Tham gia CPTPP, thu nhập của người lao động Việt Nam sẽ thay đổi như thế nào?
ại diện các nước tham gia ký kết CPTPP tại Chile. Ảnh: Reuters |
Ngân hàng Thế giới vừa công bố báo cáo Tác động kinh tế và phân bổ thu nhập của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đối với Việt Nam.
Báo cáo cho rằng, CPTPP vẫn là một hiệp định mang lại nhiều cơ hội cho Việt Nam mặc dù việc không còn sự tham gia của Mỹ khiến lợi ích có thể thu được sẽ giảm nhiều.
Chẳng hạn như khi tham gia CPTPP, xuất khẩu Việt Nam dự báo sẽ tăng thêm 4,2%; nhập khẩu tăng thêm 5,3% và sẽ tăng cao hơn lần lượt ở các mức 6,9% và 7,6% với kịch bản có năng suất tăng.
Đồng thời với hiệp định này, mức thuế xuất nhập khẩu bình quân gia quyền áp dụng cho các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang các thị trường CPTPP sẽ giảm từ 1,7% xuống 0,2%. Với CPTPP, xuất khẩu tăng dự kiến sẽ đạt cao nhất ở các ngành thực phẩm, đồ uống, thuốc lá; may mặc, hàng da; hóa chất, sản phẩm da và nhựa; thiết bị, phương tiện vận tải; máy móc, thiết bị khác. Nhập khẩu dự kiến sẽ tăng ở tất cả các ngành. CPTPP có khả năng sẽ kéo theo tăng FDI và tiếp tục mở rộng các ngành dịch vụ.
Đáng lưu ý, báo cáo cũng đưa ra những đánh giá tác động của CPTPP đến phân bổ thu nhập người dân Việt Nan. Theo đó, báo cáo cho rằng đến năm 2030, CPTPP dự kiến sẽ giúp giảm 0,6 triệu người nghèo ở mức chuẩn nghèo 5,50 USD/ngày so với kịch bản cơ sở.
Tất cả các nhóm thu nhập dự kiến sẽ được hưởng lợi, nhưng mức lợi ích đạt được sẽ cao hơn ở nhóm lao động trình độ cao thuộc tốp 60% nhóm phân bổ thu nhập cao nhất. Những người ở các nhóm cao trong phân phối thu nhập được hưởng lợi nhiều hơn so với người nghèo, vì hiệp định tạo ra nhiều cơ hội kinh tế hơn cho lao động có kỹ năng.
Điều này càng cho thấy tầm quan trọng của việc đầu tư vào nguồn vốn con người để tận dụng đầy đủ lợi ích từ hiệp định.
"Nhìn chung, các hiệp định thương mại tạo ra nhiều cơ hội nhất ở những ngành mà người nghèo hiện đang làm việc nhiều nhất sẽ dẫn đến mức tăng lợi ích tương đối lớn nhất cho người nghèo. Về mặt này, CPTPP sẽ dẫn đến những kết quả giảm nghèo tích cực, dù còn ở mức khiêm tốn. Tính đến các năm 2025 và 2030, CPTPP sẽ giúp thoát nghèo với mức chuẩn nghèo 5,5 USD/ngày tương ứng cho 0,9 và 0,6 triệu người", báo cáo phân tích.
Báo cáo cũng cho rằng tác động này chỉ bằng một nửa của TPP-12. Trong khi đó theo nghiên cứu của WB, TPP-12 sẽ có tác động lớn nhất về giảm nghèo, do có tác động thúc đẩy tăng trưởng lớn nhất. Tính đến năm 2030, hiệp định này sẽ giúp thoát nghèo (với mức chuẩn nghèo 5,5 USD/ngày) cho 1,4 triệu người so với kịch bản cơ sở.
Trước đó, vào rạng sáng 9/3 theo giờ Hà Nội, 11 quốc gia thành viên của Hiệp định đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã chính thức ký kết hiệp định này.
11 thành viên tham gia ký kết Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương CPTPP là Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam. Hiệp định CPTPP chiếm 13,5% GDP toàn cầu và bao trùm thị trường gần 500 triệu người với tổng kim ngạch thương mại vượt 10.000 tỷ USD.
CPTPP, tiền thân là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP gồm 12 thành viên. Sau khi Mỹ rút khỏi TPP vào Hiệp định này vào đầu năm 2017, quy mô của hiệp định giảm xuống. Tuy nhiên, 11 thành viên còn lại vẫn nỗ lực đàm phán và tiến tới ký kết CPTPP.
63 doanh nghiệp Việt Nam tin CPTPP tác động tích cực
Khảo sát vừa công bố của HSBC cho thấy, các doanh nghiệp khá lạc quan về những lợi ích được kỳ vọng từ Hiệp định CPTPP.
Trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương, khoảng một nửa số doanh nghiệp tin rằng Hiệp định này phù hợp với hoạt động kinh doanh của họ (46%) và kỳ vọng hưởng lợi từ Hiệp định (48%).
Khoảng một nửa (46%) các doanh nghiệp tại các thị trường trong khối CPTPP kỳ vọng Hiệp định mang lại lợi ích cho doanh nghiệp của họ - nhưng có khoảng cách thú vị giữa các thị trường Úc/Mexico/Canada và Việt Nam/Malaysia/Singapore.
Theo đó, doanh nghiệp tại Việt Nam, Malaysia, Singapore có những kỳ vọng tích cực hơn đối với những cơ hội mà CPTPP mang lại.
Đặc biệt ở Việt Nam, có khoảng hai phần ba (63%) các doanh nghiệp tại Việt Nam tin rằng CPTPP vừa được ký kết tại Chi Lê sẽ có tầm ảnh hưởng tích cực lên hoạt động kinh doanh của họ.