Thi THPT Quốc gia: Vẫn băn khoăn về mục tiêu tổ chức thi
Dù Bộ GD-ĐT khẳng định, kỳ thi THPT quốc gia tiếp tục được giữ ổn định đến khi áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới (tức là từ năm 2019 đến năm 2023), nhưng xã hội vẫn còn những băn khoăn về mục tiêu, tính hợp lý cũng như phương thức tổ chức kỳ thi này.
Tại phiên giải trình về thực hiện chính sách pháp luật trong tuyển dụng, sử dụng đội ngũ giáo viên và tổ chức kỳ thi THPT quốc gia do Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức mới đây, những băn khoăn, lo lắng này lại được các đại biểu nêu ra với Bộ GD-ĐT.
Học sinh tham dự kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018. |
Các đại biểu, chuyên gia giáo dục đã chỉ ra nhiều tồn tại của kỳ thi THPT quốc gia qua 4 năm tổ chức như: tỷ lệ đỗ tốt nghiệp cao, luôn trên 90% không phản ánh đúng chất lượng học sinh, điểm thi môn Lịch sử và Ngoại ngữ thấp, đề thi năm thì dễ, năm thì khó, sai phạm trong chấm thi ở một số địa phương do quy trình tổ chức thi chưa chặt chẽ... Một số đại biểu phân tích, những bất cập liên tục xuất hiện trong 4 năm tổ chức là do Bộ GD-ĐT chưa xác định được mục tiêu chính của kỳ thi THPT quốc gia là xét tốt nghiệp hay xét tuyển đại học, cao đẳng.
Ông Cao Đình Thưởng, đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ cho rằng, do chưa xác định được đúng mục tiêu bản chất nên kỳ thi không hiệu quả, gây tốn kém và tiêu cực: “Không hợp lý bởi lẽ, trong một số khoảng 1 triệu học sinh thi THPT quốc gia thì có tới gần 1 nửa học sinh không có nguyện vọng thi vào đại học, cao đẳng, nhưng những học sinh đó vẫn phải làm đề thi của học sinh thi vào đại học, cao đẳng. Cho nên họ cho rằng đây là một sự bất công đối với sự phân luồng. Một nửa triệu bài thi mang đi chấm mà không vào đại học cho nên tăng cường số giáo viên chấm, phương tiện chấm, rồi giáo viên coi chéo... tốn kém”.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình, Luật Giáo dục không đặt mục tiêu xét tuyển đại học cho kỳ thi THPT mà chỉ nêu khi hoàn thành chương trình học THPT lớp 12, thí sinh có quyền thi phổ thông. Tuy nhiên, kỳ thi lại có hai mục tiêu là vừa xét tốt nghiệp THPT, vừa xét tuyển đại học, cao đẳng đã gây khó khăn trong khâu ra đề thi và quy trình tổ chức thi.
“Phải cân nhắc lại vấn đề thi trắc nghiệm đối với môn tổ hợp là gì. Thực sự đây là liên hợp chứ không phải tổ hợp. Mỗi một môn là thi 50 phút, nghỉ 10 phút, rồi thi 50 phút, trong một buổi sáng các em thi 3 môn. Vì cách thi này , các em phải qua thi bên xã hội nó dễ hơn. Trong 150 phút mà thi Hóa, Lý, Sinh, tôi nghĩ rằng các em sẽ rất căng thẳng, Do đó thà 150 phút đó, các thi là Sử, Địa và Giáo dục công dân nhẹ hơn rất nhiều. Ta thấy điểm cao nhất là điểm giáo dục công dân”, ông Phan Thanh Bình nói.
Từ thực tế này, một số đại biểu đề nghị Bộ GD-ĐT cần xác định rõ mục tiêu chính của kỳ thi THPT quốc gia là để xét tốt nghiệp hay xét tuyển đại học, cao đẳng, để từ đó tổ chức thi, ra đề thi, chấm thi phù hợp. Đề xuất về mục tiêu của kỳ thi, ý kiến của các đại biểu đang chia thành 2 nhóm. Một nhóm cho rằng kỳ thi này nên xác định mục tiêu là xét tốt nghiệp THPT, còn việc xét tuyển đại học, cao đẳng để các trường tự chủ. Nhóm còn lại thì cho rằng, nên để mục tiêu là xét tuyển đại học, cao đẳng, do các trường đại học chấm thi, việc xét tốt nghiệp nên giao cho các địa phương, hoặc các trường phổ thông tự tổ chức.
Giải trình về các nội dung xung quanh kỳ thi THPT quốc gia, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định, mục tiêu của kỳ thi THPT quốc gia là xét tốt nghiệp THPT, kiểm tra xem nội dung, phương pháp, chất lượng dạy học thế nào, từ đó có điều chỉnh. Qua quá trình đánh giá lại đề thi trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 cho thấy, đề thi chưa đạt được mục tiêu chính là xét công nhận tốt nghiệp THPT nên trong năm 2019 sẽ chỉnh sửa để đề thi phù hợp hơn.
“Đến năm 2019 chỉnh về mặt kỹ thuật, theo hướng đây là đề thi của THPT quốc gia, bám sát vào yêu cầu cần đạt khi tốt nghiệp trung học, làm một cách minh bạch, công khai. Còn các trường đại học sử dụng đó là việc của họ, chứ không phải là hiểu thuần túy là “2 trong 1” mà ép học sinh thi cả vào đại học. Tới đây, chủ yếu lớp 12, những cái căn bản thì ra đề chúng tôi đang chỉ đạo để xây dựng ngân hàng câu hỏi chuẩn hóa và bài thi sát với đối tượng này là chính”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết.
Về tỷ lệ thí sinh đỗ tốt nghiệp THPT nhiều năm qua luôn trên 90%, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ thừa nhận có lý do dùng phương thức kết hợp giữa điểm thi và điểm học bạ lớp 12 để xét tốt nghiệp. Trong kỳ thi THPT Quốc gia, thực chất điểm học bạ giống như “phao cứu sinh" để nâng cao tỷ lệ đỗ tốt nghiệp. Bộ đang từng bước tiến tới chỉ đánh giá quá trình thông qua điểm học bạ ở một mức độ nhất định, còn tăng cường tính điểm của kỳ thi để xét tốt nghiệp, nhằm đưa mục đích của kỳ thi THPT quốc gia về thực chất hơn./.