Tết Hàn Thực trong tâm thức người Việt
Từ chiều mùng 2 và sáng sớm ngày 3/3 tại khu vực chợ Túc Duyên và nhiều cửa hàng đã có bán bánh trôi làm sẵn |
Bánh trôi, bánh chay là món ăn truyền thống không thể thiếu trong ngày tết Hàn Thực của người Việt. Vì vậy, ngay từ chiều mùng 2 và sáng sớm ngày 3/3 tại khu vực chợ Túc Duyên và nhiều cửa hàng đã có rất đông người đi mua bánh để thắp hương tổ tiên. Các loại bánh đa dạng và nhiều màu sắc, khách hàng có thể lựa chọn mua sẵn hoặc mua bột bánh tươi để tự làm.
Bà Nguyễn Thị Hương, phường Phan Đình Phùng, TP Thái Nguyên chia sẻ: "Ttrước đây có thời gian rảnh rỗi tôi cũng thường xuyên làm bánh, con cháu trong gia đình cùng nhau nặn bánh, cùng nhau nấu để dâng lên các cụ. Bây giờ công việc bận rộn quá nên tôi đi chợ mua đồ người ta làm sẵn, bây giờ người ta làm sẵn cũng ngon, thắp hương tổ tiên để nhớ ơn những người đã sinh thành ra mình".
Bà Nguyễn Thị Nga, một tiểu thương chợ Túc Duyên cho biết: "Chiều tối qua tôi chúng tôi ngâm gạo xong đến đêm thì bắt đầu ép bột, chúng tôi nặn từ lúc 2 giờ đêm đến giờ. Một tạ gạo thì được khoảng tạ hai bột; bột trắng tôi bán 25.000đ một cân, còn bột các màu ngũ sắc thì chúng tôi bán 40.000đ đến 50.000đ".
Các thành viên trong gia đình chị Hồng Nhung, phường Hoàng Văn Thụ, TP Thái Nguyên đã dậy từ sáng sớm để tự làm bánh. |
Tết Hàn thực cũng là dịp các gia đình quây quần, cùng nhau làm và thưởng thức những chiếc bánh trôi bánh chay. Gìn giữ nét đẹp truyền thống ấy, tất cả các thành viên trong gia đình chị Hồng Nhung, phường Hoàng Văn Thụ, TP Thái Nguyên đã dậy từ sáng sớm để tự làm bánh. Sáng tạo với những đĩa bánh màu sắc nhưng những đĩa bánh trắng tròn cổ truyền cũng không thể thiếu trên mâm cỗ cúng của gia đình chị.
Cháu Nguyễn Bảo Yến, phường Hoàng Văn Thụ, TP Thái Nguyên vui vẻ cho biết: "Con rất thích làm bánh trôi và bánh chay của bà và mẹ. Bà và mẹ giúp con hiểu thêm về ngày Tết Hàn thực và giúp con phân biệt được đâu là bánh trôi và đâu là bánh chay. Bánh trôi là bánh tròn có nhân bằng đường, còn bánh chay là bánh to có nhân bằng đỗ".
Chị Phan Thị Hồng Nhung, phường Hoàng Văn Thụ, TP Thái Nguyên: "Dù công việc có hơi bận rộn nhưng mà mình cũng cố gắng thu xếp thời gian để xay bột, chuẩn bị bột làm những chiếc bánh trôi và bánh chay. Trong quá trình làm mình giúp các con hiểu được ý nghĩa của ngày tết Hàn Thực và cách làm các loại bánh, qua đó gìn giữ được những nét đẹp văn hóa này".
Để giáo dục trẻ em về ý nghĩa của ngày Tết Hàn Thực cũng như mang lại niềm vui, hứng khởi khi học. Những ngày này, nhiều trường Mầm non trên địa bàn tỉnh đã cho trẻ trải nghiệm làm bánh trôi, bánh chay. Dù đôi bàn tay có phần vụng về nhưng các bạn nhỏ đều rất hào hứng.
Cô giáo Vũ Như Quỳnh, Trường Mầm non Điện Lực, TP Thái Nguyên cho biết: "Ngay từ sáng sớm chúng tôi cùng với phụ huynh đã lựa chọn những nguyên liệu rất là chu đáo, từ những viên đường phên nhỏ nhắn vuông vắn để làm nhân cho đến những đĩa bột mềm dẻo được tự tay chúng tôi chọn lọc từ những nguyên liệu trong thiên nhiên, như là màu đỏ của gấc, màu tím của hoa đậu biếc, của nếp cẩm và màu xanh của lá dứa và các con đã được thưởng thức món bánh do chính tay mình làm ra; các con được trải nghiệm những công việc giống như người lớn mang lại cho các con nhiều niềm vui, niềm tự hào và cũng góp phần lưu giữ những nét đẹp trong nghệ thuật ẩm thực của dân tộc Việt Nam".
Cô và trò Trường Mầm non Điện Lực, TP Thái Nguyên cùng trải nghiệm làm bánh trôi, bánh chay |
Dù có nguồn gốc từ Trung Quốc nhưng tết Hàn thực của người Việt vẫn mang những sắc thái riêng và luôn là nét đẹp văn hóa truyền thống đặc trưng của dân tộc. Những chiếc bánh trôi, bánh chay tròn đầy vẫn được các thế hệ người Việt thành tâm, dâng lên ông bà, tổ tiên và nguyện cầu những điều tốt đẹp, an lành trong cuộc sống. Đặc biệt, trong dịp này người đi xa quê sẽ trở về đoàn tụ cùng gia đình, cùng đi tảo mộ người đã khuất và sum họp bên bữa cơm gia đình./.