Tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế
Những con số ấn tượng
Hàng hóa xuất nhập khẩu qua cảng Cửa Lò. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN |
Tuy nhiên, để kinh tế Việt Nam có tốc độ tăng trưởng bền vững cần tiếp tục cải cách môi trường kinh doanh, đẩy mạnh phát triển du lịch, tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công… Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tình hình kinh tế - xã hội tháng 11 tiếp tục chuyển biến tích cực, tăng trưởng đồng đều cả 3 khu vực: kinh tế vĩ mô ổn định; sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng cao, khu vực dịch vụ phục hồi mạnh. Nhiều lĩnh vực tiếp tục xác lập những kỷ lục mới như: lượng khách du lịch quốc tế, vốn đầu tư nước ngoài, kim ngạch xuất khẩu, số doanh nghiệp thành lập mới tăng cao…
Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng cao so với cùng kỳ. Tính chung 11 tháng, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2016; trong đó chế biến chế tạo tăng 14,4%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 9,6%; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải tăng 7,7%; ngành khai khoáng giảm 7,1%.
Trong 11 tháng đầu năm 2017, kim ngạch xuất khẩu ước tính đạt 193,8 tỷ USD, tăng 21,1% so với cùng kỳ năm trước. Nhập khẩu ước đạt 191 tỷ USD, tăng 21%. Như vậy, 11 tháng năm 2017 xuất siêu là 2,8 tỷ USD; trong đó kinh tế trong nước nhập siêu 23,4 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu 26,2 tỷ USD.
Khu vực dịch vụ phục hồi mạnh với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 11 tháng tăng 10,7%. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11/2017 tăng 0,13% so với tháng trước. CPI bình quân 11 tháng tăng 3,61% so với bình quân cùng kỳ năm ngoái. Lạm phát cơ bản bình quân 11 tháng tăng 1,42% so với bình quân cùng kỳ năm 2016.
Trong 11 tháng, tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động của cả nước là 140.394 (116.045 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 14,1%; 24.349 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động) với tổng vốn đăng ký là 2,71 triệu tỷ đồng.
Số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể trong 11 tháng năm 2017 là 10.814 doanh nghiệp, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm trước; số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động trong thời gian này là 55.664 doanh nghiệp, tăng 3% so với cùng kỳ.
Góp thêm vào bức tranh sáng của nền kinh tế, vốn FDI đạt kỷ lục mới. Tính chung 11 tháng năm 2017, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài là 33,09 tỷ USD, tăng 82,8% so với cùng kỳ năm 2016. Ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 16 tỷ USD, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm 2016.
Bên cạnh đó, trong 11 tháng qua có nhiều lĩnh vực cũng xác lập kỷ lục mới như: lĩnh vực du lịch với lượng khách quốc tế đạt 11,65 triệu lượt người, tăng 27,8% so với cùng kỳ. Ước tính, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam cả năm 2017 sẽ đạt trên 13 triệu lượt người. Ngành du lịch đang tạo hiệu ứng lan tỏa đến các dịch vụ khác, góp phần vào tăng trưởng GDP. Ngoài ra, các sản phẩm nông, lâm, thủy sản cũng đóng góp không nhỏ cho tăng trưởng kinh tế.
GS Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và Phát triển (Đại học Kinh tế Quốc dân) cho rằng, để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm 6,7% thì tăng trưởng kinh tế quý IV phải đạt trên 7% và du lịch là một trong những ngành được kỳ vọng nhiều nhất. Dù có bước phát triển trong thời gian qua, nhưng ngành du lịch Việt Nam còn nhiều hạn chế như: dịch vụ thấp, thiếu tính chuyên nghiệp...
Ngoài những kết quả đạt được, kinh tế Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn. Đó là trong tháng 11 có 3 cơn bão (2 cơn đổ bộ vào đất liền) kết hợp với mưa lớn trong thời gian ngắn, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, đặc biệt tại các tỉnh Trung Bộ và Tây Nguyên; sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn từ các năm trước và giá nông sản, thực phẩm giảm, sản xuất kinh doanh còn gặp khó khăn...
Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững
Dây chuyền sản xuất linh phụ kiện điện tử tại Công ty TNHH Flexcom Việt Nam, vốn đầu tư của Hàn Quốc, tại Khu công nghiệp Yên Phong (Bắc Ninh). Ảnh: Danh Lam/TTXVN |
Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7% sẽ đạt được trong năm 2017. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế Việt Nam cần nhiều giải pháp thúc đẩy trong bối cảnh doanh nghiệp đầu tư nước ngoài chiếm ưu thế trong cân bằng cán cân thương mại; thâm hụt ngân sách ngày càng lớn và kéo dài; nợ công tăng nhanh và gần chạm mức trần; việc nâng cao hiệu lực quản lý, chống thất thoát, lãng phí và hiệu quả đầu tư công chậm.
TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cho biết, giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản 11 tháng đầu năm 2017 đạt khoảng 6,24% dự toán. Để tháo bỏ nút thắt và tạo động lực mới thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng, TS. Cung cho rằng, cần tháo bỏ ngay các vướng mắc, đẩy nhanh giải vốn đầu tư nhà nước và tăng hiệu quả sử dụng vốn của doanh nghiệp nhà nước, tư nhân.
Đồng tình với quan điểm này, GS.TS Đặng Đình Đào cho rằng, giải ngân đầu tư công thấp có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế. Với mức giải ngân vốn đầu tư công đạt hơn 60% như hiện nay, so với dự kiến, kỳ vọng và chỉ tiêu tăng trưởng GDP 6,7% thì chắc chắn giải ngân đầu tư công sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng bởi hiện không còn nhiều thời gian.
Đối với lĩnh vực du lịch, GS.TS Đặng Đình Đào cho rằng, cần giải quyết "điểm nghẽn" về logistics để phát triển du lịch liên ngành, liên vùng. Khi logistics du lịch phát triển, có sự liên kết, phối hợp nhịp nhàng giữa các khâu trong chuỗi cung ứng dịch vụ mới phát triển bền vững ngành du lịch.
“Cơ quan quản lý cần thay đổi cách thức, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch. Chính thức tối đa thương mại tiểu ngạch qua biên giới, nhất là biên giới Việt – Trung; đồng thời có kế hoạch và giải pháp đồng bộ để khai thác tối đa các cơ hội từ thị trường Trung Quốc, EU, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, ASEAN…”, TS Cung nhấn mạnh.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, về vấn đề giá điện được điều chỉnh tăng trong tháng 12 cũng sẽ ảnh hưởng đến đầu vào sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cũng như tới giá cả của các mặt hàng thiết yếu như xi măng, sắt thép… Do vậy, người dân và các doanh nghiệp cần lên các phương án sử dụng điện một cách hợp lý.
Đối với các sản phẩm thủy sản xuất khẩu đang gặp khó khăn ở thị trường EU, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám cho biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng kế hoạch hành động với những giải pháp cụ thể, chi tiết để thực hiện 9 khuyến cáo của EU đối với thủy sản Việt Nam. Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ hoàn thiện thể chế phù hợp với quy định của quốc tế, trong đó có EU; nâng cao năng lực thực thi của hệ thống quản lý nhà nước và ngư dân; đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới các doanh nghiệp. chủ tàu và ngư dân…
Bên cạnh đó, cần có những giải pháp cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp. “Chính phủ cần tạo áp lực và trách nhiệm đối với các Bộ chuyên ngành để cắt bớt ít nhất 1/3 điều kiện kinh doanh, loại bỏ ít nhất 1/2 số hàng hóa thuộc diện kiểm tra chuyên ngành xuất, nhập khẩu và thay đổi cơ bản cách thức quản lý nhà nước. Cơ quan chức năng tiếp tục nỗ lực giảm chi phí cho doanh nghiệp bằng các biện pháp như giảm lãi suất cho vay, giảm chi phí hậu cần…”, TS Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh...