Tam Phúc đi đầu trong xây dựng NTM
Với quyết tâm cao, sự chung sức, đồng lòng của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã, Tam Phúc là một trong những xã về đích NTM đầu tiên của huyện Vĩnh Tường, hoàn thành 19/19 tiêu chí. Đồng thời, là một trong 4 xã cán đích đầu tiên của tỉnh.
Đường làng bê tông cứng hóa sạch sẽ, rộng đẹp ở Tam Phúc |
Triển khai chương trình xây dựng NTM, Tam Phúc đã đầu tư nguồn vốn 98,736 tỷ đồng. Trong đó, vốn huy động 70,864 tỷ đồng; ngân sách tỉnh hỗ trợ 14,390 tỷ đồng; huyện 7,585 tỷ đồng; xã 18,649 tỷ đồng; vốn vay 28,530 tỷ đồng. Ngoài ra, người dân tự bỏ tiền ra đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, chỉnh trang nhà cửa sân vườn, công trình vệ sinh khoảng 30 tỷ đồng.
Đến nay, 100% đường trục xã, liên xã, trục thôn, ngõ, xóm của Tam Phúc được đổ bê tông và lát gạch; 100% đường giao thông trục chính nội đồng được cứng hóa.
Xã Tam Phúc có hệ thống thuỷ lợi đáp ứng yêu cầu sản xuất, dân sinh với 3 trạm bơm, phát huy 90% năng lực thiết kế, tưới cho 383 ha lúa, 100 ha ngô và 10 ha rau màu. Sau 4 năm đạt chuẩn NTM, cơ cấu cây trồng, vật nuôi và mùa vụ của xã đã chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hoá. Giá trị thu nhập/ha canh tác tăng từ 55 triệu/ha năm 2010 lên 65 triệu năm 2013.
Về điện, với 4 trạm biến áp, 2,5 km đường dây trung thế, 14,3 km đường dây hạ thế hoạt động tốt; 100% tỷ lệ hộ trong xã Tam Phúc sử dụng điện thường xuyên, an toàn theo quy định.
Đối với hệ thống trường học, cả 3 trường Mầm non, Tiểu học và THCS trên địa bàn xã đều có cơ sở vật chất đạt chuẩn Quốc gia. Những năm gần đây, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS và tiếp tục học THPT, bổ túc trung học, học nghề luôn đạt 100%.
Bên cạnh đó, cả 6/6 thôn được công nhận và giữ vững danh hiệu “Làng văn hoá cấp tỉnh” từ 5 năm trở lên. Số “Gia đình văn hoá” luôn đạt trên 90%. Trung tâm Văn hóa xã đủ chỗ hội họp cho trên 200 người, có đầy đủ nhà tập luyện thể thao, sân khấu ngoài trời, sân chơi, nhà văn hóa, nhà chức năng. Tất cả các thôn đều có nhà văn hóa cộng đồng và sân thể thao thôn với đầy đủ trang thiết bị, phục vụ nhu cầu hội họp, thông tin, tập luyện, giải trí của bà con.
Quan trọng hơn, đời sống nhân dân Tam Phúc không ngừng được cải thiện và nâng cao. Năm 2013, thu nhập bình quân đầu người đạt gần 25 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,89%. Tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên 92,2%. Trên địa bàn xã hiện không có nhà tạm, nhà dột nát; tỷ lệ hộ gia đình có nhà ở đạt "3 cứng" là nền cứng, khung cứng và mái cứng đạt 100%.
Với 1 điểm cung cấp dịch vụ bưu chính – viễn thông, tất cả các thôn đều đã phủ sóng truy cập Internet theo quy định. Trạm Y tế xã đã đạt chuẩn Quốc gia từ 2006 và tiếp tục được Sở Y tế xác nhận đạt chuẩn mới năm 2013. Hiện tại, Trạm đã cải tạo, nâng cấp các phòng khám, hệ thống khuôn viên phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh với tổng kinh phí trên 1,25 tỷ đồng. Tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt trên 72%
Ngoài ra, Tam Phúc có 55% hộ dân sử dụng nước sạch; tỷ lệ người dân sử dụng nước hợp vệ sinh 98%, đạt mức quy định là 1.018/1.039 hộ; 95% cơ sở sản xuất kinh doanh đạt chuẩn môi trường. Người dân đều có ý thức cao trong việc bảo vệ môi trường, không có hành vi gây ô nhiễm môi trường như đổ phế thải, rác thải ra đường; vứt xác động vật chết hoặc xả thải các chất dầu mỡ độc hại xuống ao, hồ; chất rơm rạ, buộc trâu bò ngoài đường gây ô nhiễm môi trường.
Hiện nay, xã đã có bãi chôn lấp rác thải tập trung ở nơi xa khu dân cư, với diện tích khoảng 100 m2, rác thải được thu gom 2 - 3 lần/tuần rồi vận chuyển ra bãi chôn lấp và phun thuốc.
“Nhờ sự tâm huyết, đồng lòng ủng hộ của nhân dân, Tam Phúc về đích NTM rất sớm. Chúng tôi vẫn đang duy trì các tiêu chí đã đạt được, đồng thời sẽ phát triển bền vững các mục tiêu đã đề ra”, ông Hoàng Trọng Dưỡng, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết.
TRẦN MINH- ĐỨC HỒ