Thủ lĩnh quán quân Nhân tài Đất Việt 2016: “StartUp không phải màu hồng!”
Tại lễ trao giải Nhân tài Đất Việt (NTĐV) năm 2016 diễn ra tối ngày 19/11, Giải nhất Công nghệ thông tin (CNTT) hệ thống Triển vọng trị giá 100 triệu đồng đã thuộc về nhóm tác giả Công ty CP Công nghệ chọn lọc thông tin (InfoRe) với sản phẩm Hệ thống phân tích ngữ nghĩa và quản trị tương tác mạng xã hội (SMCC).
Thủ lĩnh InfoRe – Lê Công Thành không phải là cái tên xa lạ trong “giới startup” Việt. Du học, về nước, lựa chọn đi theo con đường khởi nghiệp sáng tạo (startup), Lê Công Thành cho biết, đã phải trải qua vô vàn những khó khăn.
“Startup không phải là con đường màu hồng”, thủ lĩnh InfoRe chia sẻ với phóng viên Dân Trí bên lề sự kiện trao giải Nhân tài Đất Việt cuối tuần qua.
Lê Công Thành, Trưởng nhóm InfoRe |
Quá trình khởi nghiệp của các bạn xuất phát từ những ý tưởng như thế nào?
- Xuất phát điểm của chúng tôi là những bạn đang du học, hoặc đang làm việc ở nước ngoài và muốn đóng góp trí tuệ cho xã hội Việt Nam. Chúng tôi bắt đầu bằng một dự án gọi là Lietsi.com để cộng đồng có thể cùng số hóa những thông tin về liệt sỹ ở Việt Nam.
Lietsi.com ra đời năm 2012 và hiện giờ, dự án đã thu thập được 750.000 thông tin của các liệt sỹ và đăng tải lên internet để mọi người có thể tìm kiếm. Hàng tuần đều có những gia đình mà có người thân là liệt sỹ báo về cho chúng tôi. Đó là một dự án hoàn toàn phi lợi nhuận, hoàn toàn vì xã hội.
Song song với đó, chúng tôi cũng muốn ứng dụng những kỹ thuật và công nghệ phục vụ cho kinh doanh. SMCC là một sản phẩm khi chúng tôi nhìn thấy sự nở rộ của thông tin trên internet. Công nghệ này có thể giúp phân tích và khai thác rất tốt những thông tin đó.
Các bạn mất bao lâu để có thể hiện thực hóa được SMCC, biến ý tưởng thành hiện thực?
- Từ năm 2012 thì chúng tôi đã có ý tưởng về sản phẩm này, nhưng chúng tôi mới chỉ thực sự theo mô hình startup từ đầu năm nay và bắt đầu gọi vốn từ lúc đó. Đã có một quỹ đầu tư bỏ vốn vào phát triển sản phẩm, từ đó sản phẩm phát triển rất nhanh.
Manh nha về kỹ thuật thì đã có từ năm 2012, nhưng trước khi gọi được vốn, về cơ bản SMCC chỉ phát triển dưới dạng nghiên cứu kỹ thuật mà thôi chứ chưa phát triển dưới dạng sản phẩm.
Quá trình gọi vốn có gặp nhiều khó khăn không?
- Rất nhiều khó khăn! Ban đầu chúng tôi chỉ nghĩ rằng chỉ cần có ý tưởng tốt, có công nghệ tốt là các quỹ đầu tư sẽ bỏ tiền vào. Nhưng hóa ra không phải!
Khi đi gặp rất nhiều quỹ đầu tư thì chúng tôi mới thấy rằng, nếu như muốn nhà đầu tư bỏ vốn vào thì mình phải có kế hoạch ít nhất là 6 tháng hoặc 1 năm tới, làm thế nào để trình bày cho nhà đầu tư thấy kế hoạch mình sẽ tiêu khoản tiền đó ra sao và giúp cho công ty có thể gọi vốn vòng tiếp theo ra sao. Bởi, các nhà đầu tư chỉ có thể rút vốn, thu được lợi nhuận cho họ từ những vòng đầu tư tiếp theo mà thôi. Trong khi đó, những người làm startup thường không có kinh nghiệm quản trị dự án, không có kinh nghiệm lên kế hoạch.
Dòng vốn gọi vào đến thời điểm hiện tại là bao nhiêu?
- Hiện tại chúng tôi mới chỉ gọi vốn ở bước đầu và có nhà đầu tư đã bỏ vào 200.000 USD trong vòng hai năm.
Khó khăn nhất trong thời gian qua khi khởi nghiệp của các bạn là gì?
- Thực ra gọi vốn chỉ là một trong những khó khăn mà thôi. Khó khăn lớn nhất của chúng tôi có thể chính là từ trong đội ngũ sáng lập.
Chúng tôi trước đây có nhiều người sáng lập hơn bây giờ. Nhưng trong quá trình hoạt động, chúng tôi từng rất mù mờ về mô hình khởi nghiệp sáng tạo nên rất nhiều khúc mắc trong vận hành doanh nghiệp, thậm chí có những người đã bỏ công ty và chấm dứt quan hệ với những người ở lại.
Có những thời điểm, công ty đã phải đứng trước ngưỡng cửa giải tán, song nhờ tinh thần của những người ở lại, chúng tôi đã vực dậy được.
Điều gì mà bạn muốn nhắn nhủ với các bạn trẻ đam mê công nghệ và mong muốn khởi nghiệp?
- Con đường start-up không phải là con đường màu hồng, nó cần rất nhiều thứ, nhiều hơn chỉ là ý tưởng, nhiều hơn chỉ là công nghệ, nhiều hơn chỉ là sự quyết tâm. Nó còn cần khả năng kinh doanh, khả năng gọi vốn, khả năng quản lý dòng vốn, khả năng quản lý con người…
Vì vậy, nếu startup thì các bạn trẻ một mặt cần máu lửa, nhưng mặt khác cũng phải rất điềm tĩnh để trau dồi thêm nhiều phẩm chất khác. Bởi nếu chúng ta chưa đủ những mảnh ghép thì hoàn toàn có thể thất bại, tuy nhiên, nếu vững tâm bền chí, có thể sau một vài lần startup chúng ta sẽ đạt được những thành quả nhất định.
Thực tế có nhiều người tài năng đi du học nhưng rất ngại về nước vì cảm thấy không tự tin để bắt đầu công việc ở đây. Theo bạn thì làm thế nào để có thể huy động được nguồn lực tài năng sáng tạo từ những người như vậy?
- Mô hình của công ty chúng tôi đa phần mọi người đều du học ở nước ngoài, hiện giờ vẫn còn rất nhiều người chưa về nước. Thuận lợi của chúng ta hiện nay là môi trường làm việc trên internet rất tiện lợi, thoải mái, giúp chúng ta có thể làm việc với nhau dù có khoảng cách về không gian, các bạn ở nước ngoài cũng có thể làm việc với các nhóm ở Việt Nam.
Sở dĩ một số startup có thể phát triển được những phần khó mà công nghệ ở Việt Nam chưa làm được là nhờ những nhân lực rất quý báu từ những nước phát triển.
Mô hình mà chúng tôi muốn đề xuất với xã hội đó là dùng startup để khai thác được nguồn chất xám đang bị “chảy” ra nước ngoài thông qua việc thu hút những người đang làm việc ở nước ngoài tham gia cộng tác cùng với các startup Việt. Thực ra rất nhiều người muốn về nước làm việc nhưng chưa đáp ứng được kỳ vọng, nếu có một doanh nghiệp đủ tốt và được đầu tư vốn ở Việt Nam thì nhiều người sẽ về.
Đảng, Nhà nước, Chính phủ đang rất chú trọng phát triển khởi nghiệp, ưu tiên cho doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển. Các bạn có kỳ vọng gì về việc sẽ được hỗ trợ từ những chính sách mới?
-Hiện chúng tôi cần khơi thông những chính sách nhằm thu hút đầu tư nguồn vốn vào các startup vì khi đầu tư vào các startup thì tiền đầu tư đó sẽ phải “đốt” hoàn toàn vào quá trình phát triển của các doanh nghiệp đó – mâu thuẫn với nguyên tắc đầu tư thông thường là phải bảo tồn vốn và sinh lãi.
Ở các startup, trong quá trình phát triển, họ không quá quan tâm đến lãi, không quan tâm nhiều đến doanh thu mà quan tâm đến giá trị của doanh nghiệp. Vì thế rất khó để thu hút đầu tư vào các doanh nghiệp này.
Chúng tôi hy vọng những chính sách mới của Chính phủ sẽ giải quyết được khúc mắc này và hướng được dòng vốn, nhất là dòng vốn Nhà nước đến với các startup tốt hơn, nhờ vậy, các startup sẽ phát triển tốt hơn và làm lợi cho xã hội nhiều hơn.
Cảm ơn những chia sẻ của bạn và chúc InfoRe ngày càng phát triển!
SMCC là hệ thống phân tích thống kê thông tin trên mạng xã hội có đầy đủ chức năng của một hệ thống phần mềm dịch vụ SaaS (Software as a Service), hệ thống sử dụng các kỹ thuật Deep Learning tiên tiến để xử lý văn bản Tiếng Việt. SMCC có thể giúp nhận diện sớm các rủi ro khủng hoảng, giúp các doanh nghiệp kịp thời đưa ra các kịch bản ứng phó kịp thời, với chi phí thấp hơn nhiều lần so với chi phí xử lý khủng hoảng truyền thông... Theo đó, SMCC tự động thu thập thông tin mới từ các nguồn xuất bản nội dung đều đặn như báo - trang tin điện tử, diễn đàn mạng, các blog và mạng xã hội. Riêng với mạng xã hội, SMCC khai thác chủ yếu dữ liệu từ Facebook.com, mạng xã hội được sử dụng phổ biến nhất hiện nay tại Việt Nam. Từng nội dung từ các nguồn thông tin này được thu thập và phân tích ngữ nghĩa để phân loại, thống kê nội dung ấy đề cập tới đối tượng (nhân vật, thương hiệu, địa danh...) nào, với sắc thái tình cảm ra sao (rất tích cực, tương đối tích cực, rất tiêu cực, tương đối tiêu cực hay trung tính)... Cuối cùng, các thông tin được lưu trữ song song trên một hệ thống máy tìm kiếm tốc độ cao và một cơ sở dữ liệu cỡ lớn, phục vụ mọi mục đích truy xuất, tìm hiểu, theo dõi, giám sát thông tin của người sử dụng, làm nền tảng dữ liệu cho các phép toán thống kê trong hệ thống SMCC và hỗ trợ tích hợp dữ liệu với các hệ thống khác. Dữ liệu được Hệ thống quản trị trích xuất từ máy tìm kiếm với các yêu cầu tùy ý, cho phép cung cấp dịch vụ cho trên 10.000 người sử dụng với các nhu cầu phân tích thông tin không hạn chế. SMCC phù hợp với mọi quy mô tổ chức, doanh nghiệp, từ các doanh nghiệp vừa và nhỏ tới các tổng công ty, tập đoàn lớn nhằm phục vụ trong tiếp thị, quan hệ công chúng, quản trị thương hiệu – khủng hoảng, chăm sóc khách hàng; hay các tổ chức, đơn vị nhà nước sử dụng trong công tác hành chính, và an ninh quốc phòng. |