Tăng thuế môi trường xăng dầu: Cần tính tới tác động nhiều mặt
Tại buổi Hội thảo “Thị trường xăng dầu Việt Nam và vấn đề thể chế” do Hiệp Hội xăng dầu Việt Nam tổ chức ngày 16/5 tại Hà Nội, dự thảo khung chính sách tăng thu thuế môi trường đối với xăng dầu mới được Bộ Tài chính xây dựng, đã được nhiều đại biểu tại hội thảo góp ý bằng nhiều quan điểm thẳng thắn.
Phần lớn các chuyên gia, đại diện doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đều có chung nhận định, việc thu thuế môi trường nói riêng, các khoản thuế, phí áp thu trên mỗi lít xăng dầu cần phải đảm bảo lợi ích của cả nhà nước, người dân, doanh nghiệp và cần minh bạch, đảm bảo vận hành đúng nguyên tắc của thị trường.
Mỗi lít xăng ở Việt Nam đang "cõng" thuế, phí rất lớn. (Ảnh: PLO) |
Nhưng có một điều bất ngờ là ông Phan Thế Ruệ - Chủ tịch Hiệp hội xăng dầu Việt Nam lại đưa ra quan điểm ủng hộ dự thảo khung chính sách mới của Bộ Tài chính. Nghĩa là, nên tăng thu thuế môi trường tới mức “kịch trần” (8.000 đồng trên mỗi lít xăng dầu) theo đề xuất của Bộ Tài chính về khung thuế bảo vệ môi trường để đảm bảo nguồn thu ngân sách.
Ông Ruệ cho rằng, trong bối cảnh giá dầu thô sụt giảm, lộ trình giảm thuế giảm thuế nhập khẩu xăng dầu đang được thực thi, tỷ lệ thu ngân sách từ dịch vụ xăng dầu, chưa nói đến lĩnh vực dầu khí sẽ giảm từ 14-15% hiện nay xuống còn 7-8% trong thời gian tới sẽ khiến ngân sách nhà nước trước nguy cơ hụt thu rất lớn.
Chính vì thế, ông Chủ tịch Hiệp hội xăng dầu Việt Nam cho rằng, chỉ cần tăng thuế bảo vệ môi trường lên 1.000 đồng/lít, nhà nước sẽ thu lại được mấy chục nghìn tỷ đồng, nếu tăng thuế môi trường lên kịch mức 8.000 đồng/lít sẽ cân đối được nguồn thu.
Vị này giải thích rằng, tiền thuế môi trường thu từ xăng dầu sẽ sử dụng làm quỹ để giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường đang xảy ra ở nhiều thành phố hiện nay do phương tiện sử dụng xăng dầu, hoặc do sản xuất công nghiệp gây ra. Còn lại bao nhiêu sẽ được cân đối vào ngân sách nhà nước để bù trừ vào các khoản chi phí khác.
Không đồng tình với quan điểm tăng thu thuế để “bù ngân sách” trong bối cảnh nhiều nguồn thu khác từ xăng dầu và dầu khí giảm, cộng với lộ trình thuế nhập khẩu xăng dầu theo các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết tại các Hiệp định thương mại sẽ giảm về 0% vào năm 2024, PGS.TS Phạm Tất Thắng - Nghiên cứu viên cao cấp của Bộ Công Thương cho rằng, tăng thuế, phí xăng dầu phải tính tới sự tác động nhiều mặt của mặt hàng này dưới góc độ đầu vào của các ngành sản xuất và thị trường.
“Làm thế nào để áp dụng lộ trình tăng lệ phí bảo vệ môi trường cùng với lộ trình thuế nhập khẩu về 0% nhưng vẫn đem lại lợi ích lớn hơn cho nền kinh tế. Điều này phải được thể hiện ở ngay nguyên liệu đầu vào, thể hiện ở ngay giá xăng dầu phải giảm đi, khi đó lợi ích sản xuất ra của cải vật chất sẽ tăng lên”, ông Thắng chỉ rõ.
Đồng quan điểm với ông Thắng, ông Trương Đình Tuyển - nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại cũng khẳng định, theo lộ trình, việc giảm thuế nhập khẩu xăng dầu chắc chắn sẽ ảnh hưởng rất lớn tới nguồn thu ngân sách, bởi chênh lệch tỷ lệ thuế của xăng giữa 10% - 20% sẽ là con số rất lớn.
Tuy nhiên, ông Tuyển cho rằng, việc tăng thu thuế môi trường lên kịch trần là không phù hợp. “Việc giảm thuế sẽ giúp giảm chi phí cho nhiều doanh nghiệp, từ đó nhà nước sẽ thu được nhiều hơn từ hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và thị trường”, ông Tuyển khuyến nghị.
Là người từng làm công tác quản lý giá ở Bộ Tài chính, ông Nguyễn Tiến Thỏa - Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam nêu rõ quan điểm: Thuế môi trường phải được minh bạch theo hướng chi đúng mục đích bảo vệ môi trường, gắn với bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và hỗ trợ thị trường.
Theo quan điểm của ông Thỏa, hiện nay vẫn đang có rất nhiều nguồn chi cho bảo vệ môi trường, không chỉ riêng đối với xăng dầu. Tuy nhiên, các nguồn tài trợ, vốn vay nước ngoài để bảo vệ và xử lý môi trường vẫn có thể đã không được chi một cách minh bạch, dẫn đến việc người dân nghi ngờ, thắc mắc. Vì thế, nếu thu thuế môi trường xăng dầu chỉ nên sử dụng để kiểm soát môi trường do xăng dầu gây ra.
“Đầu vào của nền kinh tế như xăng dầu phải có giá hợp lý thì đầu ra sẽ tốt hơn, nền kinh tế mới phát triển. Nên thu thuế từ đầu ra sẽ tốt hơn và mang tính bền vững. Người tiêu dùng khi đóng thuế bảo vệ môi trường, người ta cũng cần được biết tiền thuế đó có sử dụng đúng mục đích hay không? Nên điều đầu tiên là phải minh bạch và tốt nhất là nên chi đúng”, ông Thỏa khuyến cáo.
Khi lộ trình giảm thuế nhập khẩu nhiều mặt hàng theo các cam kết quốc tế, trong đó có xăng dầu, doanh nghiệp và người tiêu dùng vẫn đang hy vọng nhiều mặt hàng sẽ có giá theo đúng quy luật của thị trường, đảm bảo các yếu tố cạnh tranh ngay từ đầu vào để kích thích sản xuất và phát triển, từ đó gia tăng các nguồn thu thông qua hoạt động sản xuất và thị trường.
Do đó, dù là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, nhưng xăng dầu cũng là nguồn nguyên liệu đầu vào quan trọng của nhiều ngành kinh tế. Việc đề xuất tăng thu thuế môi trường xăng dầu theo các chuyên gia có thể giúp tăng thu ngân sách trong trước mắt, nhưng về lâu dài sẽ tạo ra nhiều bất lợi cho nền kinh tế./.