Tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước còn chậm
Tổng giá trị thực tế của 49 doanh nghiệp đã được phê duyệt phương án cổ phần hóa là gần 32.000 tỷ đồng; trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp là gần 23.290 tỷ đồng.
Theo phương án cổ phần hóa được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì vốn điều lệ của 49 đơn vị là 23.030 tỷ đồng; trong đó nhà nước nắm giữ 11.100 tỷ đồng, bán cho nhà đầu tư chiến lược 7.473 tỷ đồng, bán cho người lao động 343,6 tỷ đồng, tổ chức công đoàn 6,7 tỷ đồng, số lượng cổ phần bán đấu giá công khai là 4.105 tỷ đồng.
“Dây chuyền sản xuất của Nhà máy Sợi thuộc Tổng công ty cổ phần Dệt may Nam Định. Ảnh: Hiền Hạnh - TTXVN |
Theo Cục Tài chính Doanh nghiệp (Bộ Tài chính), trong 9 tháng năm 2016, công tác cổ phần hóa vừa phải tiếp tục thực hiện tại các đơn vị chưa hoàn thành theo kế hoạch giai đoạn 2011 - 2015 đồng thời triển khai kế hoạch sắp xếp, cổ phần hóa, tái cơ cấu theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nên tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước và thoái vốn còn chưa đạt được như kỳ vọng.
Ngoài ra do đối tượng sắp xếp, cổ phần hóa hiện nay hầu hết là các doanh nghiệp có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng, kinh doanh đa ngành nghề, tài chính phức tạp nên cần có nhiều thời gian chuẩn bị, xử lý. Mặt khác, việc thực hiện cổ phần hóa, tái cơ cấu đối với các doanh nghiệp có quy mô vốn lớn cần sự tham gia của nhiều nhà đầu tư lớn, có tiềm lực tài chính và năng lực quản trị, đầu tư tốt nên cũng có nhiều thời gian để chuẩn bị.
Thời gian tới, Cục Tài chính Doanh nghiệp sẽ tiếp tục thực hiện thoái vốn đầu tư ngoài ngành và vốn nhà nước ở doanh nghiệp mà nhà nước không cần nắm giữ theo tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước và theo lộ trình hợp lý, đảm bảo hiệu quả kinh tế cao nhất. Đối với những trường hợp đầu tư ngoài ngành đang thua lỗ, khẩn trương có phương án thoái vốn để cắt lỗ, báo cáo các cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Đồng thời, đẩy mạnh việc tái cơ cấu và nâng cao chất lượng quản trị và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước; nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát doanh nghiệp nhà nước, đẩy nhanh việc minh bạch, công khai thông tin về hoạt động của doanh nghiệp nhà nước. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát đối với hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, gắn trách nhiệm người đứng đầu với kết quả tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước.
Cũng theo báo cáo từ Bộ Tài chính, lũy kế 9 tháng tổng thu cân đối ngân sách Nhà nước đạt 718,3 nghìn tỷ đồng, bằng 70,8% dự toán và tăng 5,2% so cùng kỳ năm 2015. Trong tổng thu nói trên, ước thực hiện thu nội địa tháng 9 ước đạt 52,1 nghìn tỷ đồng, lũy kế 9 tháng đạt 579,6 nghìn tỷ đồng, bằng 73,8% dự toán, tăng 14,5% so cùng kỳ năm 2015. Ước đến hết tháng 9, thu ngân sách địa phương bình quân chung đạt khoảng 84% dự toán.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho biết, vẫn còn một số khoản thu tiến độ đạt thấp (dưới 75% dự toán), như: thu phí, lệ phí đạt 65,1%, thu khác ngân sách đạt 63,8%. Đặc biệt, thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước chỉ đạt 57,4% dự toán, bằng 96,7% so cùng kỳ năm 2015. Nguyên nhân chủ yếu do ảnh hưởng của giá dầu, khí giảm, hoạt động sản xuất - kinh doanh của các tập đoàn, công ty trong lĩnh vực khai thác, chế biến dầu khí khó khăn, số thu nộp ngân sách giảm.
Cũng theo Bộ Tài chính, tổng chi ngân sách Nhà nước tháng 9 ước đạt 99,8 nghìn tỷ đồng; lũy kế chi 9 tháng đạt 870,5 nghìn tỷ đồng, bằng 68,4% dự toán và tăng 5,7% so cùng kỳ năm 2015. Riêng về thực hiện vốn đầu tư xây dựng cơ bản, ước đến tháng 9 vốn giải ngân cho các dự án đạt 54,5% dự toán, thấp hơn cùng kỳ năm trước, vốn trái phiếu Chính phủ giải ngân ước đạt khoảng 38,8% dự toán (cùng kì năm 2015 là 53,3%).