Tái diễn vấn nạn hành hung y bác sĩ: Khi áo blouse thấm máu!
Hình ảnh cắt từ clip camera an ninh bệnh viện cho thấy cảnh bệnh nhân (áo xanh) hành hung bác sĩ tại Khoa Cấp cứu Bệnh viện Việt - Tiệp, TP Hải Phòng |
Mới đây nhất, một sự việc vừa xảy ra tối 25/2 khi một nhóm côn đồ 5 người kéo đến đập phá, đuổi đánh các y, bác sĩ ở Bệnh viện Đa khoa huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình khiến cán bộ, nhân viên làm việc ở đây một phen sợ hãi.
Trước đó, vào khoảng 22h30 ngày 25/2, khoa trực Cấp cứu của Bệnh viện tiếp nhận 2 bệnh nhân bị tai nạn giao thông trong tình trạng nguy kịch. Bác sĩ Trần Thanh Tùng cùng với kíp trực tiến hành cấp cứu nhưng cả hai đều ngưng thở, xác định nạn nhân đã tử vong trước đó.
Mặc dù đã lựa lời giải thích nhưng nhóm côn đồ đưa hai nạn nhân đi cấp cứu đã liên tục la hét, đập vỡ các cửa kính ở bệnh viện. Manh động hơn, nhóm đối tượng này còn lớn tiếng thóa mạ, chửi bới, đuổi đánh các y, bác sĩ trong ca trực, khiến các nhân viên có mặt ở đây phải bỏ chạy tán loạn.
Cảnh côn đồ đập phá cửa phòng xét nghiệm ở Bệnh viện Đa khoa huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Ảnh: VOV |
Không những y, bác sĩ mà nhiều bệnh nhân đang nằm viện cũng sợ hãi trước hành động của nhóm côn đồ xăm trổ, nghênh ngang đi lại ở khoa khám bệnh.
Hiện cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Bố Trạch hiện đang xác minh, triệu tập đối tượng để làm rõ hành vi vi phạm pháp luật của nhóm người này.
Cách đây chỉ vài ngày, ngày 20/2/2018, hai bác sĩ ở Bệnh viện Sản Nhi Yên Bái bị nhóm côn đồ hơn 10 người xông vào đánh đập khi vừa tiến hành phẫu thuật cho người nhà của họ mẹ tròn con vuông.
Theo thống kê của ngành công an, năm 2017 xảy ra 25 vụ bác sĩ bị hành hung gây thương tích tại các bệnh viện. Số vụ ngày càng nhiều và ngày càng nghiêm trọng. Hành vi của các đối tượng ngày càng manh động cho thấy mức độ đáng báo động của nạn bạo hành trong bệnh viện - nơi đáng ra luôn an toàn để y bác sĩ cứu chữa cho bệnh nhân.
- Tháng 4/2017, tại Bệnh viện Đa khoa huyện Thạch Thất, Hà Nội, bố của một bệnh nhi đã dùng cốc ném vào đầu 1 bác sĩ đang trực cấp cứu khiến bác sĩ này chảy máu đầu, ngất tại chỗ. Vết thương phải khâu 7 mũi và theo dõi chấn thương sọ não.
- Cuối tháng 4/2017, tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Tây Nguyên, trong khi đang chuẩn bị đưa bệnh nhân lên cáng, sinh viên y khoa thực tập đã bị người nhà của bệnh nhân lăng mạ và tát liên tiếp.
- Tháng 5/2017, tại Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương, tỉnh Phú Thọ, 3 thanh niên đưa 1 cô gái đến khám đã tỏ thái độ gây hấn, đe dọa nhân viên y tế. Đến tối, nhóm côn đồ còn quay lại mang theo súng tự chế khiến mọi người có mặt tại bệnh viện hoảng loạn.
- Tháng 12/2017, tại trạm Y tế xã Đông Tân, huyện Đông Hưng, Thái Bình, một bác sĩ được điều động đến cấp cứu một ca tai nạn giao thông. Khi đang làm nhiệm vụ, người nhà vì muốn chuyển bệnh nhân đi ngay nên đã xông vào đấm liên tiếp vào mặt bác sĩ khiến bác sĩ bị gãy xương sống mũi, chấn thương vùng mắt và bị xước giác mạc.
Tuyến tỉnh là nơi xảy ra nhiều vụ hành hung nhất
Trước tình trạng bạo hành nhân viên y tế ngày càng báo động, TS. Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, cho biết môi trường làm việc của đội ngũ y bác sĩ hiện nay không còn an toàn. Tính chất của vụ việc ngày càng nghiêm trọng hơn.
"Đây không chỉ là nỗi lo của không chỉ của các nhà quản lý Bộ Y tế mà còn là nỗi lo của toàn thể thầy thuốc và nhân viên y tế", ông Quang nhấn mạnh.
Theo thống kê của Bộ Y tế, tuyến tỉnh là nơi xảy ra nhiều vụ hành hung nhất do đây là nơi dồn toàn bộ bệnh viên từ các tuyến dưới. Các khoa cấp cứu, khoa khám bệnh, khoa hồi sức tích cực ở các bệnh viện sản nhi... là những nơi dễ xảy ra các vụ hành hung hơn cả.
Nói về giải pháp cho thực trạng vốn đã xảy ra nhiều năm và ngày càng nóng này, ông Quang cho hay, ngành Y sau nhiều cuộc hội thảo, phân tích đã có nhiều chỉ đạo để nhằm hạn chế vấn đề.
"Để giảm tải tình trạng người nhà bệnh nhân có những hành vi không đúng mực với y bác sĩ ngành Y tế cần phải nâng cấp cơ sở vật chất, đặc biệt là ở các khoa cấp cứu. Đồng thời, cần phải có sự vận hành nhịp nhàng giữa nhân viên y tế và người nhà bệnh nhân. Đặc biệt, trong quá trình cấp cứu không nên để người nhà bệnh nhân nhìn thấy để tránh tình trạng hiểu lầm" - TS. Nguyễn Huy Quang chia sẻ.
Mặc dù hiện nay có nhiều giải pháp như hợp đồng với các công ty bảo vệ an ninh, bệnh viện tổ chức khoa học hơn và thái độ ứng xử nhã nhặn hơn, tuy nhiên, nhìn chung cái gốc của giải pháp vẫn là cần lắng nghe nguyện vọng của chính bệnh nhân và người nhà bệnh nhân để đội ngũ y bác sĩ có thể tư vấn giải thích cặn kẽ. Có lẽ, đây cũng là một vấn đề cốt lõi cần giải quyết để ngăn ngừa tình trạng hành hung y bác sĩ hiện nay.