Thêm một hãng CN Mỹ ngừng hợp tác, Huawei tan “giấc mộng” tự thiết kế và sản xuất chip
Huawei hiện tại đang sở hữu hai công ty phát triển chip của riêng mình là Kirin (chuyên phát triển chip cho di động) và Balong (chuyên phát triển chip modem trên các thiết bị cao cấp). Điều này giúp Huawei có thể tự chủ trong việc sản xuất chip mà không cần phụ thuộc vào các đối tác tại Mỹ.
Tuy nhiên trên thực tế, Huawei không thực sự tự chủ và có thể sống thiếu các đối tác bên ngoài, đặc biệt các công ty từ Mỹ.
Trong năm 2018, Huawei đã chi ra 11 tỷ USD để mua linh kiện từ các nhà sản xuất chip tại Mỹ như Qualcomm, Intel hay Micron... Một nguồn tin từ nội bộ của Huawei còn tiết lộ rằng những linh kiện mà Huawei mua từ các đối tác tại Mỹ không thể thay thế bởi các nhà cung cấp tại Trung Quốc, ít nhất là trong vài năm tới.
Huawei đang gặp nhiều trở ngại trong tham vọng tự thiết kế và sản xuất chip của riêng mình |
Tuần trước, tham vọng tự thiết kế và sản xuất chip của Huawei đã bị “dội gáo nước lạnh” sau khi hãng thiết kế chip ARM đã thông báo “tạm dừng tất cả các hợp đồng, các hoạt động hỗ trợ và bất kỳ cam kết nào” với Huawei do lệnh cấm các hoạt động thương mại với Huawei từ phía Mỹ.
ARM hiện đang là công ty thiết kế kiến trúc cho cả chip vi xử lý (CPU) lẫn vi xử lý đồ họa (GPU), sau đó bán bản quyền thiết kế này cho các hãng công nghệ để có thể tự xây dựng những chip xử lý của riêng mình. Hiện ARM có thể xem như là “nguồn sống” cho thị trường smartphone, khi hầu như tất cả các loại vi xử lý di động trên thị trường, từ Qualcomm, MediaTek, Exynos của Samsung hay Apple... đều được xây dựng dựa trên kiến trúc chip của ARM.
Huawei cũng không ngoại lệ. Mặc dù Huawei đã có thể tự thiết kế và sản xuất chip, tuy nhiên Huawei vẫn đang phải mua bản quyền thiết kế kiến trúc chip từ phía ARM để tự phát triển chip cho riêng mình. Việc ARM ngừng hợp tác với Huawei đồng nghĩa với việc sẽ không tiếp tục bán bản quyền thiết kế chip và bộ hướng dẫn của hãng cho Huawei, lúc này Huawei sẽ “tan giấc mộng” tự thiết kế chip để sử dụng cho riêng mình mà không cần phụ thuộc vào các đối tác tại Mỹ.
“Cơn ác mộng” của Huawei vẫn chưa dừng lại tại đó, khi mới đây Synopsys, hãng phần mềm có trụ sở tại bang California (Mỹ) cũng đã yêu cầu các nhân viên của mình ngừng mọi thỏa thuận hợp tác với Huawei.
Synopsys là nhà cung cấp phần mềm thiết kế chip lớn nhất thế giới hiện nay. Synopsys còn cung cấp các công cụ thử nghiệm thiết kế của chip trên phần mềm trước khi bước vào giai đoạn thử nghiệm thực tế trên sản phẩm hoàn thiện.
Theo hãng tin Nikkei (Nhật Bản) thì sau khi ngừng hợp tác, Huawei vẫn có thể tiếp tục sử dụng các phần mềm thiết kế chip hiện có, nhưng Synopsys sẽ không tiếp tục cung cấp các bản nâng cấp về phần mềm thiết kế chip do mình phát triển cho Huawei trong tương lai. Động thái này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các chương trình tự phát triển chip của Huawei hiện nay và khiến Huawei sẽ bị các đối thủ khác bỏ xa trên thị trường di động, như Apple hay Samsung... đều đang sử dụng các mẫu chip do chính mình thiết kế.
“Sẽ rất khó khăn cho Huawei khi thiết kế chip mới của họ mà không có bản cập nhật phần mềm, vì toàn bộ quy trình sản xuất chip sẽ trở nên rất phức tạp”, một lãnh đạo trong ngành công nghiệp bán dẫn chia sẻ với Nikkei. “Các bản cập nhật phần mềm sẽ giúp các nhà phát triển chip đồng bộ hóa với các nhà máy sản xuất chip và giải quyết các lỗi”.
“Nó giống như mò mẫm để thiết kế chip trong bóng tối. Sẽ mất rất nhiều thời gian và kết quả có thể dẫn đến thất bại”, một nguồn tin khác cho biết.
Ngoài Synopsys thì chỉ còn Cadence Design Systems Inc, một hãng phần mềm khác cũng của Mỹ, nhà cung cấp các công cụ cần thiết để Huawei có thể tự thiết kế chip của mình. Cadence hiện cũng là một đối tác và chưa có động thái nào cho thấy hãng sẽ ngừng hợp tác với Huawei trong tương lai, tuy nhiên trước sức ép của chính phủ Mỹ, việc Cadence không tiếp tục hợp tác với Huawei là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
Ít được biết đến bên ngoài ngành công nghiệp bán dẫn, tuy nhiên Synopsys đóng vai trò rất quan trọng trong ngành công nghiệp này khi là một trong số ít các nhà cung cấp công cụ để phát triển chip cũng như xây dựng quy trình sản xuất.
Với việc bị cả ARM lẫn Synopsys ngừng hợp tác, có thể nói “giấc mộng” tự thiết kế và sản xuất chip của Huawei đã gần như tan vỡ.