Thủ tướng: Quảng Nam có những giá trị chiến lược không thể bỏ qua
Bày tỏ vui mừng khi có gần 1.000 đại biểu có mặt tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhìn nhận “Quảng Nam có những giá trị độc đáo riêng có với những yếu tố chiến lược mà nhà đầu tư không thể bỏ qua”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Quảng Nam năm 2017. |
Cụ thể, Quảng Nam có vị trí thông thương rất thuận lợi; giàu tài nguyên rừng, tiềm năng lâm sản, dược liệu độc đáo, quý hiếm... Từ cách đây mấy thế kỷ, Hội An cũng như cả vùng Quảng Nam đã thành vùng "đất lành, chim đậu" của nhiều tàu buôn, thương điếm của nhiều thương gia tầm cỡ; Hội An - Quảng Nam đã hình thành một khu đô thị thương cảng phồn vinh của châu Á.
Những năm gần đây, quy mô kinh tế của Quảng Nam đứng tốp 20 cả nước với GDP tăng liên tục.
Thu nhập bình quân đầu người cao hơn mức bình quân cả nước. Thu ngân sách đứng trong tốp 10 cả nước.
Tầng lớp trung lưu tăng nhanh, làm thay đổi thị hiếu và cấu trúc tiêu dùng, nhu cầu và những đòi hỏi của người tiêu dùng ngày càng tinh vi và cao cấp hơn, điều này hứa hẹn làm tăng nhanh tính cạnh tranh, sức hấp dẫn của thị trường Quảng Nam trong tương lai.
Cùng với đó là lợi thế về hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội như “có 2 sân bay, có 2 cảng lớn ở 2 đầu”, có đường sắt, đường sông, sắp tới sẽ có đường cao tốc đi qua.
Về môi trường kinh doanh, Quảng Nam ngày càng hấp dẫn hơn và đứng nhóm đầu của Việt Nam.
“Hồi trước ở đây chỉ có bãi cát, bây giờ hình thành nên một doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam là Ô tô Trường Hải – Chu Lai với mấy tỷ USD. Ý chí con người cùng với điều kiện và thể chế thì không có điều gì chúng ta không vượt qua và tiến lên”, Thủ tướng nói.
Tuy nhiên, bày tỏ quan điểm "đàn sếu trong phát triển", Thủ tướng cho rằng Quảng Nam mới chỉ có một “con sếu lớn” là Ô tô Trường Hải - Chu Lai. “Chúng tôi muốn có nhiều con sếu lớn xuất hiện, bay trên bầu trời Việt Nam và Quảng Nam”, Thủ tướng bày tỏ.
“Với tư cách là Thủ tướng Chính phủ, tôi có lời kêu gọi những con sếu tiềm năng có mặt ở đây hoặc chưa có dịp có mặt ở đây cũng gia nhập đàn, cùng hiệp lực đưa Quảng Nam và đưa cả Việt Nam bay cao, bay xa hơn nữa”.
Thủ tướng cho rằng chìa khóa cho sự thành công của Quảng Nam nằm ở khả năng đánh thức tiềm năng về con người, vận dụng tốt các yếu tố tài nguyên, địa lý sẵn có và không gian liên kết kinh tế của các tỉnh miền Trung, nhất là là hai tỉnh lân cận.
Đặc biệt là cùng liên kết chiến lược chuỗi giá trị với các địa phương có lợi thế trong cả nước, như với tỉnh Vĩnh Phúc (vì Vĩnh Phúc cũng sản xuất ô tô như Quảng Nam), Hà Nội và TPHCM (vì đây là những thành phố lớn, khách quốc tế đến đông, cần kết nối để khách đến Hà Nội, TPHCM đều đến Quảng Nam).
Thủ tướng mong muốn địa phương cũng như doanh nghiệp đầu tư nâng cấp các ngành công nghiệp và dịch vụ thế mạnh hiện có của Quảng Nam thay vì lẻ tẻ, dàn trải nguồn lực. Để phát triển bền vững thì tỉnh phải đa dạng nguồn thu ngân sách tạo ra chứ không phải tập trung vào một doanh nghiệp lớn là Ô tô Trường Hải. Đừng quá phụ thuộc vào một doanh nghiệp, đặt Quảng Nam vào thế bấp bênh về ngân sách.
Đất đai rộng lớn song sống phân tán, sẽ làm tăng chi phí của các ngành kinh tế, chi phí cung cấp phúc lợi cho người dân, do đó, tỉnh Quảng Nam cần quy hoạch, bố trí lại dân cư hợp lý. Cần có chương trình phát triển cơ sở hạ tầng, sử dụng các dòng sông hiệu quả nhất. Vì vậy, cần tối ưu hóa lợi ích từ tính đa dạng của hệ thống sông ngòi để bù đắp chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng.
Muốn làm được tất cả điều đó, trong phát triển tổng thể và bền vững, Thủ tướng đề nghị tỉnh Quảng Nam phải có một quy hoạch tốt, nhất là phải có tầm nhìn xa, tránh các mâu thuẫn trong phát triển. “muốn làm du lịch dọc ven biển 130 cây số này thì không được làm công nghiệp gây ô nhiễm, không được làm ô nhiễm những dòng sông, khói bụi”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng nhấn mạnh cần nâng cao chất lượng hạ tầng để kết nối nền kinh tế với Đà Nẵng, Quảng Ngãi, các tỉnh khác… Không để lao động tha phương và cần đánh thức tiềm năng của con người Quảng Nam. Bên cạnh đó, cần thu hút người tài, người có nghề, người giàu vào sống, làm việc lâu dài cho Quảng Nam.
“Tôi đề nghị các nhà đầu tư có mặt hôm nay đăng ký một số khu vực để mua nhà để sống lâu dài ở Quảng Nam”, chia sẻ của Thủ tướng nhận được tràng vỗ tay tại hội trường.
Thủ tướng nhấn mạnh phải bảo đảm an sinh xã hội cho các gia đình chính sách, vùng miền núi, nông thôn, “chứ không phải một bên giàu quá, một bên nghèo quá”, để phát triển du lịch không chỉ ở vùng bờ biển mà lên cả miền núi với nền văn hóa đậm đà bản sắc của đồng bào các dân tộc.
Thủ tướng cũng đặt vấn đề về việc xây dựng một trung tâm du lịch tầm cỡ quốc tế ở Quảng Nam và đề nghị kêu gọi đầu tư du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, Quảng Nam nên đột phá trong kêu gọi đầu tư du lịch mang tính thời thượng kiểu Dubai như đua xe công thức, ô tô, mô tô phân khối lớn, trường dạy nghề du lịch, kết hợp các cuộc thi máy bay thể thao, máy bay cá nhân, bến du thuyền, tổ chức các festival du thuyền thế giới, trung tâm giải trí… “chứ phải không chỉ có tham quan, chỉ bán vé và ngủ”.
Về công nghiệp, tỉnh cần phát triển nhiều ngành kinh tế, từ công nghiệp sạch để phục vụ thương mại, dịch vụ du lịch; công nghiệp sản xuất điện, đi sâu chế biến lâm sản, dược liệu, thủy sản, trở thành trung tâm cơ khí ô tô của Việt Nam. Phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, dược liệu. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh với thứ hạng cao hơn. Cần xóa bỏ tư duy giới hạn về địa giới hành chính.
Với nhà đầu tư, Thủ tướng khẳng định tinh thần ba bên cùng thắng (Nhà nước, nhà đầu tư và cộng đồng, người dân). Nhà đầu tư cần nói đi đôi với làm, quan tâm bảo vệ môi trường, đối xử tốt với người lao động. Trong quá trình đầu tư, cần tìm giá trị gia tăng mới.
Thủ tướng cam kết Chính phủ sẽ tiếp tục giữ ổn định kinh tế vĩ mô, giữ môi trường hòa bình, hữu nghị với tất cả các nước, cùng hợp tác, cùng phát triển, trên nguyên tắc giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước. Xây dựng hệ thống pháp luật minh bạch, tạo môi trường kinh doanh tốt, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nhà đầu tư, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội để nhà đầu tư yên tâm làm ăn.
Cũng tại Hội nghị, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng và lãnh đạo các bộ, ngành, tỉnh Quảng Nam đã trao quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, thỏa thuận nghiên cứu đầu tư cho 33 dự án đầu tư với tổng vốn 15,8 tỷ USD.
Chiều cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự lễ khởi công xây dựng Nhà máy sản xuất lắp ráp xe ô tô THACO Mazda có tổng vốn đầu tư 12.000 tỷ đồng (tương đương 520 triệu USD) tại khu kinh tế mở Chu Lai, dự kiến hoàn thành và đưa vào hoạt động tháng 4/2018.
Phát biểu tại lễ khởi công, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh công nghiệp ô tô không chỉ là sản xuất ô tô mà còn là thương hiệu của một quốc gia nên tại kỳ họp vừa qua, Thủ tướng đã đề xuất Quốc hội xem xét những chính sách tạo điều kiện để Việt Nam có thể hình thành ngành công nghiệp sản xuất ô tô. Vì trên thế giới, những nước có từ 50 triệu dân đã có ngành công nghiệp ô tô, trong khi đó Việt Nam có thị trường tới gần 100 triệu dân.
Thủ tướng khẳng định chủ trương của Chính phủ trong thời gian tới là tạo mọi điều kiện thuận lợi cho công nghiệp phụ trợ ô tô phát triển; giao Bộ Tài chính nghiên cứu đề xuất chính sách tổng thể về nhập khẩu ô tô theo đúng cam kết quốc tế và có biện pháp cần thiết để bảo vệ ô tô sản xuất trong nước theo đúng pháp luật và các cam kết hội nhập.
Cũng trong ngày 26/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới dự và cắt băng khai trương Trung tâm Hành chính công và Xúc tiến đầu tư tỉnh Quảng Nam. Đây là mô hình kết hợp 3 chức năng trong 1 cơ quan: Chức năng giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân; chức năng xúc tiến đầu tư và chức năng hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm là tiếp nhận, giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính. Quảng Nam là tỉnh thứ 2 trong cả nước triển khai mô hình này./.