Tạo thế chủ động cạnh tranh với hàng nhập khẩu
Bên cạnh những thuận lợi lớn, các doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt với những thách thức không nhỏ khi cạnh tranh về hàng hóa, dịch vụ và đầu tư sẽ gay gắt hơn.
Nhận định về vấn đề này, ông Trần Hoàng Ngân, chuyên gia kinh tế cho rằng, việc bảo hộ và phòng vệ để khuyến khích sản xuất trong nước là rất khó. Ngoài ra, khi hội nhập kinh tế thế giới thách thức cũng không nhỏ nên khi ký kết các thỏa thuận phải cân nhắc ngành nào, lĩnh vực nào sẽ bị tổn thương trước khi ký kết để có giải pháp. Không nên để ký kết rồi lại đi giải quyết tổn thương.
Thép là một trong những ngành hàng chịu sự cạnh tranh với hàng Trung Quốc. Trong ảnh: Phôi thép ra lò tại Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên. Ảnh: Hoàng Nguyên - TTXVN |
Theo ông Trần Hoàng Ngân, đây cũng là thông điệp để các doanh nghiệp trong nước phải nâng cao chất lượng và năng lực của mình cũng như nâng cao sức cạnh tranh của Việt Nam trước hội nhập. Đặc biệt hơn, khi hàng hóa của Trung Quốc và nhiều nước khác tràn vào Việt Nam với thuế suất 0% thì bản thân các doanh nghiệp phải tự bảo vệ mình và phải dùng một số giải pháp phòng vệ để tạo rào cản kỹ thuật.
Ông Trần Hoàng Ngân cũng cho rằng, bên cạnh cuộc cách mạng về nông nghiệp, Việt Nam phải tăng năng suất lao động, cải thiện môi trường kinh doanh và quan trọng là phân bổ nguồn lực hợp lý để nâng cao hiệu quả kinh tế. Bởi nếu nâng cao hiệu quả cạnh tranh của các doanh nghiệp nhất là các tập đoàn kinh tế tư nhân thì mới tạo được những doanh nghiệp lớn và đảm bảo tính độc lập của kinh tế Việt Nam.
Trái cây là một trong những mặt hàng nằm trong danh mục được hưởng thuế suất 0%, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, đến tháng 10, Việt Nam nhập khẩu trên 400.000 tấn trái cây, trong số đó nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc là 120.000 tấn. Theo ước tính, trong 10 tháng của năm 2016, lượng rau và trái cây nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam đã giảm trên 60%. Việt Nam đang xuất siêu các loại rau quả sang thị trường Trung Quốc.
Ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho hay, thép là một trong những ngành hàng chịu sực cạnh tranh với hàng Trung Quốc. Trước mắt có thể tác động chưa nhiều, nhưng về lâu dài thép nhập khẩu sẽ ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của thép Việt Nam nếu như thuế nhập khẩu là 0%. Bởi, khả năng các sản phẩm tôn thép của Trung Quốc sẽ tràn vào Việt Nam trong thời gian tới.
Hiện, ngành thép trong nước đang có bước phát triển nhanh, tăng trưởng tốt và giá cả cạnh tranh. Song hàng năm vẫn phải nhập lượng thép thành phẩm và bán thành phẩm rất lớn, nhất là từ Trung Quốc (chiếm khoảng 60% tổng sản lượng thép nhập khẩu).
Để bảo vệ sản xuất trong nước, Bộ Công Thương, cơ quan hải quan, thuế quan cần quản lý chặt hơn chất lượng thép sản xuất trong nước và thép nhập khẩu; kiểm soát tốt hơn lượng thép vào Việt Nam từ phía Trung Quốc. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng đẩy mạnh sản xuất các mặt hàng thép cuộn cán nóng, thép cây... với giá thành cạnh tranh và chất lượng đảm bảo. Như vậy, mới giúp giảm lượng thép giá rẻ từ Trung Quốc vào Việt Nam.
Đưa ra khuyến cáo với doanh nghiệp, ông Trịnh Minh Anh, Phó Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế nhấn mạnh, để cải thiện và ứng phó với sức ép cạnh tranh sắp tới, doanh nghiệp Việt phải chủ động chuẩn bị chu đáo. Từ đó, có thể cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu có mức giá ngày càng giảm bằng cách xây dựng các yêu cầu kỹ thuật tối thiểu như kê khai nguồn gốc, xuất xứ, kiểm soát chất lượng, chứng nhận sản phẩm. Ngoài ra, các doanh nghiệp cần chủ động nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ sau bán hàng, có chiến lược kinh doanh phù hợp để giữ vững thị phần trong nước; đồng thời tìm kiếm các thị trường mới để đầu tư phát triển.