Tàu vỏ thép mới đóng đã hỏng: Xem xét khởi kiện đơn vị đóng tàu
Nếu như chất lượng tàu vỏ thép ở Quảng Bình đang chờ cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra, xác minh thì tại tỉnh Bình Định đơn vị đóng tàu và ngư dân đã có buổi đối thoại về vấn đề này nhưng chưa tìm được tiếng nói chung trong việc bồi thường, khắc phục. Trước thực tế này, lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định cho biết, đang chuẩn bị mọi phương án, cần thiết sẽ hỗ trợ ngư dân khởi kiện ra tòa.
Trước những thông tin báo chí phản ánh về chất lượng tàu vỏ thép không đảm bảo, ảnh hưởng đến đời sống ngư dân, UBND tỉnh Bình Định đã tổ chức buổi đối thoại giữa ngư dân và nhà phân phối máy tàu, đóng tàu.
Tàu bị rỉ sét sau một thời gian hoạt động của ngư dân Bình Định |
Tại đây, ông Bùi Thanh Hải, Giám đốc Công ty TNHH ô tô Đông Hải cho biết, đơn vị cung cấp gần 50 máy của Hãng Doosan cho các đơn vị đóng tàu vỏ thép ở tỉnh Bình Định nhưng chỉ có 4 máy đang thực hiện bảo hành. Trong đó có máy tàu vỏ thép BĐ 99245 TS của ngư dân Trần Đình Sơn bị gãy trục chính. Tàu cá ông Lê Văn Hát, có hiện tượng bộ nước làm mát bị cạn; máy điện có nước vào; máy bị hao nhớt; cục phát máy điện có nước… Những sự cố này ngư dân tự ý sửa chữa mà không báo với nhà cung cấp là sai quy định.
Theo một số chủ tàu vỏ thép bị hư hỏng, hợp đồng mua máy tàu là máy mới “đập hộp”, nguyên đai nguyên kiện, trị giá hàng tỷ đồng, nhưng mới sử dụng đã xảy ra sự cố. Vì vậy, về lâu dài các ngư dân yêu cầu đơn vị cung cấp phải thay bằng máy mới. Tuy nhiên, phía nhà cung cấp máy tàu khẳng định, chỉ thay thế phụ tùng máy cho ngư dân theo chính sách bảo hành.
Theo thông tin mới nhất chúng tôi nhận được, Công ty TNHH MTV Nam Triệu (Bộ Công an) đã sửa chữa 2/3 số tàu hư hỏng, còn Công ty TNHH Đại Nguyên Dương (Nam Định) bắt đầu sửa chữa. Các đơn vị này phải hoàn thành sửa chữa trong tháng 6. Ngoài việc sửa chữa, khắc phục sự cố để ngư dân kịp thời ra khơi đánh bắt, ông Châu Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng cho biết, đang đề nghị các đơn vị này hỗ trợ thiệt hại cho ngư dân.
"Tỉnh yêu cầu các chủ cơ sở đóng tàu phải hỗ trợ cho ngư dân kinh phí họ nằm bờ, Nam Triệu hứa sẽ hỗ trợ một phần ngư dân thiệt hại còn, riêng đối với những thiết bị hư hỏng nặng thì chúng tôi đề nghị phải thay máy mới… cái này chúng tôi làm quyết liệt vì liên quan đến sự cố trên biển rất nguy hiểm" - ông Châu Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết.
Người dân phải thuê thợ sửa chữa. |
Trả lời phóng viên đài TNVN, ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp thành lập tổ công tác có chuyên môn về máy điện, thân, vỏ tàu, để vào cuộc giúp ngư dân kiểm tra chất lượng, chủng loại máy móc, vỏ tàu có khớp với hợp đồng không. Tuần sau sẽ có kết quả báo cáo. Cần thiết tỉnh sẽ hỗ trợ ngư dân khởi kiện ra tòa
Ông Châu cho biết thêm: "Ngư dân là người đặt hàng mua máy mới nhưng khi đi bị sự cố thì phải yêu cầu thay mới, nếu các cơ sở đóng tàu không trang bị mới cho ngư dân thì Ủy ban tỉnh đã dự phòng giao Chủ tịch các huyện, Sở Nông nghiệp tham mưu giúp ngư dân chuẩn bị thủ tục kiện ra tòa. Tỉnh cũng đã lường trước vấn đề, vì vậy, chúng tôi cần kiểm tra lại các hợp đồng, điều kiện, điều khoản cần kiểm tra kỹ các hợp đồng đóng tàu và xem xét trách nhiệm pháp lý của các bên chứ không thể mình cứ ép các chủ đóng tàu được".
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ NN&PTNT chủ trì, kiểm tra, làm rõ các vấn đề báo chí phản; kịp thời đề xuất xử lý nghiêm sai phạm.
Tàu vỏ thép theo Nghị định 67 là chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước đối với Ngư dân. Các cơ quan chức năng cần nhanh chóng vào cuộc, kiểm tra, xác minh và có kết luận chính thức./.