Thay đổi mô hình hoạt động, thư viện gần hơn với công chúng
Không chỉ là nơi cung cấp thông tin phục vụ nhu cầu học tập, nghiên cứu và giải trí của nhân dân, hệ thống thư viện tại các tỉnh/thành phố đang có nhiều đổi mới nhằm chủ động thu hút công chúng. Bằng việc tổ chức nhiều hoạt động cung cấp dịch vụ, các thư viện từng bước đã trở thành điểm đến hấp dẫn, góp phần khơi nguồn sáng tạo cho người đọc.
Huy động nhiều nguồn lực cùng tham gia, tổ chức những chương trình giao lưu, tuyên truyền thông qua những tấm gương điển hình từ thực tế, kết hợp đa dạng nghệ thuật thể hiện như kể chuyện, kịch, hò, vè, ca, múa, nhạc, làm sinh động nội dung học tập chính trị, tổ chức các lớp học kĩ năng cho trẻ vị thành niên có thu phí... là những thành công bước đầu của thư viện tỉnh Đồng Tháp kể từ khi thay đổi mô hình hoạt động.
Không thụ động chờ đợi bạn đọc đến với mình, thư viện đã chuyển đổi sang các hoạt động dịch vụ, chủ động về với nông thôn. Mỗi năm, thư viện đã tổ chức 26 đợt đưa mô hình hoạt động vì cộng đồng phục vụ tại tỉnh và cơ sở, tuyên truyền đến hơn 18.000 lượt người, tạo sức lan toả mạnh mẽ không chỉ ở tỉnh Đồng Tháp mà còn với nhiều tỉnh lân cận.
Bà Nguyễn Thị Hoa, Giám đốc Thư viện tỉnh Đồng Tháp cho rằng: muốn thu hút công chúng thì thư viện phải là đầu mối liên kết, hỗ trợ các tổ chức, đơn vị cùng chung tay triển khai các chương trình, dự án: “Nhiều người đến với mình không chỉ để đọc sách mà còn để giao lưu, học tập để phát triển các dự án khởi nghiệp. Ở thư viện có chỗ dành cho các thanh niên bày tỏ trí sáng tạo của mình về một công việc nào đó, nhằm giới thiệu cho mọi người biết tôi mong muốn làm việc gì và đầu tư với ai. Cho nên chúng tôi đã phát động chương trình "Tuổi trẻ trái tim" dành cho các đoàn viên thanh niên làm việc, giúp đỡ cho người khuyết tật tại thư viện tỉnh Đồng Tháp.”
Điểm đọc sách miễn phí dành cho thiếu nhi |
Không chỉ tạo không gian đọc cho các em thiếu nhi nội thành, chương trình “Thư viện lưu động- bánh xe tri thức”, "Hướng dẫn kĩ năng đọc sách cho thanh thiếu nhi vùng sâu, vùng xa" của Thư viện Hà Nội, Thư viện các tỉnh Nghệ An, An Giang, Thái Nguyên... cũng hoạt động thường xuyên, hướng đến độc giả nhỏ tuổi ở các vùng nông thôn.
Đối với thư viện lưu động, sách được để trong các thùng, hộp có bánh xe đẩy đi khắp sân trường giúp học sinh có thể tiếp cận với sách. Đặc biệt, mỗi dịp hè là lúc các thư viện tăng cường nguồn sách lưu động, đổi mới cách tra cứu sách và phòng đọc internet miễn phí phục vụ bạn đọc ở nông thôn. 5 năm qua, chương trình "Thư viện lưu động- bánh xe tri thức” đã góp phần rút ngắn khoảng cách chênh lệch về mức hưởng thụ văn hóa giữa bạn đọc nội thành và ngoại thành.
Bà Nguyễn Thị Tú Anh, Giám đốc Thư viện tỉnh Nghệ An cho biết: “ Với Thư viện tỉnh Nghệ An, hiện tại đang phục vụ lưu động ở hai điểm: làng trẻ SOS và phục vụ cho người khiếm thị. Hiệu quả của phục vụ lưu động có ý nghĩa cực kì to lớn. Đó là truyền bá, khơi dậy tinh thần ham đọc sách cho người dân và đặc biệt là thế hệ trẻ. Mỗi một điểm luân chuyển như vậy lại hình thành thói quen đọc sách cho các bạn trẻ, cho người dân và sau đó mình lại luân chuyển sách và cho mượn tập thể, vừa tạo sự năng động cho cán bộ thư viện, vừa khích lệ được tinh thần học hỏi của người dân.”
Các em thiếu nhi đọc sách sau giờ học |
Đến nay, các thư viện tỉnh, thành phố đã trở thành cầu nối với hình thức luân chuyển sách từ thư viện tỉnh, huyện đến thư viện, phòng đọc sách ở các xã, thư viện trường học, đảm bảo luôn có sách mới phục vụ bạn đọc.
Cán bộ thư viện cũng góp phần xây dựng và mở rộng các mô hình đọc sách ở cơ sở, đưa sách tới các khu nhà trọ công nhân, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; triển lãm, giới thiệu sách báo trên bảng tin thư viện và Đài truyền thanh, xây dựng các tủ sách ở quy mô nhỏ bằng nguồn xã hội hóa...Tiêu biểu như Thư viện Khoa học tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh với 100 chuyến xe lưu động/năm, Thư viện tỉnh Yên Bái phục vụ hơn 140 chuyến với gần 260 nghìn đầu sách luân chuyển.
Bà Vũ Dương Thúy Ngà, Vụ trưởng Vụ Thư viện, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch khẳng định: 5 năm trở lại đây, tùy điều kiện cụ thể, nhiều sáng kiến của các thư viện địa phương đã được triển khai hiệu quả: “Có những nơi được tỉnh quan tâm, đầu tư, có thể triển khai với quy mô rộng. Có những nơi gần như không có sự đầu tư gì thì bản thân những người làm công tác văn hóa vẫn tạo ra những sản phẩm, dịch vụ để hướng tới cộng đồng. Họ hoàn toàn chủ động. Với vai trò là cơ quan quản lý, chúng tôi sẽ phổ biến nhân rộng điển hình cũng như kinh nghiệm để triển khai đề án học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa sẽ hiệu quả hơn trong tương lai.”
Không thụ động chờ đợi bạn đọc đến với mình, bằng các hình thức quảng bá, tuyên truyền, đổi mới phương thức hoạt động, phát huy nguồn lực thông tin tư liệu hiện có, mở rộng các dịch vụ mới trong thư viện, hệ thống thư viện ở địa phương đang thay đổi để làm mới mình, làm mới cách tiếp cận với công chúng. Đó cũng là một hướng đi tất yếu cần được nhân rộng để tạo thói quen đọc sách trong cộng đồng, nhằm xây dựng xã hội tri thức./.