Thầy trò Pá Mỳ mong lắm một cây cầu
Những chiếc bè vượt suối được kết lại bằng 10 cây nứa tre, chỉ chở tối đa 5 người. Thầy cô để cả xe máy lên bè, có lần xe rớt xuống lòng suối thì coi như mất hẳn vì khó tìm được, hoặc nếu vớt lên cũng hư hỏng nặng.
Thầy cô trường Pá Mỳ chèo bè vượt suối dữ |
“Đoạn suối này cũng từng có người dân chết đuối. Vào mùa mưa, việc bơi qua suối lấy bè khi dòng nước lớn chảy xiết là chuyện thường xuyên”, thầy Lù Văn Thiết (giáo viên trường Phổ thông Dân tộc Bán trú tiểu học Pá Mỳ, Điện Biên) cho hay.
Từng tốp thầy cô vượt suối. |
Thầy Lù Văn Thiết cho biết thêm, mùa cạn ở đây thường có cây cầu gỗ do thầy cô vận động người dân ở các điểm bản cùng làm nên để đi. Nhưng cứ hễ mùa mưa thì cây cầu bị cuốn phăng. Thầy trò qua suối đều không có đồ bảo hộ hay áo phao, người chèo bè phải rất chắc tay bởi lẽ gặp dòng nước xoáy thì người ngồi trên bè cũng hoảng loạn, mất thăng bằng. Mùa cạn mực nước ở suối cũng sâu đến ngang lưng người lớn do vậy khá nguy hiểm.
Theo thầy Thiết, đây là chặng đường di dạy của thầy cô thuộc một xã chứ không phải trục đường chính vào huyện. Để đến điểm bản dạy, không chỉ thầy giáo mà các cô giáo (thường là giáo viên mầm non) cũng phải “thót tim” vượt suối.
Là một thầy giáo người Thái đã công tác ở Điện Biên được 6 năm, thầy Lù Văn Thiết cho biết, khó khăn nhất là đường sá đi lại. “Ở khu vực của chúng tôi thậm chí vào bản không có đường xe đi, mùa mưa đường rải đất đá bị xói trơ chỉ còn toàn bùn lầy”, thầy Thiết chia sẻ.
Do vậy, ước mong tha thiết của thầy trò Pá Mỳ là có một cây cầu bắc qua suối dữ. Thầy Thiết cho hay, các thầy cô nơi đây đã nhiều lần kiến nghị lên UBND huyện, chính quyền hứa hẹn sẽ xây nhưng nhiều năm rồi giáo viên vẫn phải bất chấp gian nguy để chèo bè vượt suối đến với các học trò.
Mùa mưa này, mực nước của con suối qua sông Nậm Nhé, Pá Mỳ khá sâu, dòng nước xiết mạnh. |
Thầy Lù Văn Thiết và các học trò vùng cao Pá Mỳ, Điện Biên. |
Mùa nào, thầy cô cũng phải qua vượt qua sông Nậm Nhé mới đến được với học trò. |