Tây Ban Nha thiệt hại hơn 30 tỷ USD do cuộc khủng hoảng Catalonia
Người dân mua sắm tại một khu chợ ở Barcelona, Tây Ban Nha ngày 13/10. (Nguồn: AFP/TTXVN) |
Trong báo cáo tài chính nêu trên, việc Catalonia đơn phương tuyên bố độc lập đã gây tổn hại cho ngành du lịch và cản trở đầu tư.
Có khoảng 2.000 công ty, chiếm tới hơn 30% lực lượng lao động ở Catalonia, đã chuyển trụ sở từ vùng này sang các địa phương khác của Tây Ban Nha.
Trong khi đó, báo cáo của cơ quan thuế vùng Catalonia công bố ngày 3/11 ước tính tổng sản phẩm nội địa (GDP) của vùng này sẽ giảm khoảng từ 0,7% đến 2,7% trong năm 2018, khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế của toàn Tây Ban Nha sụt giảm.
Trước đó, cuối tháng Chín, Ngân hàng Tây Ban Nha cũng đã cảnh báo những căng thẳng chính trị có thể ảnh hưởng đến ổn định tài chính và tăng trưởng kinh tế của nước này.
Theo dự báo của Ngân hàng Tây Ban Nha, GDP của nước này sẽ tăng trưởng 3,1% trong năm 2017, sau đó giảm còn 2,5% trong năm 2018 và 2,2% trong năm 2019.
Ngân hàng Tây Ban Nga chỉ ra yếu tố tác động đến việc sụt giảm tăng trưởng kinh tế của vùng Catalonia là việc mất đi các hợp đồng cho vay hoặc mua xe.
Liên quan đến tình hình chính trị tại Tây Ban Nha, Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy đã bãi nhiệm ông Puigdemont và toàn bộ chính quyền vùng Catalonia sau khi vùng tự trị này tuyên bố độc lập khỏi Tây Ban Nha.
Chính phủ Trung ương Madrid đã chính thức kiểm soát vùng này. Thẩm phán Tây Ban Nha ngày 3/11 cũng đã phát Lệnh bắt giữ toàn châu Âu (EAW) đối với cựu Thủ hiến vùng Catalonia Carles Puigdemont và 4 cựu thành viên trong chính quyền bị phế truất, sau khi các quan chức này không về nước trình diện tòa theo lệnh triệu tập để trả lời thẩm vấn liên quan đến cuộc trưng cầu ý dân trái phép đòi tách ra độc lập.
Cơ quan công tố Tây Ban Nha cáo buộc ông Puigdemont, được cho đang ở Bỉ, các tội danh nổi loạn, xúc giục nổi loạn và lạm dụng công quỹ. Ông Puigdemont sau đó tuyên bố sẵn sàng hợp tác với giới chức Bỉ./.