Quy hoạch ven sông Hồng cần đặc biệt chú ý an ninh, quốc phòng
Việc quy hoạch hai bờ sông Hồng là rất quan trọng, không chỉ liên quan đến phát triển thủ đô Hà Nội mà còn cả vấn đề an ninh, quốc phòng. Việc quy hoạch này cũng sẽ không giống những khuôn mẫu nào đã có sẵn. |
Đề án quy hoạch hai bờ sông Hồng đã được Chủ tịch UBND TP. Nguyễn Đức Chung, Trưởng ban chỉ đạo tổ chức lập quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng thông qua từ tháng 1/2017.
Theo đó, TP. Hà Nội giao Sở Quy hoạch Kiến trúc là đơn vị đầu mối chủ trì phối hợp với Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội và các sở, ngành, đơn vị liên quan tập hợp toàn bộ các tài liệu liên quan; lựa chọn các đơn vị tư vấn trong và ngoài nước có đủ điều kiện, năng lực, kinh nghiệm để nghiên cứu, đưa ra ý tưởng, phương án thực hiện đồ án.
Về vấn đề này, TS Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Hà Nội, nguyên Kiến trúc sư trưởng thành phố cho rằng, việc lựa chọn đơn vị thiết kế, quy hoạch nói chung, đặc biệt với khu đặc thù như hai bên sông Hồng cần tuân thủ theo pháp luật Việt Nam.
Ông Nghiêm phân tích, thứ nhất, đơn vị tư vấn thiết kế phải lựa chọn theo quy định và các tiêu chí hành nghề theo luật Xây dựng và các thông tư hướng dẫn luật quy hoạch xây dựng.
TS Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Hà Nội, nguyên Kiến trúc sư trưởng thành phố Hà Nội: Việc quy hoạch hai bờ sông Hồng là rất quan trọng, không chỉ liên quan đến phát triển thủ đô Hà Nội mà còn cả vấn đề an ninh, quốc phòng. |
Hình thức lựa chọn là đấu thầu rộng rãi hoặc đấu thầu hẹp. Trường hợp đặc biệt có chỉ định phải được phép của cơ quan quản lý có thẩm quyền, cụ thể trong trường hợp này là UBND TP Hà Nội và đặc biệt là Bộ Xây dựng, đơn vị quản lý hành nghề xây dựng.
Thứ hai, quy hoạch hai bên Sông Hồng là quy hoạch đặc thù, liên quan đến nhiều lĩnh vực và đa ngành. Trong những năm vừa qua có nhiều nghiên cứu như nghiên cứu của Viện nghiên cứu quy hoạch Bộ xây dựng năm 1994, nghiên cứu của Viện quy hoạch Hà Nội, nghiên cứu của bộ phận Ban quản lý dự án của Viện nghiên cứu quy hoạch kiến trúc…
“Các nghiên cứu của tổ chức nước ngoài như dự án của Nhật Bản, các dự án nghiên cứu với các địa điểm cụ thể do Hà Nội đứng ra tổ chức và đã được phê duyệt. Chính vì vậy, đơn vị được chọn nghiên cứu lần này phải là đơn vị có năng lực, biết kế thừa các đề tài nghiên cứu này và đủ điều kiện hành nghề…”, ông Nghiêm nói.
Thứ ba là quy hoạch hai bên sông Hồng là quy hoạch tổng hợp đa ngành, có liên quan đến an toàn thoát lũ, an ninh quốc phòng, phát triển đô thị, tạo lập cảnh quan không gian mới. Vì vậy, cần phải lựa chọn đơn vị trên cơ sở tuân thủ các yêu cầu này, nhất là vấn đề an ninh, quốc phòng.
Việc cung cấp các tư liệu cho đơn vị làm quy hoạch cũng cần phải hết sức cẩn thận. Việc cung cấp thông tin đã được xác lập trong các luật như Luật Xây dựng, hay trong quy chế hành nghề tư vấn xây dựng.
“Việc cung cấp tư liệu nghiên cứu là cần thiết nhưng lựa chọn cung cấp tư liệu nào cần phải có quy định và đáp ứng đặc thù của pháp luật Việt Nam chứ không thể tùy tiện cung cấp cho một đơn vị nước ngoài. Những vấn đề như này, một đơn vị nước ngoài không thể yêu cầu cung cấp số liệu trực tiếp mà phải làm việc với một viện nghiên cứu chuyên ngành nào đó của Việt Nam rồi 2 bên cùng hợp tác nghiên cứu, triển khai”, ông Nghiêm cho biết.
Theo ông Nghiêm, việc quy hoạch cũng cần phải kế thừa, gắn kết các nghiên cứu từ xưa đến nay. Ví dụ, trước đó, nước ta đã có những nghiên cứu về hai bên sông Hồng của Viện quy hoạch thuộc Bộ Xây dựng; nghiên cứu của Viện quy hoạch xây dựng Hà Nội…
Theo ông Nghiêm, trong quá trình nghiên cứu sông Hồng trước đây, Việt Nam đã yêu cầu Trung Quốc cung cấp cho một số tư liệu về các công trình thủy lợi đầu nguồn sông Hồng, các lưu lượng về an ninh lũ lụt, biến đổi khí hậu, nhưng chưa được phía Trung Quốc cung cấp.
Giờ nếu chọn đơn vị tư vấn Trung Quốc cung cấp thì phải cung cấp như thế nào theo đúng pháp luật Việt Nam, không thể để chủ đầu tư hoặc đơn vị có liên quan cung cấp được. Những thông tin quan trọng phải được sự đồng ý của Chính phủ mới có thể cung cấp./.