Tăng thuế/phí xe bán tải có làm tăng đóng góp ngân sách?
Theo thống kê, năm 2015, số lượng xe bán tải bán ra là 16.741 xe, năm 2016 đạt 23.099 xe, chiếm hơn 7,5% thị phần (chỉ xếp sau dòng sedan và SUV); 5 tháng đầu năm 2017 đạt gần 9.300 xe.
Lí do chính của việc phân khúc xe bán tải tăng trưởng là do giá bán hợp lí (chủ yếu dao động trong khoảng 600-900 triệu đồng) và trang bị tiện nghi, khả năng đáp ứng nhiều nhu cầu sử dụng khác nhau... Chính vì vậy, đề xuất tăng thuế/phí của xe bán tải tương đương với dòng xe du lịch dưới 9 chỗ sẽ đánh mất đi lợi thế của dòng xe này, từ đó doanh số sẽ giảm, ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn thu của Nhà nước.
Lãnh đạo một đại lí có kinh doanh xe bán tải cho biết việc tăng thuế/phí đối với dòng xe bán tải có thể mang lại cho ngân sách một nguồn thu trước mắt, nhưng về lâu dài, việc áp dụng các mức thuế/phí của xe du lịch sẽ khiến dòng xe bán tải mất đi lợi thế cạnh tranh; người tiêu dùng "ngoảnh mặt" với phân khúc này. Hệ quả là doanh số giảm dẫn đến việc kinh doanh không có lãi và chắc chắn các hãng phải cân nhắc lại việc đưa dòng xe này về Việt Nam do không có hiệu quả.
Trong khi đó, nhiều ý kiến cho rằng việc tăng tăng thuế/phí đối với xe bán tải như một rào cản kỹ thuật để khiến các hãng sản xuất buộc phải lắp ráp dòng xe này trong nước. Tuy nhiên, hiện chưa có đánh giá nào cụ thể về việc các hãng sẽ phải xem xét việc tái khởi động các dây chuyền lắp ráp xe bán tải, khi mà hầu hết các hãng đã loại bỏ việc lắp ráp này từ trước năm 2010. Và một lí do nữa sẽ khiến các hãng chần chừ trong việc này khi mà việc xây dựng lại một dây chuyền sản xuất sẽ cần những khoản đầu tư rất lớn cho cơ sở vật chất và đào tạo con người, trong khi phân khúc xe bán tải ở Việt Nam không phải là lớn (doanh số phân khúc bán tải tại Việt Nam trong năm 2016 không bằng một tháng tại Thái Lan).
Với đề xuất của Bộ Công Thương trong việc áp dụng các mức thuế/phí đối với dòng xe bán tải cần cân nhắc đến bài toán lâu dài, tránh những biện pháp mang tính nhất thời gây ảnh hưởng không tốt đến thị trường tiêu dùng bởi dòng xe bán tải được đánh giá là khá phù hợp với nhu cầu sử dụng và phát triển kinh tế tại Việt Nam.
Hiện dòng xe bán tải đang được phân loại là vừa chở người, vừa chở hàng, nên có niên hạn 25 năm (theo TCVN 7271 và sửa đổi tại Quyết định 2431/2010/BKHCN). Chính vì vậy, giờ đây, nếu áp dụng mức thuế/phí như xe du lịch, chắc chắn cũng sẽ khiến Bộ Khoa học và Công nghệ phải xem xét lại định nghĩa phân loại dòng xe này để đảm bảo công bằng cũng như thống nhất việc phân loại xe cơ giới tại Việt Nam.
Cơ cấu tính giá xe bán tải hiện tại ở Việt Nam (chưa bao gồm các khoản chi phí liên quan đến vận chuyển trong nước, chi phí về quảng cáo, nhà xưởng và nhân sự, và cả lợi nhuận của nhà nhập khẩu/phân phối).
A: Giá nhập khẩu CIF (Cost: Giá xuất xưởng, Insurance: Bảo hiểm, Freight: Vận chuyển từ Thái Lan về Việt Nam).
B: Giá sau khi nộp thuế nhập khẩu = A + (Giá nhập khẩu x 5%)
C: Giá sau khi nộp thuế Tiêu thụ Đặc biệt = B + (Giá sau thuế nhập khẩu x 15%)
D: Giá sau khi nộp thuế Giá trị Gia tăng = C + (Giá sau thuế Tiêu thụ Đặc biệt x 10%)