Thiếu thốn cuộc sống trọ học của học sinh vùng cao
Đinh Thị Bé (thôn Hà Riềng, xã Trà Phong) năm nay học lớp 9. Trường THCS Trương Ngọc Khang nơi Bé theo học cách nhà 5 km đường rừng. 5 km ấy, Bé phải đi bộ mất 3 giờ đồng hồ. Cũng vì thế, bắt đầu từ lớp 6, khi Bé chưa cao bằng cây lúa rẫy đã phải xa nhà trọ học.
Năm học trước, lều trọ học của Bé được dựng dưới cánh đồng ở trung tâm xã Trà Phong. Năm học mới này, những túp lều phải nhường chỗ cho cây lúa. Ba mẹ Bé và 3 chị em khác cùng ở Hà Riềng phải xin đất dựng một túp lều tạm khác ven đường.
"Phòng này có 4 chị em cùng thôn ở chung, hôm nay 2 em đi học chỉ còn con và chị Mùi ở nhà. Phòng nhỏ nên không có bàn ghế gì cả, mời chú ngồi trên giường", Bé nói rồi cùng Hồ Thị Mùi dọn dẹp sách vở.
Những chiếc giường ghép tạm cũng chính là bàn học của học sinh nghèo huyện Tây Trà |
Giữa ban ngày, túp lều tạm vẫn tối om. Vật dụng to nhất và cũng là duy nhất trong căn phòng chính là chiếc giường ghép tạm bằng những thân lồ ô. Chiếc giường là nơi ngủ nghỉ, học bài và cũng là... bàn tiếp khách. Trên tường, một thanh gỗ được cột tạm vào vách chứa những cuốn sách đã sờn gáy dù mới đầu năm học.
Lộ rõ vẻ ái ngại, Hồ Thị Mùi (lớp 12A2, trường THPT Tây Trà) - chị cả trong phòng, giải thích: "Đất thì mượn tạm, rồi thiếu tiền mua vật liệu nên chỉ dựng vừa đủ cho 4 chị em ở. Ở đây tụi cháu làm gì cũng trên chiếc giường này cả".
Những căn lều tạm nằm nép mình bên cạnh nhà dân là nơi trọ học của hàng trăm học sinh |
Ở trên này vẫn tốt hơn hồi trước ở dưới ruộng, Mùi nói thêm, lúc trước lều dưới ruộng thường bị ngập nước mỗi khi mưa. Vậy nên, mưa lớn là 4 chị em tìm đến nơi khô ráo nhất chính là chiếc giường.
"Có lên giường tụi cháu cũng bị ướt do nước mưa tạt vào, tôn lợp thì cũ nên dột nữa. Những ngày mưa lớn phải dọn hết quần áo, sạch vở lên giường che chắn lại. Tội nhất là mấy đứa nhỏ ướt, lạnh không có chỗ ngủ", Mùi nói rồi quay đi nhìn vào những khoảng trắng trống hoác trên mái nhà.
Thiếu tiền mua vật liệu nên những căn lều của học sinh Tây Trà đều tạm bợ, trống hoác |
Cuộc sống trọ học trong túp lều tạm của 4 học sinh nghèo cái gì cũng thiếu, chỉ có tình cảm là đủ đầy, Hồ Thị Mùi bảo thế.
Với vai trò là chị cả nên Hồ Thị Mùi là người siêng năng về nhà nhất. Khoảng 2 tuần, Mùi băng rừng về nhà một lần. Về để xin gạo, xin thêm vài chục ngàn đồng mua thực phẩm.
"Hà Riềng khổ lắm nên mỗi lần về nhà chỉ xin gạo, còn tiền lúc có lúc không. Mà có tiền thì cũng hai ba chục ngàn. Tiền này để dành mua mắm muối, còn thức ăn thì tụi cháu vào rừng hái rau, bắt ốc đá. Dù khó khăn chúng cháu cũng muốn được đến trường", đôi mắt to tròn, đen láy của cô học trò người Cor sâu thăm thẳm.
Bữa tối với rau rừng, ốc đá... |
Trò chuyện với phóng viên Dân trí, thầy Lê Thanh Tâm - Phó hiệu trưởng Trường THPT Tây Trà chia sẻ: Tây Trà là huyện nghèo nhất của tỉnh Quảng Ngãi nên đời sống của học sinh ở đây gặp rất nhiều khó khăn. Dù đã nỗ lực nhưng nhà trường vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu bán trú cho tất cả học sinh.
Năm học 2017 - 2018, Trường THPT Tây Trà có trên 600 học sinh, trong đó có gần 200 em phải trọ học ở nhà dân hoặc trong các túp lều dựng tạm.
"Nhìn các em ở trong các túp lều tạm để học thương lắm nhưng lực bất tòng tâm. Ở đó mùa mưa thì ướt mà nắng nóng thì như thiêu, như đốt. Điều kiện sinh hoạt như vậy ảnh hưởng đến việc học tập của các em rất nhiều", thầy Tâm trăn trở.
Cùng nỗi niềm đó, ông Phạm Sơn - Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tây Trà, cho biết: toàn huyện có gần 800 học sinh có nhu cầu bán trú, tuy nhiên số phòng bán trú chỉ đáp ứng được một nửa nhu cầu này. Số học sinh còn lại phải đi về trong ngày, những học sinh ở quá xa thì ở trọ, ở lều tạm vô cùng khó khăn.
"Theo kế hoạch, năm học 2017 - 2018 huyện Tây Trà sẽ thành lập 3 trường phổ thông dân tộc bán trú. Tuy nhiên, vẫn chưa giải quyết được chỗ ở cho các em nên chưa thành lập được. Chúng tôi rất mong nhận được sự hỗ trợ xã hội hóa để giúp học sinh nghèo có nơi trọ học khang trang hơn", ông Sơn nhấn mạnh.
Hà Xuyên