Sáp nhập quận 4 vì diện tích chỉ bằng một phường?
Báo chí lên tiếng, dân kêu khổ mới biết
Tại buổi làm việc với Quận ủy Bình Tân chiều 23/12, Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng dẫn lại câu chuyện “đường cao hơn nhà” ở đường Kinh Dương Vương và cho rằng để xảy ra tình trạng như vậy là do Sở GTVT TP và các cơ quan liên quan. Nhưng nếu chính quyền quận Bình Tân vào cuộc kịp thời, có ý kiến ngay từ đầu thì chắc không để xảy ra tình trạng như vậy.
Nhà bỗng dưng "biến" thành hầm |
Từ giữa năm 2016, nhiều cơ quan báo chí đã phản ánh tình trạng hàng trăm ngôi nhà thấp hơn mặt đường khi Trung tâm điều hành chương trình chống ngập TP triển khai dự án nâng cấp, cải tạo hệ thống thoát nước đường Kinh Dương Vương. Việc đường cao hơn nhà cả mét đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống người dân.
Thậm chí, do quản lý lỏng lẻo, không đảm bảo an toàn trong quá trình thi công nên đã xảy ra sự cố đáng tiếc là một người đàn ông té xuống hố ga tử vong khi đón xe buýt.
“Nếu chúng ta thực sự vì người dân, sát dân, khi nhà dân xuống cấp quận sẽ nắm chắc, phường nắm chắc và có ý kiến thì chắc giải quyết được. Nhưng chúng ta phải để báo chí lên tiếng, người dân khổ quá lên tiếng thì bắt đầu Sở GTVT TP rồi Chủ tịch UBND TP trực tiếp xuống chỉ đạo thì mới giải quyết”, Bí thư Thăng nói và cho rằng phải sát dân, gần dân hơn nữa thì mới xử lý được công việc.
Ông Đinh La Thăng yêu cầu quận Bình Tân phải tập trung giải quyết dứt điểm những bức xúc, tồn đọng liên quan đến dự án đường Kinh Dương Vương, tạo điều kiện cho người dân trở lại cuộc sống bình thường.
Sáp nhập quận để giảm biên chế
Tại buổi làm việc, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Đỗ Văn Đạo nêu phương án sáp nhập quận 4 để tiết kiệm biên chế, cơ sở vật chất.
Ông Đạo cho biết, quận 4 có diện tích chỉ 4km2, dân số chỉ hơn 200.000 người, nhỏ nhất TPHCM. Nếu so về diện tích thì quận 4 còn nhỏ hơn cả phường Bình Hưng Hòa A (quận Bình Tân), còn nếu so về dân số thì quận 4 có số dân chưa gấp đôi được phường này.
“Nhưng nếu so về bộ máy thì quận 4 vẫn phải duy trì một bộ máy đầy đủ của quận và của 15 phường trong quận. Cho nên nếu sáp nhập với một quận khác thì tiết kiệm rất nhiều về biên chế, kể cả cơ sở vật chất…”, ông Đạo đặt vấn đề.
Người dân đến làm thủ tục tại trụ sở phường |
Cũng theo ông Đạo, trong cuộc khảo sát mới đây của Ban tổ chức Thành ủy và Sở Nội vụ tại phường Bình Hưng Hòa A, Chủ tịch phường khẳng định vẫn điều hành tốt với biên chế quy định của cấp phường hiện có, dù phường này có đến 115.000 người.
“Trình độ cán bộ đã được nâng lên, khoa học kỹ thuật được nâng lên, vì thế dứt khoát phải tiến tới sáp nhập đơn vị hành chính để tinh giản biên chế, tiết kiệm cơ sở vật chất”, ông Đạo nói.
Vấn đề này, Bí thư Đinh La Thăng cho biết: “Chỗ nào cần tách thì vẫn tách, chỗ nào nhập thì vẫn nhập. Chúng ta sẽ đánh giá lại toàn bộ để làm sao nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước nhưng đồng thời phải thực hiện được chủ trương tinh giản biên chế”.
Bí thư Thành ủy cho biết việc sát nhập cần có sự linh hoạt tùy theo tình hình vì phải đảm bảo trên cơ sở khoa học đảm bảo phục vụ người dân tốt hơn. Ban tổ chức Thành ủy cùng sở Nội vụ sẽ có một đề án tổng thể của TP chứ không làm phân tán từng quận một.