Say lòng với Pù Luông: Góc ẩn mình của thiên nhiên xứ Thanh
Pù Luông đẹp nhất vào thời gian nào?
Theo kinh nghiệm của các phượt thủ chuyên nghiệp, có 2 thời điểm tuyệt vời nhất để bạn “xách balo lên” và đến khám phá Pù Luông.
Cuối tháng 5, đầu tháng 6: Đây là thời điểm Pù Luông bắt đầu vụ lúa mới. Những cánh đồng và khu ruộng bậc thang sẽ khoác một lớp áo xanh mướt tạo nên vẻ đẹp vô cùng bình yên. Đặc biệt, tuy là mùa hè nhưng vì thuộc vùng núi đá vôi đất thấp, có nhiều rừng rậm nhiệt đới và ít dân cư sinh sống nên không khí và thời tiết ở Pù Luông khá mát mẻ, dễ chịu.
Tháng 9 và tháng 10: Hai tháng này là thời điểm Pù Luông bước vào mùa lúa chín. Tất cả các khu ruộng bậc thang bên sườn đồi sẽ chuyển sang màu vàng rực rỡ khiến nơi đây mang một vẻ đẹp trù phú và mơ mộng. Thời điểm này cũng chính là lúc vùng đất “thiên đường giữa đại ngàn” hút khách du lịch nhất.
Đến Pù Luông như thế nào?
Đường lên Pù Luông chủ yếu là đường đèo, đường đất đỏ khá khó đi nên phương tiện phù hợp và thuận lợi nhất là xe máy. Cảnh vật hai bên đường đến Pù Luông không có núi non trùng điệp, cũng không nhiều ruộng bậc thang như ở Mù Cang Chải mà là những cánh đồng ngô trải rộng miên man. Ngô ở đây trồng từ trên triền đồi, triền núi rồi tràn ra khắp các thung lũng như một tấm thảm khổng lồ.
Đường lên Pù Luông chủ yếu là đường đèo, khá khó đi. |
Cung đường cho du khách đi từ Hà Nội: Con đường xuyên suốt và chạy thẳng đến “thiên đường xanh” Pù Luông là đường 15C. Nếu bạn xuất phát từ Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc thì hãy đi xe máy theo hướng Xuân Mai, Lương Sơn, Hòa Bình đến Bản Lác, Mai Châu. Đi khoảng 17km từ Mai Châu dọc theo đường 15A, bạn rẽ trái sang đường 15C rồi hãy hỏi người dân nơi đây hướng đi cụ thể đến Pù Luông.
Cung đường cho du khách đi từ Thanh Hóa và các tỉnh miền Trung, miền Nam: Các bạn hãy đi ngược lên Tây Bắc, men theo đường mòn Hồ Chí Minh rồi rẽ phải tại thị trấn Cẩm Thủy, đi thẳng đến thị trấn Cành Nàng. Cuối cùng rẽ sang đường 15C và đi khoảng 10km nữa là tới Pù Luông.
Lưu ý: Đây là đoạn đường phá từ vách đá còn dang dở, bên núi không kè đất, còn bên vực sâu hun hút. Đi ngày nắng tương đối an toàn nhưng vào mùa mưa, đất đá có thể rơi từ trên núi xuống lòng đường, gây nguy hiểm cho du khách.
Lưu trú ở Pù Luông
Pù Luông là khu bảo tồn thiên nhiên, rừng rậm nhiệt đới quan trọng của Việt Nam nên hoạt động tham quan, du lịch đến đây hầu như mới chỉ là tự phát. Chính vì thế, Pù Luông không có khách sạn, hình thức lưu trú chủ yếu là homestay và nhà nghỉ bình dân.
Nếu bạn đi du lịch vào buổi sáng thì có thể dừng chân ở Mai Châu để ăn trưa sau đó chạy một mạch đến Kho Mường (Pù Luông) để thuê nhà nghỉ. Còn nếu bạn khởi hành vào buổi chiều thì nên nghỉ tối ở Mai Châu rồi sáng sớm hôm sau di chuyển lên Pù Luông.
Đặc sản ở Pù Luông
Thông thường, hoạt động ăn uống cho du khách sẽ diễn ra ngay tại khu nhà bạn thuê ở. Chủ nhà sẽ chiêu đãi bạn những món đặc sản núi rừng như: gà đồi, măng chua, canh rau ngót rừng, cơm lam, nộm hoa chuối rừng, vịt suối nướng, lợn rừng quay, rượu cần… Đây đều là những món ăn của người Thái nên có hương vị rất thơm ngon và đặc biệt.
Canh đắng được nấu từ một loại lá đắng trên rừng cùng lòng và tiết gà. Khi ăn, vị đắng ngắt tê tê nơi cổ họng khiến nhiều khách đường xa phải nhắm mắt, rùng mình. Tuy nhiên, đọng lại nơi đầu lưỡi là vị ngọt thanh rất mát và lạ miệng.
Gà thả đồi, vịt cỏ thả suối thịt rất chắc và thơm. Dưới bàn tay khéo léo của người dân tộc, các nguyên liệu này được chế biến thành nhiều món như luộc, quay, nướng, xào măng, hấp lá rừng… sau đó bày lên cỗ lá.
Đến đây du khách có dịp thưởng thức gà đồi, măng chua, cá suối, các loại rau rừng,... vô cùng hấp dẫn. |
Rượu cần là thức uống đưa đẩy giúp các món ăn trở nên ngon hơn. |
Người Thái ở Pù Luông còn có món rượu cần cay nồng là đặc sản không thể thiếu trong mỗi bữa cơm đậm nghĩa tình. Rượu cần được làm từ men sắn và nước suối nên cho thực khách một cảm nhận rất riêng, không lẫn với bất cứ loại rượu nào khác.
Khám phá Pù Luông qua những điểm du lịch hấp dẫn
Hành trình ngắm lúa
Điểm thú vị nhất khi phượt Pù Luông chính là lưu lại những khoảnh khắc khi nơi đây bước vào mùa lúa. Những bức hình ghi lại cảnh đẹp mùa lúa khiến nhiều người mong ngóng lên đường để ngắm nhìn tận mắt vẻ đẹp bình yên giữa núi rừng.
Để quan sát trọn vẹn Pù Luông trong thời điểm này, hãy cân nhắc chọn địa điểm hoặc tham khảo ý kiến người dân bản địa. Nếu ở bản Hang, bạn có thể dễ dàng di chuyển đến Kho Mường. Còn nếu ở bản Hin, bạn nên tới bản Son, Bá, Mười. Đây là những nơi có thể ngắm ruộng bậc thang lúa trải dài.
Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông
Một phần Pù Luông nhìn từ trên cao. |
Pù Luông là khu bảo tồn lớn nhất tại miền Bắc với nhiều kiểu rừng như rừng đất thấp, núi thấp, rừng trên núi đá vôi và các thảm thực vật măng tre nứa, cây bụi,… Chính vì có địa hình đồi núi đa dạng nên nơi đây sẵn sàng “chiều lòng” nếu du khách thích chinh phục đỉnh Pù Luông có độ cao 1700m.
Đứng trên đỉnh Pù Luông, bạn có thể chiêm ngưỡng trọn vẹn phong cảnh nên thơ của cánh đồng, thung lũng ở dưới chân núi và tận hưởng cảm giác chiến thắng vì đã hoàn thành thử thách chinh phục thiên nhiên.
Thượng sơn Son – Bá – Mười
Chốn thâm sơn cùng cốc đẹp như tranh vẽ này chính là “thiên đường trong thiên đường” ở Pù Luông. Tuy đường đi rất khó khăn và vất vả nhưng cảnh sắc ở đích đến sẽ không khiến bạn ân hận.
Kho Mường
Kho Mường là một thung lũng hoang sơ thuộc vùng đệm của khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông. Nhìn từ trên cao, Kho Mường hiện ra với vẻ đẹp đơn sơ, bình dị của những xóm nhà sàn nằm sát chân núi. Đa số các ngôi nhà này lợp mái rơm, mái cọ với chuồng trâu bò ở dưới còn người ngủ phía trên như truyền thống từ ngàn đời.
Phía trước các ngôi nhà sàn là những thửa ruộng bậc thang thoai thoải. Bao quanh thung lũng là những cánh rừng già nguyên sinh hoang sơ như ôm ấp, bảo vệ xóm làng.
Đến với bản Kho Mường, ngoài cảnh quan, địa thế hùng vĩ, du khách còn được khám phá hang động với những nhũ đá kỳ ảo. Từ bản Kho Mường, bạn có thể đi theo tuyến 4 bản Mường là Bản Pốn – Thành Công – Cao Hoong – Bản Kịt để khám phá nét đặc trưng văn hóa, hoặc men theo đường mòn nối Kho Mường tới Bản Ươi – Phố Đoàn để đến bản Quắn, nơi có những nếp nhà bình yên, giản dị.
Bản Hiêu
Bản Hiêu thuộc xã Cổ Lũng, huyện Bá Thước. Đến Pù Luông mùa lúa chín, bạn sẽ ngỡ ngàng với cung đường dài 25 km từ thị trấn Cành Nàng đến bản Hiêu. Nơi đây có rất nhiều cánh đồng ruộng bậc thang nằm hai bên bờ suối.
Du khách chèo thuyền trên suối. |
Nhiều du khách thích thú tắm suối Hiêu. |
Ngoài khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, bản Hiêu còn nổi tiếng với dòng suối Hiêu có thể biến cây thành đá. Do chứa một lượng đá vôi lớn nên nước suối Hiêu làm vôi hóa những bộ rễ cây nằm dưới lòng suối. Cuối tháng 6 hoặc tháng 10 cũng là thời điểm bản Hiêu đẹp nhất trong năm.
Thác Mây
Không chỉ mê hoặc khách du lịch bởi màu xanh non hay sắc vàng óng ánh của lúa, Pù Luông còn làm người ta say đắm bởi tiếng nước chảy róc rách giữa rừng già như thể vỗ về cuộc sống bận rộn. Trên đường trở về Hà Nội, bạn nên ghé thăm một trong những thác nước đẹp nhất xứ Thanh là thác Mây tại Thạch Lâm, Thạch Thành.
Thác Mây nằm trên đường mòn Hồ Chí Minh gần vườn quốc gia Cúc Phương. Dòng thác này đổ xuống từ đỉnh núi Thạch Lâm tại độ cao 100m. Thác có 9 bậc gối lên nhau tạo thành những con nước mềm mại.
Đường vào đây không có biển chỉ dẫn nên bạn phải sử dụng phần mềm google maps hoặc hỏi người dân. Đến nơi, bạn hãy tranh thủ thời gian để ngụp lặn, nhào lộn, nhảy thác… Hay đơn giản hơn, bạn chỉ cần ngồi yên tận hưởng không khí trong lành hay lắng nghe tiếng động của nước xả xuống và thư giãn tâm hồn.