Sáng nay, Thủ tướng họp “Hội nghị Diên Hồng” với cộng đồng doanh nghiệp
Hội nghị năm nay có chủ đề “Đồng hành cùng doanh nghiệp”, có quy mô gấp 4 lần năm 2016 với khoảng 2.000 đại biểu, trong đó, khoảng 1.500 đại biểu là các doanh nghiệp tư nhân.
Thủ tướng phát biểu chỉ đạo hội nghị |
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng cho biết ông bồi hồi nhớ lại không khí cách đây hơn một năm Hội nghị Thủ tướng gặp gỡ doanh nghiệp lần đầu tại hội trường Thống nhất (TPHCM). Thủ tướng tin rằng cộng đồng doanh nghiệp đã nhìn thấy nỗ lực của Chính phủ trong thời gian qua. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là những bước đi đầu tiên với những kết quả hết sức khiêm tốn, chúng ta còn nhiều việc phải làm vì còn rất nhiều rào cản trong bước đường kinh doanh của doanh nghiệp.
Tại hội nghị này Chính phủ đề nghị, một năm sau khi triển khai Nghị quyết 35 về phát triển doanh nghiệp, hội nghị lần thứ 2 để đưa ra chương trình hành động. Vì thế Chính phủ cần những đóng góp thẳng thắn của cộng đồng doanh nghiệp. Thủ tướng tỏ ý vui mừng tại hội trường hôm nay có sự tham dự trực tiếp của hơn 2000 đại biểu là doanh nghiệp, Bộ, ngành, địa phương cùng hơn 10.000 đại biểu tại 63 đầu cầu trực tuyến của cả nước - đông đảo nhất từ trước đến nay
Sự kiện cũng diễn ra sau Hội nghị Trung ương 5 khoá XII, nơi Trung ương ban hành những Nghị quyết quan trọng về kinh tế tư nhân, coi đây là động lực quan trọng để phát triển Kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa.
Với doanh nhân thời gian là tiền bạc, Thủ tướng trân trọng cảm ơn các doanh nhân đã dành thời gian đến nghe, góp ý cùng Chính phủ. Với tinh thần “Đồng hành cùng doanh nghiệp”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tuyên bố khai mạc Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp lần thứ 2 với khí thế mới.
Ông Vũ Tiến Lộc: "Boeing cũng sẽ rất khó nếu kinh doanh ở Việt Nam" |
Cách đây đúng một năm, Nghị quyết 35/NQ-CP đã được tập thể Chính phủ đồng thuận ban hành trên cơ sở tiếp thu, lắng nghe ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm 2016.
Thực hiện các Nghị quyết của Đảng và Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo triển khai toàn diện, đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, tổ chức Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp, Nghị quyết 35 cùng với Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và Nghị quyết 60 về đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công hình thành các giải pháp quan trọng, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để phát huy tối đa nội lực của doanh nghiệp trở thành động lực phát triển của nền kinh tế.
Với sự vào cuộc đồng bộ của Chính phủ, các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp đã có những bước phát triển tích cực, góp phần vào ổn định kinh tế - xã hội, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn cơ bản được đảm bảo; huy động vốn cho đầu tư phát triển được đẩy mạnh; đầu tư khu vực tư nhân chuyển biến mạnh mẽ, niềm tin của người dân và cộng đồng doanh nghiệp tăng lên.
Để đạt được các kết quả trên có sự đóng góp quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp cả nước ở cả 3 khu vực: doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân trong nước và doanh nghiệp FDI và khu vực hợp tác xã. Mặc dù còn nhiều khó khăn, các doanh nghiệp đã quyết tâm vượt khó vươn lên, làm giàu cho mình và cho đất nước.
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Bích Diệp |
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng đánh giá, trong năm 2017, bên cạnh những thuận lợi thì nền kinh tế vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém. Năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp.
Số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng mạnh nhưng tốc độ tăng GDP đạt thấp, quý I/2017 chỉ đạt 5,1%, thấp hơn so với cùng kỳ của năm 2015 và 2016. Tái cơ cấu kinh tế trong các ngành, lĩnh vực còn chậm, sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, số lượng doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động còn ở mức cao.
Chính phủ điện tử đưa vào áp dụng đã phần nào tháo gỡ khó khăn, tiết kiệm thời gian cho doanh nghiệp nhưng chưa triệt để, doanh nghiệp vẫn phản ánh vướng mắc nhiều trong các vấn đề: đất đai, tín dụng, thuế, hải quan, thị trường, an toàn tài sản…; trình độ công nghệ lạc hậu, yếu kém dẫn đến năng lực cạnh tranh nói chung của khu vực doanh nghiệp còn thấp.
Người đứng đầu Chính phủ cũng nhận định, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang làm thay đổi căn bản phương thức sản xuất và thương mại trên thế giới. Việc thực hiện Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc về phát triển bền vững và thực hiện các cam kết hội nhập quốc tế, nhất là các Hiệp định FTA thế hệ mới mở ra nhiều cơ hội thuận lợi nhưng cũng đặt ra không ít khó khăn, thách thức.
Với mục tiêu tăng trưởng GDP năm nay đạt 6,7%, Thủ tướng đánh giá, áp lực lên 9 tháng cuối năm là rất lớn khi phải đạt mức tăng trưởng 7%. Khu vực doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng, then chốt trong việc thực hiện và đạt được các mục tiêu trên.
Hội nghị hôm nay sẽ tập trung nhận diện và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cản trở hoạt động của doanh nghiệp đang nổi cộm hiện nay liên quan đến các vấn đề về: tiếp cận đất đai, tín dụng, thị trường; quy trình thủ tục trong các lĩnh vực đầu tư kinh doanh, đăng ký doanh nghiệp, thuế, hải quan, xuất nhập khẩu…
Chính phủ cũng sẽ đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp để tìm ra các giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp tiết giảm chi phí kinh doanh (chi phí vốn vay, vận tải, logistic, môi trường…); ứng dụng khoa học công nghệ để đổi mới quy trình sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Thủ tướng khẳng định, Chính phủ bảo đảm quyền tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, giải quyết triệt để hiện tượng chồng chéo, trùng lắp trong công tác thanh tra, kiểm tra; bất bình đẳng trong tiếp cận nguồn lực, tạo dựng niềm tin, sự an tâm cho doanh nghiệp khi đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.
“Cơ quan chính quyền các cấp hướng tới phong cách làm việc chuyên nghiệp, hiệu quả, hiện đại; chính sách có rồi thì thực thi thế nào để các cơ quan nhà nước thực sự trở thành người đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp trên bước đường thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế xã hội của đất nước trong đó có sự thành công của các doanh nghiệp” – Thủ tướng khẳng định.
Trước thềm Hội nghị, kết quả khảo sát nhanh của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vào cuối năm 2016 đầu năm 2017 vừa được công bố cho thấy, 75% doanh nghiệp đánh giá tác động của 5 nhóm nhiệm vụ giải pháp đưa ra sau Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp một năm trước là tích cực, tuy nhiên vẫn còn 25% số doanh nghiệp đánh giá chưa có chuyển biến.
Mặc dù còn thiếu sót song tác động của việc thực hiện Nghị quyết 35 là không thể phủ nhận. Cuộc khảo sát mới thực hiện của Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) đã đưa ra kết luận rằng Việt Nam tiếp tục là địa điểm đầu tư quan trọng của doanh nghiệp Nhật Bản, trên 66% doanh nghiệp được khảo sát cho biết có xu hướng “mở rộng hoạt động kinh doanh” tại Việt Nam.
Năm 2016 cũng ghi dấu ấn với số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới đạt kỷ lục hơn 110.000, cao nhất về số lượng từ trước tới nay. Số vốn cam kết đưa vào thị trường tăng 48% so với cùng kỳ, cùng với số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 24%.
Tại cuộc gặp gỡ Thủ tướng với doanh nghiệp lần thứ 2 được tổ chức sáng nay, cộng đồng doanh nghiệp vẫn kỳ vọng những nút thắt về thể chế, môi trường kinh doanh... sẽ được lãnh đạo Chính phủ cởi trói hơn để chỉ đạo sẽ "không là lời nói suông mà là hành động thực tế”.