Thái Nguyên: Tiếp xúc cử tri, đối thoại với các doanh nghiệp
Toàn cảnh hội nghị |
Tại buổi tiếp xúc, đối thoại, các đại biểu Quốc hội đã thông tin nhanh đến cử tri kết quả Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV và nội dung công tác chuẩn bị Kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh khóa XIII. Báo cáo tóm tắt tình hình kinh tế - xã hội và hoạt động của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên năm 2018. Theo đó, tổng sản phẩm trong tỉnh bình quân đầu người đạt 76 triệu đồng, vượt so với kế hoạch và tăng 8 triệu đồng/người/năm so với năm 2017. Giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 661.000 tỷ đồng, tăng 11,8% so với cùng kỳ. Tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 14.000 tỷ đồng, tăng 6,8% so với dự toán. Đặc biệt, sau thành công của Hội nghị xúc tiến đầu tư, đã có nhiều nhà đầu tư đến tìm hiểu, ký kết hợp tác đầu tư; Tính đến nay, đã có 62 dự án của 43 nhà đầu tư với tổng số vốn đăng ký trên 113.000 tỷ đồng...Các chỉ tiêu về văn hóa xã hội, môi trường, an ninh trật tự đều đạt và vượt kế hoạch đề ra.
Đối với nội dung đối thoại với doanh nghiệp được các cử tri đánh giá cao. Theo đó, để chuẩn bị nội dung cho Hội nghị tiếp xúc cử tri và đối thoại doanh nghiệp tỉnh Thái Nguyên; UBND tỉnh đã nhận được tổng số 95 câu hỏi, thuộc 16 lĩnh vực, trong đó có 72 câu hỏi do Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh tổng hợp gửi từ trước đó. Sau khi nghe báo cáo, cử tri bày tỏ vui mừng trước kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của tỉnh trong năm 2018; đồng thời bày tỏ tin tưởng rằng, với sự lãnh đạo, chỉ đạo hiệu quả của các cấp ủy đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, tỉnh sẽ hoàn thành toàn diện các mục tiêu đã đặt ra, tạo tiền đề phát triển trong những năm tiếp theo.
Bên cạnh đó, cử tri cũng nêu những ý kiến, kiến nghị với Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND tỉnh về những bất cập xung quanh cơ chế, chính sách hiện nay đối với doanh nghiệp, trên cơ sở đó có biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp như: tiếp tục cải cách hành chính, nhất là các thủ tục hành chính; giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; chính sách hỗ trợ đối với doanh nghiệp khởi nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp địa phương nâng cao giá trị công nghiệp; quy hoạch tổng thể ngành chăn nuôi; hỗ trợ các doanh nghiệp khai thác và bảo vệ giá trị của nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên” tại các thị trường trong nước và quốc tế; giải quyết vướng mắc trong việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để thanh toán vốn đầu tư cho doanh nghiệp; xử lý kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với các trường hợp doanh nghiệp thuê đất; thủ tục để không phải chịu phí sử dụng đường bộ khi tạm dừng lưu hành liên tục từ 30 ngày trở lên đối với doanh nghiệp kinh doanh vận tải; có chính sách đặc biệt khi đầu tư vào Thái Nguyên nhưng cam kết hợp tác với các doanh nghiệp trong tỉnh, sử dụng lao động, tiêu thụ các sản phẩm trong tỉnh...cùng nhiều ý kiến liên quan đến cơ chế, chính sách khác.
Thay mặt các đồng chí lãnh đạo tỉnh, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nhữ Văn Tâm đã trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến trả lời các câu hỏi của cộng đồng doanh nghiệp. Trong đó, có nhiều nội dung đã được UBND tỉnh giao các cơ quan chuyên môn trả lời cụ thể từng ý kiến bằng văn bản, đi thẳng vào những vấn đề cử tri quan tâm, đảm bảo chặt chẽ về nội dung, đúng quy định của pháp luật.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh một lần nữa nhấn mạnh: Tỉnh Thái Nguyên cam kết sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, tạo mọi điều kiện để các doanh nghiệp cạnh tranh bình đẳng và phát triển bền vững. Đồng thời thừa nhận những tồn tại, hạn chế cần có giải pháp quyết liệt và đột phá trong thời gian tới. Tỉnh Thái Nguyên cam kết sẽ tiếp tục quyết liệt cải cách các thủ tục hành chính theo hướng công khai, minh bạch; sẽ thành lập trung tâm hành chính công 2 cấp trong năm 2019 để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp làm các thủ tục hành chính; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, thực hiện tốt công tác kiểm tra, thanh tra đúng quy định; quyết liệt trong phòng, chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; chậm nhất trong tháng 2/2019, UBND tỉnh sẽ tham mưu cho Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Tỉnh ủy ra nghị quyết về nâng cao năng lực cạnh tranh và cải cách thủ tục hành chính; đồng ý với đề xuất của cộng đồng doanh nghiệp lấy năm 2019 là năm hành động, tư duy theo hướng quan tâm giải phóng mặt bằng và giải quyết các nội dung sau Hội nghị Xúc tiến đầu tư và cứ 3 tháng, 6 tháng một lần, UBND tỉnh sẽ đối thoại với đại diện với các tổ chức, Hội, Hiệp hội Doanh nghiệp của tỉnh…
Phát biểu kết luận buổi tiếp xúc cử tri và đối thoại doanh nghiệp, đồng chí Trần Quốc Tỏ, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã tiếp thu ý kiến, kiến nghị và trao đổi làm rõ thêm những nội dung thuộc thẩm quyền mà các cử tri quan tâm gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và HĐND tỉnh. Đồng chí nhấn mạnh: Doanh nghiệp, doanh nhân chính là trụ cột phát triển kinh tế, nên trong những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã không ngừng lãnh đạo, chỉ đạo tạo điều kiện về nhiều mặt để hỗ trợ việc thu hút đầu tư và thúc đẩy doanh nghiệp phát triển.
Đồng chí mong muốn, Hiệp hội Doanh nghiệp, các Hội Doanh nghiệp cần làm tốt vai trò cầu nối, kịp thời quán triệt các chủ trương, chính sách của Nhà nước, quy định của địa phương đến từng doanh nghiệp. Cùng với đó, thông qua thực tiễn hoạt động sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp tiếp tục hiến kế cho Tỉnh về cơ chế, chính sách phù hợp, góp phần xây dựng Thái Nguyên ngày càng giàu đẹp. Đối với toàn bộ các ý kiến, kiến nghị thuộc thẩm quyền, đồng chí yêu cầu UBND tỉnh và các cơ quan chức năng phải trả lời cụ thể trước ngày 30/11 và phải gửi trả lời bằng văn bản đến từng tổ chức, cá nhân liên quan.
Hôi nghị tiếp xúc cử tri, đối thoại đã diễn ra thành công tốt đẹp, "Thường xuyên tổ chức các cuộc đối thoại với doanh nghiệp" là mong muốn chung của cộng đồng doanh nghiệp. Qua đó sẽ giúp giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, tạo sự gần gũi, thân thiện giữa chính quyền và doanh nghiệp; đồng thời, các doanh nghiệp đã hiến kế cho Tỉnh góp phần phát triển kinh tế, giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân./.