Tăng cường công tác vệ sinh an toàn thực phẩm tại các làng nghề, hợp tác xã
Nhận thức được tầm quan trọng của vệ sinh an toàn thực phẩm, thời gian qua, Làng nghề chè Cụm Khe Cốc, xóm Tân Thái, xã Tức Tranh đã tích cực tuyên truyền bằng nhiều hình thức cụ thể từ đó người dân hiểu được ý nghĩa của việc sản xuất chè đảm bảo an toàn thực phẩm. Người dân cũng chủ động áp dụng việc sản xuất, chế biến chè an toàn như xây dựng khu chế biến đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đầu tư tôn quay, máy vò bằng Inox… Việc sử dụng tùy tiện các loại thuốc trừ sâu, phân bón vô cơ đã giảm đáng kể và không tuỳ tiện như trước. Và người dân cũng đã và đang dần chuyển đổi sang sản xuất chè hữu cơ. Ông Tô Văn Khiêm, Giám đốc hợp tác xã Chè an toàn Khe Cốc chia sẻ kinh nghiệm: “Rửa chè trước khi hái đã thành phong trào từ năm 2016, để không còn bụi bẩn bám trên lá chè mà khi chế biến nó cuộn lại, về nhà xưởng thì hàng năm đều có các hộ sửa chữa, xây mới lại khu chế biến”.
Người dân chủ động áp dụng việc sản xuất, chế biến chè an toàn như xây dựng khu chế biến đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đầu tư tôn quay, máy vò bằng Inox. |
Bánh Chưng Bờ Đậu thơm ngon nức tiếng, chính vì vậy để xây dựng thương hiệu Bánh Chưng Bờ Đậu ngày càng phát triển, người dân Bờ Đậu đã cùng nhau thực hiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngoài việc lựa chọn nguồn nguyên liệu đảm bảo an toàn thực phẩm và có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, vài năm trở lại đây người dân đã dần chuyển đổi sử dụng lạt giang thay cho dây nhựa để gói bánh vừa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm vừa giữ được hương vị bánh Chưng truyền thống. Bà Nguyễn Thị Đậu chia sẻ: “Sản phẩm của mình chế biến ra mình phải giữ uy tín, để cho không những khách gần mà cả khách xa họ ấn tượng về sản phẩm của mình”. Bà Nguyễn Thị Bích Liên, Trưởng Ban quản lý làng nghề bánh chưng Bờ Đậu cho biết thêm: “Ban quản lý thường xuyên họp bàn, tuyên truyền đến nhân dân, hàng năm chúng tôi học kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm, dự tất cả các buổi tập huấn của huyện và tỉnh”.
Xây dựng thương hiệu Bánh Chưng Bờ Đậu ngày càng phát triển, người dân cùng nhau thực hiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. |
Hiện trên địa bàn huyện Phú Lương có 42 làng nghề truyền thống, trong đó có 41 làng nghề chế biến thực phẩm, nông sản. Thời gian qua, công tác quản lý chất lượng an toàn thực phẩm trên địa bàn đã có nhiều chuyển biến tích cực, ý thức trách nhiệm của các cấp, ngành và các làng nghề được nâng lên đáng kể. Với những đòi hỏi khắt khe của người tiêu dùng hiện nay, các làng nghề đều đã chú trọng hơn đến công tác đảm bảo an toàn vệ sinh cho sản phẩm. Đặc biệt, là giữ vệ sinh khu vực sản xuất, đầu tư máy móc đầy đủ góp phần đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong khâu chế biến. Ông Phan Văn Tường, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phú Lương cho biết: “Tổ chức các buổi tập huấn cho các hộ kinh doanh là việc làm cần thiết, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, chúng tôi còn có kế hoạch hỗ trợ thêm các khu sản xuất đảm bảo theo chất lượng sạch, an toàn”.
Hiện trên địa bàn huyện Phú Lương có 42 làng nghề truyền thống, trong đó có 41 làng nghề chế biến thực phẩm, nông sản. |
Việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm là việc làm thường xuyên, liên tục và đồng bộ trong suốt cả năm. Để đạt được kết quả cao nhất và bền vững, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt, thường xuyên của các cấp chính quyền, ngành chức năng của huyện mỗi cá nhân, tập thể, cơ sở sản xuất thực phẩm... cần nâng cao ý thức và hành động trong việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đó chính là đảm bảo cho lợi ích, sức khoẻ của bản thân, gia đình và cộng đồng./.