Tấm gương người cao tuổi say mê, tận tụy với công việc
"Về đến Nà - Tu nhớ Bác Hồ
Có dòng suối nhỏ Bác lội qua
Sông Cầu gợn sóng nâng chân Bác
Thoăn thoắt người qua chẳng cầu phà
Nà - Tu xưa rừng còn nhiều lắm
Tán lá cây xanh che mọi nhà
Tàu bay Pháp bay qua sao thấy được
Thanh niên mở hội đón Cha già..."
Đó là những câu thơ chứa chan tình cảm của người con dân tộc Dao – Đặng Phúc Lường trong bài thơ "Nhớ Bác Hồ" (tập thơ Nhớ rừng) khi viết về vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam – Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những ngày trên đường Người đi Chiến dịch Biên giới (9/1950) và ghé thăm một đơn vị thanh niên xung phong đang làm đường phục vụ chiến dịch, tại đây, Bác Hồ đã làm bài thơ với nhan đề Khuyên Thanh niên:
"Không có việc gì khó;
Chỉ sợ lòng không bền;
Đào núi và lấp biển;
Quyết chí ắt làm nên."
Lúc này khi đang công tác tại Bắc Kạn, mặc dù không được trực tiếp gặp Bác Hồ, nhưng những lời Bác viết tặng thanh niên khi đó đã trở thành hành trang tiếp sức trong suốt chặng đường công tác và nghiên cứu của ông Đặng Phúc Lường sau này.
Mặc dù đã 79 tuổi nhưng ông Lường vẫn dành nhiều thời gian để nghiên cứu các tác phẩm về văn hóa dân tộc Dao |
Sinh ra tại xóm Bun, xã Vũ Muộn, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn. Lúc trẻ, ông Lường công tác trong Ngành Giáo dục; sau đó, ông được Nhà nước cử đi học tại nước ngoài rồi bảo vệ thành công Luận án Tiến sĩ Hóa học. Về nước, ông đảm trách nhiều công việc, chức vụ khác nhau. Đến ngày 1/1/1997, ông được tín nhiệm bầu giữ chức vụ Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Kạn khóa I. Sau khi về hưu, được sự tin tưởng của bà con nhân dân, ông Lường tiếp tục đảm nhận các cương vị ở địa phương như: Bí thư Chi bộ Tổ dân phố 12, Chủ nhiệm CLB thơ ca phường Phan Đình Phùng, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số tỉnh Thái Nguyên.
Khi nhận xét về ông Đặng Phúc Lường, ông Nguyễn Hữu Đức, Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi Tổ dân phố 12, phường Phan Đình Phùng, TP Thái Nguyên cho biết: "Ông Đặng Phúc Lường mặc dù đảm trách nhiều công việc, song ở cương vị nào ông cũng luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, được cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá cao. Ông là người rất năng động, sáng tạo, cần cù, chịu khó. Đối với Chi hội Người cao tuổi, luôn lấy ông Lường là tấm gương để các hội viên học tập, noi theo".
Cùng chung quan điểm với ông Nguyễn Hữu Đức, ông Phạm Minh Đức, Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi phường Phan Đình Phùng, TP Thái Nguyên chia sẻ: "Từ khi nghỉ hưu về sinh hoạt tại địa phương, ông Lường luôn phát huy vai trò của một đồng chí nguyên là cán bộ lãnh đạo, luôn là đầu tàu gương mẫu, để các hội viên người cao tuổi và nhân dân học tập, noi theo".
Mặc dù công việc bận bịu, nhưng ông Lường vẫn luôn đau đáu về những dự định còn dang dở, về việc nghiên cứu, sưu tầm văn hóa của người Dao. Tuy tuổi đã cao, nhưng ông cất công lên tận các bản người Dao xa xôi ở các tỉnh như: Bắc Kạn, Hà Giang, Cao Bằng...sưu tầm tư liệu về văn hóa dân tộc Dao, về nhà ông lại cặm cụi viết lại, biên soạn thành những tác phẩm về văn hóa, ngôn ngữ của dân tộc Dao.
Sách Học tiếng Dao – “Tộ miền vạ” là công trình tâm đắc nhất của ông Đặng Phúc Lường |
Tính đến nay, ông đã có khoảng 10 tác phẩm được xuất bản như: Tập thơ “Nhớ rừng” - song ngữ Dao Việt; tập truyện cổ dân tộc Dao “Quả bầu vàng”; Sách Học tiếng Dao – “Tộ miền vạ”; Công trình nghiên cứu khoa học về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của người Dao tỉnh Bắc Thái (năm 1995)…và 2 tác phẩm điện ảnh là Lễ cấp sắc 3 đèn người Dao đỏ, Lễ cấp sắc 12 đèn người Dao lô gang. Cùng với đó, ông đang tích cực nghiên cứu, biên soạn tập thơ “Một đêm ngâm thơ Dao đỏ” trong đó sưu tầm, biên soạn hàng trăm bài thơ hay của người Dao. Ông Đặng Phúc Lường chia sẻ: "Đối với tôi tác phẩm tâm đắc nhất là Sách Học tiếng Dao – “Tộ miền vạ”, bởi đây là công trình tôi dành thời gian nghiên cứu lâu nhất - khoảng 50 năm. Trong cuốn Giáo trình gồm có 33 bài, tương ứng với 300 đến 450 tiết học. Từ ngữ trong giáo trình chủ yếu là ngôn ngữ nói, hạn chế dùng các từ chuyên môn, vì phải vay mượn tiếng Việt. Dùng ngôn ngữ nói giúp người học dễ hiểu, đồng thời khi giao tiếp với bà con dân tộc cũng hiệu quả hơn. Nếu học tốt, hết chương trình, người học sẽ đọc thông viết thạo và giao tiếp được với bà con người Dao. Ngoài phần giới thiệu về dân tộc Dao, tiếng nói và chữ viết; giáo trình được soạn theo 9 chủ đề giúp người học hiểu thêm về vốn văn hóa dân tộc Dao. Giáo trình được thể hiện bằng 3 thứ tiếng: Tiếng Anh, Tiếng Việt, Tiếng Dao giúp cho không chỉ người Dao mà những người yêu thích tìm hiểu văn hóa Dao ở trong và ngoài nước có thể học được ngôn ngữ người Dao".
Hàng chục năm tham gia công tác, rồi nghiên cứu, sáng tác và biên soạn, ông Đặng Phúc Lường đã được Nhà nước trao tặng nhiều danh hiệu cao quý, các tác phẩm của ông giành được nhiều giải thưởng do Hội Văn học nghệ thuật Dân tộc thiểu số Việt Nam và Hội Văn học nghệ thuật tỉnh trao tặng. Và đặc biệt, với đồng bào người Dao và một số nhà nghiên cứu văn hóa, ông được ví như một “kho báu sống”. Như cánh chim không mỏi bằng ngòi bút, tâm huyết của mình, ông vẫn hăng say sáng tác, sưu tầm với mong muốn lưu giữ những nét văn hóa tinh hoa của dân tộc, để mọi người đặc biệt là giới trẻ thêm yêu và trân trọng, gìn giữ những giá trị đó./.