Rét đậm, rét hại nhưng không lo thiếu thịt, thiếu rau dịp Tết Nguyên đán
Đó là thông tin được ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn - NN&PTNT) cung cấp cho báo Tin tức sáng 30/1.
Không lo thiếu thịt phục Tết Nguyên đán. Ảnh: TTXVN |
Không lo thiếu thịt
Các tỉnh phía Bắc đang bước vào giai đoạn rét đậm, rét hại. Nền nhiệt trung bình 10 -13 độ C, vùng núi cao có nơi dưới 0 độ C, xuất hiện băng tuyết. Để phòng chống rét cho gia súc, gia cầm, ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết, Cục đã yêu cầu các địa phương cử đoàn đi kiểm tra công tác chống rét. Riêng Cục Chăn nuôi cũng cử hai đoàn công tác đi hai tỉnh Hòa Bình và Sơn La để kiểm tra công tác chống rét. Nói về nguồn cung thịt cho dịp Tết, ông Chinh cho biết, ngay cả khi trâu bò chết gần 300.000 con trong đợt rét đậm, rét hại năm 2008 chúng ta cũng không thiếu thịt. Bên cạnh đó, nguồn cung thịt lợn đang dư thừa. Ngoài ra, ông Chinh cho biết thêm, người dân đã có ý thức và kinh nghiệm trong việc chống rét cho vật nuôi. Người dân đã không còn chăn thả gia súc khi trời rét, nghé con, gia súc non được mặc đồ giữ ấm. Trong đợt rét trước, chỉ có một số trâu già chết vì rét. Hiện nhiều hộ chăn nuôi đã có kinh nghiệm quây bạt, che chắn, cho gia súc xuống vùng thấp để tránh rét. Tuy nhiên, ông Chinh cũng lưu ý, bà con nên dọn vệ sinh chuồng trại thường xuyên, để tránh gây ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, bà con cần dự trữ thức ăn, củng cố chuồng trại và loại khỏi đàn những con trâu, bò đã già yếu, sức đề kháng kém. Đối với bê, nghé sức đề kháng còn yếu, cần có các biện pháp về thức ăn, ủ ấm, che kín chuồng trại, có ổ rơm chống rét cho gia súc non. Đảm bảo nguồn cung rau xanh phục vụ Tết Đối với sản xuất rau màu, ông Trần Xuân Định, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết, thời tiết lạnh chỉ ảnh hưởng tới các vùng núi cao, có nhiệt độ thấp, xuất hiện băng giá. Tuy nhiên, các khu vực này, diện tích trồng rau ít, chủ yếu tự cung tự cấp.
Mua bán rau tại chợ đầu mối phía Nam (Hà Nội). Ảnh: An Đăng - TTXVN |
Còn khu vực đồng bằng, thời tiết khoảng 10 độ C, ông Định cho biết, nhiệt độ này không ảnh hưởng nhiều tới các loại rau ưa lạnh như: su hào, bắp cải... Còn với các loại hoa, cây cảnh có giá, bà con cần làm nhà vòm để che phủ. Do vậy, theo ông Định, sản lượng rau để phục vụ cho Tết nguyên đán sắp tới không bị ảnh hưởng nhiều. Về vụ Đông Xuân, ông Trần Xuân Định cho biết, miền Bắc đang trong giai đoạn lấy nước, bà con tranh thủ lấy nước, giữ nước, bảo vệ diện tích mạ đã được gieo bằng phương pháp che phủ ni lông, rắc tro bếp, đất bột vào gốc. Đồng thời che phủ ni lông để tránh chuột, rầy và không được để khô chân mạ, vì mạ mất nước cũng chết. Theo ông Định, hiện nay, đã có 850.000 ha mạ được gieo, tập trung ở các tỉnh trung du phía Bắc như: Vĩnh Phúc, Phú Thọ.. chiếm khoảng 10 -15%.
Để chủ động chống rét cho mạ, lúa, ngay từ đầu vụ Cục Trồng trọt cũng đã có công văn gửi Sở NN&PTNT các tỉnh phía Bắc về việc chỉ đạo sản xuất vụ Đông Xuân 2017 - 2018. Theo đó, đối với diện tích lúa đã gieo sạ tại các tỉnh Bắc Trung Bộ, cần thường xuyên kiểm tra, đánh giá, có biện pháp phòng chống rét cho lúa kịp thời; duy trì mực nước trên mặt ruộng từ 2 - 3 cm, không bón đạm cho lúa trong những ngày trời rét, nếu lúa bị chết phải dặm lại và chăm sóc kịp thời khi thời tiết ấm. Đối với diện tích mạ đã gieo, tập trung tốt nhất các phương tiện, dụng cụ che chắn để chống rét cho mạ bằng vòm che phủ ni lông, tưới đủ nước để giữ ấm cho mạ; không bón phân đạm vào những ngày trời rét, bón bổ sung phân chuồng hoai mục, phân lân, tro bếp nguội để chống rét cho mạ. Tuyệt đối không cấy khi nhiệt độ trung bình ngày đêm xuống dưới 15 độ C. Đối với diện tích chưa gieo mạ, tăng cường kiểm tra, giám sát và chỉ đạo chặt chẽ thời điểm ngâm ủ, gieo mạ xuân muộn theo lịch thời vụ, kế hoạch sản xuất và diễn biến của thời tiết; tránh tình trạng để nông dân gieo mạ vào thời gian thời tiết rét đậm, rét hại. Nên gieo mạ trà xuân muộn xung quanh tiết Lập xuân (4/2/2017). Chỉ đạo che phủ nilon hết 100% diện tích mạ để phòng tránh rét và ngăn chặn xâm nhập của rầy gây bệnh ngay trên mạ. Tập trung chỉ đạo trà xuân muộn gieo cấy chậm nhất kết thúc trước ngày 28/2. Riêng các tỉnh miền núi phía Bắc có thể kéo dài, nhưng không quá ngày 5/3, để đảm bảo lúa xuân sinh trưởng phát triển tốt đặc biệt là giai đoạn làm đòng, trỗ bông trong điều kiện nhiệt độ, ánh sáng tốt nhất và né tránh mưa khi vào mùa mưa. Theo sát lịch lấy nước phục vụ gieo cấy vùng trung du và đồng bằng Bắc Bộ. Chuẩn bị tốt nhất các điều kiện về nhân lực và hệ thống máy bơm. Chuẩn bị tốt nhất điều kiện làm đất, vật tư để khẩn trương gieo cấy tập trung theo lịch thời vụ đã xác định ngay khi có đủ nguồn nước và thời tiết thuận lợi.