Thủ tướng: Nếu không đạt tăng trưởng sẽ ảnh hưởng đến nợ công
Phát biểu khai mạc phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 10 diễn ra vào sáng 29/10,
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các thành viên Chính phủ thảo luận kỹ lưỡng các giải pháp về tăng trưởng kinh tế để đạt 7,1 - 7,3%, bởi nếu không đạt tăng trưởng sẽ ảnh hưởng đến nợ công.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2016. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Với con số tăng trưởng kinh tế 3 quý chỉ đạt 5,93%, đây là thách thức lớn đối với mục tiêu tăng trưởng 6,3 - 6,5% cả năm. Tuy vậy, với tinh thần quyết tâm đạt mức tăng trưởng này, Thủ tướng chỉ đạo các thành viên Chính phủ tập trung thảo luận các giải pháp để quý 4 năm nay, tăng trưởng đạt 7,1 đến 7,3%.
“Số lượng tăng trưởng liên quan đến nhiều chỉ tiêu khác, nhất là vấn đề nợ công, nếu chúng ta không đạt số tuyệt đối về tăng trưởng. Đề nghị các bộ, ngành phải bàn sâu hơn, kỹ hơn để có giải pháp đảm bảo tăng trưởng đạt mục tiêu đề ra từ 6,3 - 6,5% cả năm. Trong đó có biện pháp giải ngân vốn đầu tư. Tôi đã phê bình một số bộ ngành có liên quan do chậm giải ngân”, Thủ tướng nói.
Cho rằng nhiều năm qua, kinh tế quý 1 luôn tăng trưởng thấp, còn hai quý cuối năm thường chạy nước rút thực hiện cho được các chỉ tiêu, khiến khó khăn trong điều hành kinh tế-xã hội, Thủ tướng chỉ đạo các bộ ngành phải khắc phục tình trạng này. Theo đó các bộ phải sớm có giải pháp cho tăng trưởng kinh tế quý 1/2017, thay vì bị động như suốt nhiều năm qua, và đây là nhiệm vụ ngắn hạn phải thực hiện ngay.
Thủ tướng đề nghị: “Tháng 11 năm nay phải nghĩ đến quý 1 của năm tới để chuẩn bị cho các vấn đề của năm 2017, không thể ăn Tết xong mới lo đến quý 1. Năm 2017, chúng ta phấn đấu đạt môi trường đầu tư nhóm 4 ASEAN. Do vậy các giải pháp khắc phục tồn tại phải được giải quyết ngay từ bây giờ, không để tiền nằm ở Hà Nội, cơ chế nằm ở Hà Nội, các tỉnh các ngành đang chờ đợi. Các Bộ trưởng phải lo ngay chuyện này, chứ không thể ăn Tết xong mới làm hay suốt ngày lễ hội không ai triển khai sẽ gây chậm trễ. Quý 1 tăng trưởng chậm, quý 2 chậm, quý 3, 4 vắt chân lên cổ mà chạy thì làm sao có thể điều hành được”.
So với mục tiêu lạm phát cả năm không quá 5%, tính đến tháng 10, chỉ số giá tiêu dùng đã là 4% so với tháng 12 năm ngoái. Riêng tháng 9 tăng tới 0,83%. Thủ tướng đánh giá, chỉ số giá tăng mạnh chủ yếu do dịch vụ y tế tại các tỉnh; giá dịch vụ vận tải tăng do xăng dầu tăng 2 lần trong tháng 10 và một số yếu tố khác. Do đó, Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành địa phương phải có biện pháp kiểm soát, không để lạm phát tăng quá chỉ tiêu Quốc hội giao, đảm bảo ổn định vĩ mô.
Thủ tướng cũng chỉ đạo các thành viên Chính phủ chuẩn bị các nội dung để trả lời chất vấn và giải trình trước Quốc hội |
Thủ tướng cũng chỉ đạo các thành viên Chính phủ chuẩn bị các nội dung để trả lời chất vấn và giải trình trước Quốc hội về các vấn đề kinh tế-xã hội vào tháng 11 tới. Cùng với việc Thủ tướng giải trình và trả lời chất vấn, Thủ tướng sẽ chỉ định các Phó Thủ tướng và các bộ trưởng trực tiếp trả lời tại hội trường về câu hỏi thuộc lĩnh vực các Bộ trưởng quản lý. Đây là điểm mới mà Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng phải lưu ý, chuẩn bị.
Về kết quả thực hiện các nhiệm vụ trong tháng 10, Thủ tướng đánh giá, Chính phủ đã tổ chức thành công sự kiện ngoại giao lớn nhất trong năm là 3 hội nghị quốc tế: Hội nghị Diễn đàn kinh tế thế giới về khu vực Mekong, Hội nghị Cấp cao Hợp tác Campuchia-Lào-Myanmar-Việt Nam lần thứ 8 và Hội nghị Cấp cao hợp chiến lược 3 dòng sông Ayaaywadi – Chaopraya – Mekong lần thứ 7. Các hội nghị này đã thu hút lãnh đạo các quốc gia, doanh nghiệp, các đối tác phát triển như Liên Hợp Quốc, Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), đại sứ các nước tham gia đông nhất từ trước đến nay. Với những nỗ lực trong công tác tổ chức, Việt Nam đã thể hiện được vai trò trong khu vực và quốc tế, để lại ấn tượng đối với các bên tham dự hội nghị, nhất là về những sáng kiến của Việt Nam trong quá trình tổ chức các hội nghị. Thủ tướng cho rằng, đây là những kinh nghiệm tốt để Việt Nam tổ chức tốt Hội nghị APEC 2017.
Về môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam vừa được Ngân hàng Thế giới xếp hạng tăng 9 bậc, đứng thứ 82/190 nền kinh tế và đứng thứ 5 trong khối ASEAN, Thủ tướng đánh giá đây là bước tiến đáng mừng. Có 5 chỉ tiêu thành phần có sự cải thiện rất rõ rệt, đó là thương mại xuyên biên giới, thực hiện hợp đồng, đóng thuế, tiếp cận điện năng nhiều bậc, riêng bảo vệ nhà đầu tư nhỏ lẻ tăng tới 31 bậc. Tuy vậy, một số chỉ tiêu thụt lùi như giấy phép xây dựng, tiếp cận vốn, thành lập doanh nghiệp, đăng ký tài sản. Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành phải rà soát, tìm nguyên nhân và đưa ra giải pháp để khắc phục những yếu kém này.
Trong tháng 10, con số đáng mừng là số doanh nghiệp mới thành lập tiếp tục tăng lên, đưa tổng số doanh nghiệp thành lập mới đến thời điểm này khoảng 92.000 doanh nghiệp. Thủ tướng đánh giá, năm nay, số doanh nghiệp thành lập mới có thể vượt con số trên 100.000 với quy mô vốn lớn hơn trước đây. Đặc biệt, trên 20.000 doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh là rất quan trọng, bởi số doanh nghiệp này nhanh chóng đi vào sản xuất kinh doanh./.