Thủ tướng dự Hội nghị tổng kết công tác năm 2016 của VPCP
Văn phòng Chính phủ xác định nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2017 là trung nâng cao chất lượng thẩm tra các văn bản quy phạm pháp luật, chống lợi ích nhóm, “tham nhũng chính sách”.
Trong năm qua, Văn phòng Chính phủ đã chủ động phối hợp chặt chẽ các Văn phòng Trung ương, các bộ, cơ quan, địa phương xây dựng các chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; đã chủ động phối hợp với các bộ, cơ quan tổng kết, đánh giá thực hiện Quy chế làm việc của Chính phủ; khẩn trương xây dựng, trình Chính phủ ban hành Quy chế làm việc của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV.
Hội nghị tổng kết công tác năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2017 của Văn phòng Chính phủ. (Ảnh: VGP). |
Văn phòng Chính phủ cũng đã tiếp nhận 121.000 văn bản, tham mưu tổng hợp trình lãnh đạo Chính phủ gần 15.000 Phiếu trình giải quyết công việc; ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành hơn 27.000 văn bản. Văn phòng Chính phủ cũng đã cập nhật gần 10.300 nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao cho các bộ, cơ quan, địa phương vào Hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu theo dõi; đã tham mưu thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ này.
Trong 5 tháng, Tổ công tác đã kiểm tra tại 13 bộ, cơ quan, địa phương, trong đó có cả Văn phòng Chính phủ. Qua kiểm tra, ý thức trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương của các bộ, cơ quan, địa phương đã có chuyển biến tích cực; số nhiệm vụ chưa hoàn thành quá hạn đến hết năm 2016 chỉ còn 2,18%, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2015 là 25%.
Trong công tác xây dựng Chính phủ điện tử, từ tháng 6/2016, Văn phòng Chính phủ đã thiết lập và đưa vào vận hành Hệ thống thông tin tiếp nhận, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ. Đến nay đã tiếp nhận trên 200 phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp; đã chủ trì xử lý hoặc chuyển cơ quan có thẩm quyền xử lý và công khai kết quả trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ.
Với chủ đề “Kỷ cương-Đổi mới-Chuyên nghiệp-Hiệu quả”, năm 2017, Văn phòng Chính phủ tập trung đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện những nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao cho các bộ, cơ quan, địa phương, đặc biệt là đối với các lĩnh vực được dư luận xã hội quan tâm. Phát huy và nâng cao hiệu quả hoạt động của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ; triển khai kiểm tra chuyên đề việc thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ, mở rộng kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức thực thi các chính sách pháp luật và công tác chỉ đạo điều hành của bộ, cơ quan, địa phương, nhằm tiếp tục giảm tỷ lệ nhiệm vụ quá hạn so với năm 2016.
Văn phòng Chính phủ cũng sẽ tập trung nâng cao chất lượng thẩm tra các văn bản quy phạm pháp luật và các chương trình, đề án trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, theo hướng Chính phủ kiến tạo, tăng cường phân cấp, hạn chế các công việc cụ thể trình lên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, chống lợi ích nhóm, “tham nhũng chính sách”, khắc phục tình trạng chậm ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh.
Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình nêu rõ, năm 2016 là năm chuyển giao của Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021 với rất nhiều thành viên Chính phủ mới. Do đó, nhiệm vụ của Văn phòng Chính phủ cũng hết sức nặng nề, góp phần quan trọng giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hoạt động hiệu quả hơn. Trong năm 2017, Phó Thủ tướng cho rằng, mỗi cán bộ, công chức, viên chức Văn phòng Chính phủ phải hết sức chú trọng nâng cao chất lượng tham mưu tổng hợp, từ khâu xây dựng chương trình, kế hoạch công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đến xử lý các đề án, dự án, hồ sơ phiếu trình cụ thể của các bộ, ngành, địa phương và giải quyết kiến nghị của tổ chức, cá nhân, người dân, doanh nghiệp.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình trao Huân chương Lao động cho các cá nhân có thành tích xuất sắc. (Ảnh: VGP). |
Trong quá trình tham mưu phải đúng; phải chú trọng phòng chống lợi ích nhóm, tham nhũng ngay trong việc xây dựng pháp luật, chính sách chế độ, chỉ đạo điều hành và trong xử lý công việc, kiến nghị, đề xuất.
Theo Phó Thủ tướng, trong tất cả các lĩnh vực tham mưu tổng hợp, Văn phòng Chính phủ phải hết sức chú trọng, không để sơ xuất, bảo đảm chất lượng chính sách, chế độ, pháp luật. Tập trung nâng cao chất lượng tham mưu, thẩm tra, trình ban hành các dự án luật, pháp lệnh, các văn bản quy định chi tiết, thi hành pháp luật và cơ chế chính sách.
Đồng thời, làm tốt công tác tham mưu giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo điều hành có hiệu quả công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh; tổ chức thực hiện cải cách thủ tục hành chính, kiểm soát thủ tục hành chính.
Trong công tác thông tin truyền thông, Phó Thủ tướng yêu cầu Văn phòng Chính phủ phải đặc biệt chú trọng đưa tinh thần chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đến các ngành, các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và người dân cả nước, nhất là tinh thần quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển, phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Trong đó, phải nêu nêu được nhiều tấm gương người tốt, việc tốt, những mô hình tốt, cách làm hay; phải chuyển tải được thông điệp Chính phủ kiên quyết nói không với tham nhũng, lãng phí; xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu, vi phạm pháp luật, không có vùng cấm trong xử lý các vụ việc tham nhũng, vi phạm pháp luật.
Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo Văn phòng Chính phủ chủ động nắm bắt tình hình thực tiễn, thông tin báo chí, dư luận và tiếp nhận phản hồi từ người dân, doanh nghiệp để kịp thời tham mưu, đề xuất xử lý phù hợp; tiếp nhận, trả lời kịp thời các kiến nghị của doanh nghiệp; đôn đốc, công khai kết quả xử lý phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp./.