Tập trung phòng chống thiên tai theo phương châm 4 tại chỗ
Từ đầu năm 2018, thiên tai tiếp tục diễn biến bất thường: Mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất, sạt lở bờ sông, bờ biển, rét đậm, rét hại, dông lốc, mưa đá, nắng nóng liên tục xảy ra ở nhiều nơi, ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản của người dân và nhà nước.
Diễn tập phòng chống thiên tai. |
Thiên tai làm 75 người chết và mất tích, 48 người bị thương; trên 500 nhà bị đổ, sập, trên 12.000 nhà bị hư hại, gần 2.000 nhà bị ngập, trên 14.000 ha lúa và hoa màu, 1.600 ha cây công nghiệp và cây ăn quả bị thiệt hại; tổng thiệt hại về kinh tế trên 860 tỷ đồng.
Đặc biệt từ ngày 23-26/6/2018 đã xảy ra mưa lớn tại khu vực miền núi phía Bắc, gây lũ quét, sạt lở đất, thiệt hại nặng nề, nhất là tại các tỉnh Lai Châu và Hà Giang (33 người chết và mất tích, nhiều công trình giao thông, thủy lợi bị phá hủy, nhiều khu dân cư bị sạt lở, chia cắt).
Công tác phòng, chống thiên tai đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, các bộ, ngành, đặc biệt là các địa phương quan tâm, chỉ đạo kịp thời, quyết liệt.
Tuy nhiên, công tác phòng chống thiên tai vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế cần khắc phục: Chính quyền và người dân ở một số vùng còn có tư tưởng chủ quan trong phòng chống thiên tai, chưa chủ động phòng ngừa, khi xảy ra thiên tai mới tập trung ứng phó bị động. Công tác dự báo, cảnh báo đã tốt hơn nhưng mức độ chi tiết, chất lượng, độ tin cậy cần tiếp tục cải thiện, nhất là dự báo, cảnh báo lũ quét, sạt lở đất.
Công trình phòng chống thiên tai, công trình xây dựng của nhà nước và nhà ở của người dân còn yếu, chưa đủ khả năng chống chịu với những thiên tai lớn, nhất là bão mạnh, siêu bão. Nhiều công trình đê điều, hồ đập thủy lợi xuống cấp nghiêm trọng, chưa bảo đảm cao trình chống lũ, tình trạng thẩm lậu, đùn sủi, sạt trượt mái đê, mái đập thường xuyên xảy ra...
Hiện nay đã vào thời kỳ mưa bão chính vụ. Thiên tai diễn biến bất thường, mưa lớn tập trung trong tháng 7 và tháng 8 ở Bắc Bộ, có thể xảy ra mưa lũ lớn năm 2018. Phó Thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, các Bộ, ngành, địa phương không chủ quan, tập trung làm tốt công tác phòng chống thiên tai theo phương châm 4 tại chỗ, trước hết là triển khai các biện pháp cần thiết bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân, giảm thiểu thiệt hại; khẩn trương triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 18/6/2018 của Chính phủ về công tác phòng chống thiên tai và Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 13/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ về phòng tránh lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.
Phó Thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão số 3 để chỉ đạo ứng phó kịp thời, hiệu quả, hạn chế thiệt hại, trước hết phải đảm bảo an toàn cho phương tiện, tàu thuyền hoạt động trên biển, ven biển; thành lập ngay các đoàn công tác trực tiếp tới các địa phương có nguy cơ bị ảnh hưởng kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo ứng phó, khắc phục hậu quả bão, mưa lũ, nhất là đảm bảo an toàn tàu thuyền, ứng phó với úng ngập, sạt lở đất khi mưa lớn.
Các địa phương chủ động rà soát, cập nhật, bổ sung phương án ứng phó với các loại hình thiên tai có thể xảy ra trên địa bàn, đặc biệt rà soát, chủ động di dời dân cư ra khỏi khu vực nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét, lũ ống, các khu vực bị ngập lụt do mưa lớn để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân. Tập trung khắc phục nhanh hậu quả đợt mưa lũ vừa qua tại các tỉnh miền núi phía Bắc để chủ động ứng phó với các đợt mưa lũ tiếp theo.
Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai chủ trì, phối hợp với Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành lập ngay các đoàn kiểm tra do lãnh đạo các Bộ là thành viên Ban Chỉ đạo làm trưởng đoàn đi kiểm tra công tác chuẩn bị, phương án phòng chống thiên tai của các địa phương, trong đó tập trung kiểm tra phương án huy động lực lượng, tổ chức sơ tán và bảo đảm an toàn dân cư khi thiên tai, phương án bảo vệ đê điều, hồ đập, công trình xung yếu, nhất là các địa phương thường xuyên xảy ra thiên tai lớn, các địa phương có nguy cơ bị thiệt hại lớn khi xảy ra thiên tai./.