Sạt lở ở ĐBSCL: Nỗi kinh hoàng của người dân
Diễn biến trong thời gian qua cho thấy, tình trạng sạt lở diễn ra ngày càng nhanh chóng và dữ dội, cuốn trôi hàng loạt căn nhà, hàng nghìn ha đất của cư dân ven sông.
Không dừng lại ở đó, chính sự mâu thuẫn giữa khai thác cát, sử dụng tài nguyên thiên nhiên; sự biến đổi của dòng chảy và những tác động ở vùng thượng nguồn sông Mekong... đã và đang gây nguy hiểm trực tiếp cho khu vực ĐBSCL.
Tài nguyên cát vẫn được khai thác để cung cấp cho xây dựng và san lấp |
Chỉ trong vòng hơn tháng qua, lần lượt các tỉnh An Giang, Đồng Tháp nằm cặp sông Tiền, sông Hậu phải hứng chịu nạn sạt lở nghiêm trọng bờ sông. Đời sống sinh hoạt của nhiều hộ dân đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhiều điểm sạt lở diễn ra bất thường làm thiệt hại hàng chục ha hoa màu, cây ăn trái và tài sản của người dân...
Tâm trạng lo âu, canh cánh đối mặt với sự nguy hiểm thể hiện rõ trên nét mặt của những cư dân vùng sạt lở. Ông Lê Phước Hoà, người dân vùng sạt lở xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang cho biết: “Nhà tôi nằm cận khu sạt lở, bây giờ không biết tính toán thế nào nữa. Chúng tôi chỉ mong bình yên trở lại”.
Mới đây, báo cáo của Bộ NN-PTNT cho thấy, trung bình mỗi năm tình trạng sạt lở đã lấy đi 500 ha đất ở vùng ĐBSCL. Hiện vùng có 265 điểm sạt lở bờ sông với tổng chiều dài sạt lở lên đến 450km. Trong đó, khu vực ven sông Tiền và sông Hậu có nhiều điểm sạt lở nhất.
Tại Đồng Tháp, thời điểm cuối tháng 4 và đầu tháng 5 này, tỉnh đã 2 lần công bố tình trạng khẩn cấp sạt lở đất bờ sông Tiền khu vực ấp Bình Hòa, xã Bình Thành, huyện Thanh Bình. Khu vực này hiện có hơn 220 hộ dân sống bị sạt lở đe dọa; gần như mỗi ngày đều có sạt lở. Bà Trần Thị Phiến, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Bình cho rằng: “Đây là thiên tai làm thiệt hại rất lớn đến tính mạng, tài sản của nhân dân. Địa phương cũng đã vào cuộc để nhanh chóng di dời dân đến nơi an toàn”.
Dù tình trạng sạt lở ở ĐBSCL rất nghiêm trọng và diễn ra liên tục, song đến nay, theo Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam vẫn chưa có nhiều công trình nghiên cứu bảo vệ đặc trưng riêng, phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của vùng. Tập quán sông nước, sinh kế và nguồn vốn đầu tư các công trình có giới hạn đã khiến người dân ở đây phải sinh sống ven sông, rạch, bất chấp rủi ro từ thiên nhiên.
Hiện trường vụ sạt lở ở An Giang |
Tại cù lao Tân Phong, thuộc huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, hiện có 8 điểm sạt lở bờ sông. Mỗi năm vùng cù lao này bị thủy triều xâm thực trên 5 m. Chính quyền và nhân dân chỉ gia cố, khắc phục các điểm sạt lở nhỏ còn các điểm sạt lở nghiêm trọng thì chờ kinh phí hỗ trợ từ cấp tỉnh, cấp Trung ương.
Ông Hồ Thái Ngọc, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Phong nói: “Ở địa phương hàng năm chỉ làm công tác vận động nhân dân tự gia cố đê bao là chính. Đa số các đê bao này mang tính tạm bợ chứ mang tính lâu dài. Địa phương kiến nghị chính quyền địa phương quan tâm hỗ trợ cho các hộ dân có sạt lở nghiêm trọng để cho dân canh tác. Giải pháp lâu dài kiến nghị tỉnh, huyện hỗ trợ chứ địa phương không có khả năng”.
Theo ông Nguyễn Thiện Pháp, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão giảm nhẹ thiên tai tỉnh Tiền Giang, toàn tỉnh hiện có hơn 100 điểm sạt lở lớn, nhỏ. Nguồn lực của tỉnh có giới hạn, vì thế cũng chỉ có thể kiến nghị về Trung ương hỗ trợ.
Ông Trần Anh Thư, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang cho rằng, hiện tỉnh có nhiều vụ sạt lở nghiêm trọng nhất trong khu vực ĐBSCL.
Theo đó có 51 đoạn có nguy cơ sạt lở với tổng chiều dài hơn 160km (chiếm 40% đường bờ sông trên địa bàn). Trong đó, 15 đoạn dài 30km nằm trong tình trạng sạt lở nguy hiểm, uy hiếp hơn 20.000 hộ dân, tạo nhiều áp lực cho sự phát triển kinh tế, xã hội. Riêng hai năm qua, An Giang có 38 vụ sạt lở bờ sông, cuốn trôi trên 140 căn nhà, thiệt hại trên 100 tỷ đồng. Trong khi nguồn lực để khắc phục lại ở mức giới hạn.
Nhiều vụ sạt lở nghiêm trọng xảy ra liên tục tại ĐBSCL buộc chính quyền địa phương phải công bố tình trạng khẩn cấp. Điều đó cho thấy sạt lở ở khu vực này luôn trong tình trạng nguy hiểm và không còn xảy ra theo quy luật mà diễn biến rất bất thường. Lo ngại này đòi hỏi chính quyền và các ngành chuyên môn phải có giải pháp ứng phó kịp thời./.