Stress do lối sống gây áp lực cho tim mạch
Tại Hội thảo khởi động dự án Đương đầu với bện Tăng huyết áp (THA) ở Việt Nam diễn ra ngày 3/5, GS Tuấn cảnh báo, tình trạng huyết áp cao đang tăng nhanh, trẻ hóa. Trước kia thường tuổi 50 – 60 mới bị cao huyết áp, thì nay tuổi dưới 30 đã rất nhiều người bị cao huyết áp.
TS. Hà Anh Đức, đồng Giám đốc dự án và BS. Nguyễn Đức Lộc Phó giám đốc Sở y tế Hưng Yên giải đáp thắc mắc về triển khai dự án tại Hưng Yên. Ảnh: H.Hải |
Cùng quan điểm này, TS.BS Hà Anh Đức, Phó Chánh văn phòng Bộ Y tế, đồng Giám đốc dự án cho biết, dữ liệu quốc gia của Bộ Y tế tháng 10/2016 cho thấy tỷ lệ THA là trên 40% đối với những người từ 50 - 69 tuổi. Theo số liệu điều tra gần đây nhất của Viện Tim mạch Việt Nam tỷ lệ tăng huyết áp của những người từ 25 tuổi trở lên là khoảng 30%. Có đến gần 40% bệnh nhân tăng huyết áp không được phát hiện và có tới 69% được phát hiện điều trị nhưng HA chưa được kiểm soát.
Theo GS Tuấn, tăng huyết áp trẻ hóa liên quan nhiều đến stress mãn tính. Stress không chỉ đơn thuần là những lo buồn, đau thương, mất mát, mà chính lối sống hàng ngày đang tạo ra cho mọi người tình trạng stress mãn tính. Lối sống lười vận động, rượu bia, béo phì, không kiểm soát được thời gian… khiến con người dễ nảy sinh những áp lực gây nên tình trạng stress.
Để giải quyết tình trạng stress do lối sống, hãy học các kiểm soát thời gian, tập thể thao, tập thiền, yoga... Trong đó kiểm soát thời gian là yếu tố vô cùng quan trọng để giảm nguy cơ bị các áp lực làm gia tăng tình trạng stress. Hay trước giờ đi ngủ, hãy đọc sách, nghe nhạc, tập thiền thay vì lướt facebook.
Thuốc huyết áp mỗi tháng chỉ bằng... 3 bát phở
GS.TS Đỗ Doãn Lợi, nguyên Viện trưởng Viện tim mạch (BV Bạch Mai) cho biết con số nghiên cứu năm 2015 khiến nhiều người giật mình, đến 47,3% người dân bị huyết áp cao, đây là một nguy cơ cực lớn.
GS.TS Đỗ Doãn Lợi. |
Tuy nhiên khi đi khảo sát tại nhiều cơ sở điều trị, nhiều nơi kêu thiếu thuốc cho bệnh nhân cao huyết áp. “Thiếu thuốc thật, nhưng nếu điều trị khéo, mỗi tháng một bệnh nhân cao huyết áp không hết 100 nghìn khi dùng các thuốc chúng ta sản xuất được. Khi dùng 3 thuốc cho phác đồ điều trị huyết áp mới hết số tiền này, còn với người mới bị, hoặc huyết áp không quá cao, việc điều trị chỉ cần dùng 1 loại thuốc thì chi phí mỗi tháng không hết 1 bát phở.
Đánh giá về thực trạng tăng huyết áp, GS Tuấn cho rằng đã có rất nhiều chương trình cộng đồng để tuyên truyền về tăng huyết áp nhưng con số bệnh nhân vẫn tăng lên, cho thấy cách tiếp cận chưa hợp lý.
“Nếu bác sĩ khám và khuyên bệnh nhân ăn nhạt đi, phải giảm cân đi, khuyên là tốt nhưng đều là sáo rỗng. Cái người dân cần là phải chỉ cho người ta cách giảm muối, cách ăn nhạt như thế nào, làm thế nào để giảm cân? Vì thế, dự án này là cách tiếp cận trực tiếp qua chính những ca lâm sàng ở quanh người bệnh”, GS Tuấn nói.
Hiện nay, người tăng huyết áp đang được khám và điều trị tại tuyến huyện nhưng chưa được quản lý và theo dõi việc tuân thủ điều trị và kiểm soát huyết áp cũng như thay đổi lối sống tại cộng đồng. Mạng lưới cộng tác viên y tế thôn chưa được phát huy trong việc hỗ trợ, hướng dẫn, theo dõi bệnh nhân THA. Trạm Y tế chưa khám và điều trị cho bệnh nhân THA cũng như chưa cung cấp các dịch vụ tư vấn cho các bệnh nhân mắc bệnh không lây nhiễm.
Do đó, dự án “Đương đầu với bệnhTăng huyết áp ở Việt Nam: Giải pháp từ y tế cơ sở” sẽ triển khai và đánh giá hiệu quả, tác động các can thiệp nâng cao năng lực cho trạm y tế xã và các cộng tác viên y tế thôn/đội trong hướng dẫn bệnh nhân tự kiểm soát HA tại gia đình, tuân thủ chế độ thuốc; nâng cao nhận thức cho bản thân bệnh nhân về bệnh THA, việc thay đổi lối sống, tuân thủ thuốc và tự kiểm tra huyết áp tại gia đình.
Dự án này cũng triển khai thử nghiệm các biện pháp can thiệp trong việc quản lý và điều trị bệnh nhân tăng huyết áp tại tuyến y tế cơ sở nhằm góp phần tăng cường kiểm soát hiệu quả các bệnh không lây nhiễm tại cộng đồng ở Việt Nam.
Kết quả nghiên cứu sẽ được công bố và đề xuất với Bộ Y tế đề thay đổi chính sách và chiến lược cho chương trình THA quốc gia.
Trước tiên, dự án sẽ được thực hiện tại Hưng Yên, với các mục tiêu cụ thể là đánh giá thực trạng bệnh THA và nhu cầu kiểm soát bệnh THA tại 16 xã nông thôn được chọn của tỉnh Hưng Yên (trong đó có 8 xã can thiệp và 8 xã đối chứng). Đồng thời, Xây dựng và triển khai thử nghiệm can thiệp kiểm soát bệnh THA tại cộng đồng ở các xã được chọn can thiệp.
Sau thời gian thực hiện can thiệp sẽ đánh giá về tính hiệu quả và mức độ triển khai thành công của gói can thiệp, từ đó có thể đề xuất các giải pháp can thiệp cho chương trình phòng chống THA quốc gia nhằm tăng cường hiệu quả kiểm soát bệnh THA tại cộng đồng