Tàu vỏ thép vừa sử dụng đã hỏng: Cử tri đòi công khai xử lý trách nhiệm
Tại nhiều địa phương đã ghi nhận hiện tượng các tàu vỏ thép được đóng theo chính sách hỗ trợ của Nghị định 67 chất lượng kém, nhanh xuống cấp, vỏ tàu, máy tàu bị tráo đồ rởm so với thiết kế. |
Chỉ rõ yếu kém trong hoạt động của Chính phủ
Báo cáo nêu rõ, tính đến hết ngày 10/7/2017 đã có 36/63 đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố gửi báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri đến UB Thường vụ Quốc hội (qua Ban Dân nguyện) (đạt tỷ lệ hơn 57%).
Thông qua các báo cáo đã tập hợp được 681 kiến nghị cử tri từ 309 cuộc tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá 14.
UB Dân nguyện khái quát, cử tri đánh giá cao kết quả của kỳ họp thứ 3 khi đã có nhiều cải tiến, đổi mới trong các phiên thảo luận các dự án luật, nghị quyết. Các vị đại biểu Quốc hội đã đóng góp nhiều ý kiến, thể hiện vai trò, trách nhiệm đại biểu của dân, thẳng thắn, không né tránh, đề xuất những vấn đề thời sự mà đông đảo cử tri cả nước đang quan tâm.
Nhiều vấn đề được đề cập cụ thể như chuyện được mùa mất giá, giá thịt lợn hơi, dưa hấu giảm sâu; công tác quản lý văn hóa du lịch, quy hoạch bán đảo Sơn Trà; quản lý giá thuốc, tai biến trong ngành y, trục lợi bảo hiểm xã hội, các dự án “đắp chiếu"... đáp ứng mong đợi của cử tri.
Cử tri đánh giá, phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp đã thể hiện tinh thần trách nhiệm, trình độ của các đại biểu Quốc hội, góp phần làm rõ thêm nguyên nhân của nhiều hạn chế, yếu kém trong các hoạt động của Chính phủ thời gian vừa qua.
Bên cạnh đó, cử tri cũng bày tỏ sự lo lắng đối với một số vấn đề như: tình hình tham nhũng còn diễn biến phức tạp, nhiều vụ tham nhũng được phát hiện nhưng việc thu hồi tài sản tham nhũng còn đạt tỷ lệ thấp. Vấn đề thất thoát lớn trong đầu tư, nhất là các dự án gây thất thoát nghìn tỷ vẫn chưa được xử lý dứt điểm. Công tác đề bạt, bổ nhiệm cán bộ còn xảy ra nhiều trường hợp đáng lo ngại, việc xử lý trách nhiệm còn chưa tương xứng.
Ngoài ra, vấn đề ô nhiễm môi trường vẫn còn đáng lo ngại, tai nạn giao thông vẫn còn ở mức độ cao. Tình trạng khai thác tài nguyên, khoáng sản bừa bãi, nhất là tình trạng “lâm tặc”, “cát tặc” đang diễn ra khá phức tạp; y tế, giáo dục có nhiều vấn đề đáng quan tâm; đời sống người nông dân vẫn còn bấp bênh, nông sản không tiêu thụ được…
Cử tri mong mỏi Quốc hội, Chính phủ cần quan tâm và có những giải pháp mạnh mẽ để khắc phục tình trạng này trong thời gian tới.
Báo cáo chính thức việc xử lý 12 dự án thất thoát nghìn tỷ
Đi vào một số vấn đề cụ thể, Ban Dân nguyện cho biết, cử tri phản ánh, nghị định số 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản đã tạo điều kiện để ngư dân nâng cấp, đóng mới tàu có công suất lớn để vươn khơi, bám biển đánh bắt thủy hải sản đồng thời góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước. Tuy nhiên, sau một thời gian ngắn triển khai thực hiện đã xảy ra tình trạng chất lượng của tàu không đáp ứng được yêu cầu, thường hư hỏng gây khó khăn cho người dân.
Cử tri đề nghị các bộ, ngành liên quan, các địa phương rà soát, kiểm tra tổng thể để làm rõ trách nhiệm và có biện pháp xử lý nghiêm, công khai đối với các cá nhân, tổ chức liên quan đến việc hàng loạt tàu vỏ thép mới được đưa vào sử dụng đã hư hỏng phải nằm bờ.
Trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường, cử tri rất bức xúc trước tình hình khai thác cát, sỏi trái phép gây ra hậu quả nghiêm trọng ảnh hưởng đến đời sống của một bộ phận người dân.
Cử tri kiến nghị Nhà nước cần có phương án quản lý vấn đề khai thác cát hiệu quả hơn, đảm bảo an toàn, hạn chế gây sạt lở đồng thời đảm bảo nhu cầu xây dựng của nhân dân; nghiên cứu các vật liệu thay thế để hạn chế việc sử dụng cát sông, cát biển. Đồng thời, kiến nghị Chính phủ cần kiểm tra, chấn chỉnh xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng nạo vét, khơi thông luồng sông để khai thác cát trái phép như thời gian vừa qua, gây bất bình trong dư luận.
Qua tiếp xúc với các vị đại biểu sau kỳ họp, cử tri còn phản ánh tình trạng hướng dẫn viên du lịch người nước ngoài (đặc biệt là hướng dẫn viên Trung Quốc) khi hướng dẫn, giới thiệu cho du khách nước ngoài tham quan tại Việt Nam giới thiệu sai sự thật, xuyên tạc lịch sử, văn hóa Việt Nam gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, văn hóa, lịch sử của Việt Nam đối với du khách nước ngoài tuy đã được chấn chỉnh nhưng hiện vẫn còn xuất hiện tại nhiều địa điểm du lịch. Đề nghị có sớm có biện pháp xử lý nghiêm, chấm dứt tình trạng nói trên.
Báo cáo của Ban Dân nguyện cũng nêu đề nghị Chính phủ có báo cáo chính thức với Quốc hội về việc xử lý 12 dự án gây thất thoát hàng nghìn tỷ đồng trong thời gian vừa qua.