Thực hiện tốt công tác cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh
Năm 2016, tốc độ tăng trưởng kinh tế, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đều vượt kế hoạch đề ra, sản xuất công nghiệp phát triển với quy mô lớn, tạo động lực chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hương công nghiệp. Tính đến cuối năm 2016, đã có 164 dự án đầu tư vào khu công nghiệp, trong đó có 83 dự án FDI với tổng vốn đầu tư gần 7 tỷ USD và trên 80 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư trên 11 nghìn tỷ đồng.
Tính đến cuối năm 2016, đã có 164 dự án đầu tư vào khu công nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh. Ảnh: Hương Thảo |
Riêng các doanh nghiệp trong khu công nghiệp đã nộp ngân sách đạt trên 3.800 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho trên 90.000 lao động. Trong năm, tỉnh cũng đã thành lập mới Cụm công nghiệp Sơn Cẩm 2 tại huyện Phú Lương, nâng tổng số các Cụm công nghiệp toàn tỉnh lên 32 cụm với tổng diện tích trên 1,2 triệu ha. Việc triển khai nhân rộng làng nghề điểm, hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đào tạo, nâng cao tay nghề, xây dựng thương hiệu, quảng bá giới thiệu sản phẩm cho các hợp tác xã, làng nghề, được đặc biệt quan tâm…
Tuy nhiên, một số địa phương chưa xây dựng Đề án phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề, giá trị sản xuất công nghiệp khu vực địa phương ở một số huyện còn đạt thấp, việc thu hút các dự án vào cụm công nghiệp khó khăn do tiến độ xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp rất chậm. Công tác giải phóng mặt bằng chưa được thực hiện dứt điểm, một số dự án được cấp phép đầu tư nhưng không đảm bảo tiến độ. Nguồn kinh phí đầu tư cho phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp còn hạn chế. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất khu vực địa phương chủ yếu quy mô nhỏ, không có khả năng mở rộng sản xuất, công nghệ sản xuất giản đơn. Các làng nghề chưa được đầu tư về chiều sâu, chủ yếu theo quy mô hộ gia đình.
Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đề nghị các sở, ngành, địa phương cần tiếp tục tập trung rà soát, xây dựng, điều chỉnh cợ chế, chính sách phù hợp với thực tiễn, huy động nguồn lực của mọi thành phần kinh tế đầu tư phát triển. Quan tâm dành kinh phí phù hợp hỗ trợ phát triển tiểu thủ công nghiệp, làng nghề ở khu vực nông thôn. Chú trọng kêu gọi thu hút các nhà đầu tư có tiềm lực, sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại tạo ra các sản phẩm có sức cạnh tranh.
Thực hiện tốt công tác cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh. Tăng cường gặp gỡ, đối thoại, giải quyết kịp thời các khó khăn vướng mắc của các nhà đầu tư cũng như những khó khăn của các cụm công nghiệp, các làng nghề, đảm bảo cân đối cơ cấu phát triển công nghiệp với các thành phần kinh tế khác.