Thông qua nghị quyết thành lập thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu
Sáng nay (12/4), tại phiên họp 23, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận và biểu quyết thông qua nghị quyết với tỷ lệ 100% tán thành việc thành lập thị xã Phú Mỹ và 5 phường thuộc thị xã Phú Mỹ (Phú Mỹ, Hắc Dịch, Mỹ Xuân, Phước Hòa và Tân Phước), tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và thị trấn Phước Cát thuộc huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng.
Phiên họp 23 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội |
Theo đó, thị xã Phú Mỹ được thành lập trên cơ sở nguyên trạng huyện Tân Thành và thành lập các phường trên cơ sở nguyên trạng các xã thuộc huyện Tân Thành nhằm tạo cơ sở pháp lý và tiền đề cho địa phương phát huy tiềm năng, thế mạnh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống của nhân dân trên địa bàn, phát huy mạnh mẽ chức năng đô thị trung tâm công nghiệp, dịch vụ cảng, đầu mối giao thông, giao lưu trong tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội cũng nhấn mạnh, việc thành lập phường và thị xã đòi hỏi đội ngũ cán bộ, công chức ở phường và thị xã phải được đào tạo, bồi dưỡng để đáp ứng với yêu cầu, đặc điểm của đơn vị hành chính đô thị; cần có phương án sắp xếp, bố trí lực lượng Công an phường trong tổng số biên chế hiện có để không làm tăng biên chế mà vẫn bảo đảm chất lượng, hiệu lực, hiệu quả; có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực cho cán bộ, công chức trên địa bàn.
Uỷ ban này cũng đề nghị chính quyền tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có phương án sắp xếp, sáp nhập để giảm số lượng thôn, tổ dân phố và những người hoạt động không chuyên trách trên địa bàn của các xã, phường thuộc thị xã Phú Mỹ và của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu theo chủ trương đã xác định trong nghị quyết của Đảng và nghị quyết của Quốc hội.
Còn thị trấn Phước Cát (thuộc huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng) được thành lập trên cơ sở nguyên trạng xã Phước Cát 1. Việc lấy tên gọi thị trấn Phước Cát bởi đây là địa danh nguyên thủy trước khi điều chỉnh chia tách thành 2 xã (Phước Cát 1 và Phước Cát 2).
Hơn nữa, địa danh Phước Cát đã được biết đến là nơi giao thương, trao đổi hàng hóa của nhân dân các vùng lân cận như chợ Phước Cát, Hợp tác xã nông nghiệp Phước Cát và chùa Phước Cát có tên trong lịch sử từ lâu đời, đã đi vào tiềm thức của nhân dân trong vùng. Việc đặt tên thị trấn là Phước Cát được đánh giá là phù hợp và đã được 99,98% cử tri địa phương dự họp tán thành./.