Thanh Trì đạt chuẩn nông thôn mới: Điểm sáng từ mô hình kiểu mẫu
Điểm sáng từ mô hình NTM kiểu mẫu
Là huyện đi đầu và đạt chuẩn NTM sớm nhất của Thủ đô, đến nay, huyện Đan Phượng tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy về "phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM, nâng cao đời sống nông dân" theo hướng "sản xuất phát triển, đường có hoa, nhà có số, hạ tầng kiên cố, cán bộ nâng tầm, nhân dân đồng thuận".
Nhờ việc chăn nuôi, giết mổ lợn theo quy trình VietGAP, gia đình bà Nguyễn Thị Liên ở xã Phú Cường, huyện Sóc Sơn (Hà Nội) có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Ảnh: Hải Đăng
Ông Nguyễn Thạc Hùng - Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng cho biết, huyện đang tập trung chỉ đạo thực hiện chương trình xây dựng xã NTM kiểu mẫu tại 3 xã: Đan Phượng, Song Phượng, Liên Trung.
"Đến nay cơ bản hoàn thành việc đặt tên đường, gắn biển số nhà ở các xã, thị trấn, xây dựng được 74 tuyến đường với 12,3km "đường có hoa". Những con đường có hoa và con đường bích họa của xã Đan Phượng, Đồng Tháp, Liên Hồng được triển khai nhân rộng đã tạo diện mạo mới cho miền quê NTM" - ông Hùng chia sẻ.
Ông Hùng cho biết thêm, trong 3 tháng cuối năm, nhiệm vụ trọng tâm của huyện là tiếp tục phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, ứng dụng công nghệ cao, chuyên canh; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, kêu gọi doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình tập trung, tích tụ đất đai, đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.
Phấn đấu có thêm 2 huyện đạt chuẩn
Ban chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU (Chương trình 02) của Thành ủy về "phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020" đã đặt mục tiêu trong năm nay có thêm ít nhất 22 xã và 2 huyện đạt chuẩn NTM (hiện huyện Hoài Đức đã được Hội đồng thẩm định Trung ương họp xét công nhận đủ điều kiện và đang trình Chính phủ công nhận); mỗi huyện, thị xã có ít nhất 1 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Ông Lê Thiết Cương - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội, Phó Chánh văn phòng Thường trực Văn phòng điều phối NTM Hà Nội cho biết, trong năm nay, tăng trưởng sản xuất nông nghiệp của Hà Nội phấn đấu đạt từ 3,5 - 4%; giá trị sản phẩm nông nghiệp thu hoạch trên 1ha đất nông nghiệp đạt 238 triệu đồng; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 38 triệu đồng/năm...
Từ năm 2016 đến nay, TP.Hà Nội đã huy động được hơn 15.615 tỷ cho xây dựng NTM, trong đó: Vốn ngân sách thành phố hơn 7.391 tỷ; ngân sách cấp huyện 6.373 tỷ; ngân sách xã 455,7 tỷ; vốn huy động ngoài ngân sách hơn 1.394 tỷ đồng...
Để thuận lợi trong chỉ đạo, điều hành, Ban chỉ đạo Chương trình 02 của Thành ủy đã đề ra những giải pháp thực hiện cụ thể đối với từng tiêu chí, từng lĩnh vực. Trong số 131/386 xã của thành phố chưa được công nhận đạt chuẩn NTM, có 93 xã đạt và cơ bản đạt từ 15 - 18 tiêu chí; 38 xã đạt và cơ bản đạt từ 10 - 14 tiêu chí; không còn xã nào đạt dưới 10 tiêu chí.
Ban chỉ đạo Chương trình 02 các huyện, thị xã chỉ đạo các xã phấn đấu đạt chuẩn NTM năm 2017 tập trung quyết liệt tổ chức thực hiện những tiêu chí còn chưa đạt, cơ bản đạt để hoàn thiện thủ tục, hồ sơ xét, công nhận vào cuối năm 2017.
Cùng với mục tiêu về xây dựng NTM, trong năm 2017, Ban chỉ đạo Chương trình 02 của Thành ủy Hà Nội đặc biệt quan tâm đến phát triển sản xuất nông nghiệp. Cụ thể, tại hội nghị sơ kết 1 năm thực hiện Chương trình 02 (tháng 1.2017), Ban chỉ đạo đã yêu cầu sở, ngành và các địa phương đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ cao, tạo ra sản phẩm sạch, chất lượng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm, ít nhất mỗi huyện có một điểm hoặc mô hình ứng dụng công nghệ cao.