Rau xanh nơi đảo xa
Vườn mướp trĩu quả giúp cải thiện bữa ăn của cán bộ, chiến sĩ đảo Sinh Tồn. |
Trung tá Lương Quốc Anh, Chỉ huy trưởng đảo Sinh Tồn cho biết: Việc tăng gia trên đảo phải có kinh nghiệm để rau không bị cằn cỗi. Đất trên đảo có nhiều khoáng chất, hợp với bầu bí nhưng khô cứng, không hợp với một số loại rau xanh. Nếu bón phân vô cơ sẽ càng làm cho đất cứng hơn, ảnh hưởng tới sự phát triển của rau. Bởi vậy, chỉ huy các đảo đã liên hệ với đất liền mang ra đảo phân bón hữu cơ không độc hại, không gây ô nhiễm môi trường, lại phù hợp với thổ nhưỡng ở đảo để chăm sóc rau xanh. Thượng tá Nguyễn Văn Quang, Phó chỉ huy trưởng đảo Nam Yết bổ sung: Ngoài sử dụng phân bón hữu cơ, chúng tôi còn ủ mùn làm tơi đất, tận dụng bóng cây phong ba, bàng vuông, mù u để ngăn gió thổi nước mặn làm hư hại vườn rau; làm giàn cho bí, mướp leo phía trên, ngắt bớt lá để bảo đảm đủ ánh sáng trồng rau ở dưới. Xen kẽ vườn, giàn phù hợp sẽ mang lại hiệu quả cao trong tăng gia sản xuất trên đảo.
Đối với đảo chìm, do diện tích đất rất ít lại không có cây che chắn nên bộ đội phải quây kín xung quanh bằng tấm tôn, gỗ, che lưới phía trên; tận dụng nước đã qua sử dụng để tưới hằng ngày. Loại rau được ưu tiên là cải bẹ, rau muống, mùng tơi; trường hợp quá hiếm nước thì gieo cải mầm. Tuy vậy, vào mùa khô rau vẫn bị thiếu nước. Để hạn chế tình trạng khô héo vườn rau, các chiến sĩ đảo chìm đã truyền tai nhau kinh nghiệm trồng mùng tơi 3 lá. Đại úy Đoàn Văn Hiển, Chỉ huy trưởng đảo Đá Nam giải thích: Mùng tơi 3 lá tức là khi hái rau ta giữ lại khoảng 3 đến 4 lá sát gốc. Những chiếc lá này khi quang hợp sẽ chuyển dưỡng chất nuôi cây nhanh nhất; đồng thời che được bộ rễ và giữ ấm lâu hơn. Nhờ đó, cây mùng tơi chịu hạn tốt hơn…
Với tinh thần vượt khó và những kinh nghiệm tăng gia sáng tạo, cán bộ, chiến sĩ trên quần đảo Trường Sa đã tự túc được một phần rau xanh, nâng cao chất lượng bữa ăn hằng ngày trong điều kiện khí hậu biển đảo vô cùng khắc nghiệt.