sống, dân trí ngày một nâng cao, thì người dân cũng ngày càng có ý thức nhiều hơn với sức khỏe của mình. Nhu cầu bảo vệ và nâng cao sức khỏe được người dân từ đó cũng gia tăng. Bên cạnh việc ăn uống hàng ngày thì nhu cầu bổ sung các thực phẩm chức năng giàu vitamin tất yếu sẽ trở thành xu hướng tương lai. Hãng nghiên cứu thị trường Euromonitor trong báo cáo gần đây tin tưởng rằng sự phát triển của ngành TPCN thời gian qua đã chỉ ra rằng thị trường TPCN sẽ tăng trưởng một cách nhanh chóng với tốc độ tăng trưởng mỗi năm lên đến 20% trong 20 năm tới.
Điều đó cho thấy đây là một thị trường rộng mở và nhiều tiềm năng mà các doanh nghiệp trong nước có thể phát triển và khai thác. Tuy nhiên, đây là một lĩnh vực còn khá mới mẻ nên về mặt quản lý, các văn bản quản lý liên tục được xây dựng, sửa đổi và bổ sung qua các thời kỳ. Trên thực tế vẫn còn có những phản ứng trái chiều về TPCN. Việc “thần thánh hóa” hay tẩy chay TPCN đều là những quan niệm chưa đúng. Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân trong đó có việc những nhà sản xuất, phân phối quảng cáo quá “lố”, không đúng chuyên môn được cấp phép và một số nơi lại sản xuất, nhập lậu những loại TPCN giả, kém chất lượng.
Theo ý kiến của Ông Trịnh Đình Anh – Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty CP dược phẩm Quốc tế Abipha – một đơn vị có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh TPCN thì các đơn vị sản xuất TPCN trong nước đang gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận và phát triển thị trường cũng như nghiên cứu phát triển các công nghệ mới, tiên tiến như các nước khác. Một phần do tâm lý thích sử dụng hàng nhập khẩu của người tiêu dùng, một phần do chi phí xây dựng hệ thống phân phối, đầu tư sản xuất tại Việt Nam còn khá lớn ảnh hưởng trực tiếp đến giá thành sản phẩm. Chính vì vậy, năm 2017, công ty Cổ phẩn Dược phẩm Quốc tế Abipha đã mạnh dạn đầu tư xây dựng một nhà máy sản xuất dược phẩm và TPCN đạt tiêu chuẩn GMP hiện đại trên nền diện tích 18.000m2 tại Hà Nội nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về chất lượng sản phẩm, hiện đại hóa sản xuất để giảm thiểu chi phí. Nhà máy Công nghệ cao Abipha dự kiến đi vào hoạt động từ Quý 2 năm 2018 với mục tiêu trở thành một trong những thương hiệu hàng đầu Việt Nam về chăm sóc sức khỏe cộng đồng bằng các sản phẩm chất lượng cao từ thảo dược, được phát triển trên nền tảng kết hợp tinh hoa y học cổ truyền và hiện đại.
Các nhà quản lý đang hy vọng đến năm 2030, đa phần người dân sẽ “Hiểu đúng - Làm đúng - Dùng đúng” TPCN. Người tiêu dùng cũng sẽ đủ kiến thức để lựa chọn sản phẩm bổ sung phù hợp cho mình và gia đình, góp phần đẩy lùi các sản phẩm kém chất lượng, đưa đến cái nhìn đúng đắn về thị trường sản phẩm TPCN nói chung và các sản phẩm TPCN cần thiết nói riêng.