Quảng Trị: Đường mở tới đâu, rừng phòng hộ bị tàn phá đến đó
Thời gian gần đây, khi tuyến đường nối từ cầu Khe Van xã Hướng Hiệp, huyện Đakrông đến xã Hướng Linh, huyện Hướng Hóa mở ra để phục vụ thi công xây dựng Nhà máy Thủy điện Khe Nghi, hàng loạt cây trong rừng phòng hộ Hướng Hóa- Đakrông, tỉnh Quảng Trị bị đốn hạ. Lợi dụng tuyến đường mới mở, nhiều đối tượng ngang nhiên đưa máy móc, phương tiện vào triệt hạ cây rừng, cưa thành khúc rồi tẩu tán, bỏ lại hiện trường ngổn ngang bìa cây, mùn cưa còn tươi mới.
Cây rừng bị triệt hạ không thương tiếc. |
Từ Km 52 trên Quốc lộ 9 rẽ vào con đường đất vừa san ủi, đi thêm chừng 8 cây số nữa là đến khu vực Tiểu khu 678D, 688 thuộc rừng phòng hộ Hướng Hóa - Đakrông, tỉnh Quảng Trị. Tại hiện trường, nhiều cây gỗ lớn bị đốn hạ trơ gốc, dấu cưa còn tươi mới. Cây rừng sau khi bị triệt hạ được cưa thành khúc hoặc xẻ phách rồi đưa ra khỏi rừng, trong rừng ngổn ngang bìa cây, mùn cưa và cành nhánh... Nhiều cây gỗ quý đường kính hơn nửa mét bị chặt hạ không thương tiếc. Càng vào bên trong, tình trạng cây rừng bị tàn phá càng nhiều hơn.
Ông Lê Thanh Hải, Chánh Văn phòng Công ty Cổ phần Năng lượng Quảng Trị cho biết, tháng 5/2015, sau khi Ban Quản lý rừng phòng hộ Hướng Hóa - Đakrông, tỉnh Quảng Trị bàn giao mặt bằng, đơn vị tiến hành san ủi mở đường phục vụ thi công xây dựng Nhà máy thủy điện. Toàn tuyến dài hơn 8km nối từ xã Hướng Hiệp, huyện Đakrông đến xã Hướng Linh, huyện Hướng Hóa xuyên qua rừng phòng hộ. Một số đối tượng lợi dụng đường sá thuận tiện đưa xe cộ, máy móc vào chặt cây rừng.
Theo ông Lê Thanh Hải, Công ty đã phát hiện và báo cáo với cơ quan chức năng để ngăn chặn: “Trong quá trình thi công, chúng tôi cũng thấy có hiện tượng bà con chở gỗ về bằng phương tiện xe máy, đi qua các lối tắt về nương rẫy của bà con. Chúng tôi quy định tuyệt đối không cho người không có phận sự và phương tiện bên ngoài vào bên trong công trường, đảm bảo an toàn cho quá trình thi công. Chúng tôi cũng không biết được họ khai thác rừng trồng của họ hay rừng đầu nguồn. Hơn nữa chúng tôi không có chức năng để ngăn cản”.
Ngày 28/2, khi nhóm PV Đài Tiếng nói Việt Nam thâm nhập khu vực rừng bị tàn phá cũng là lúc Đoàn kiểm tra liên ngành gồm: Hạt Kiểm lâm huyện Đakrông, Ban quản lý rừng phòng hộ Hướng Hóa - Đakrông và chính quyền địa phương, công an xã tiến hành kiểm tra tại rừng phòng hộ thuộc xã Hướng Hiệp, huyện Đakrông. Tại đây, Đoàn kiểm tra đã lập biên bản, thu gom một số lượng gỗ bị đốn hạ. Ông Tống Phước Châu, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị khẳng định, rừng đã bị chặt phá tại nhiều điểm nhưng chưa xác định cụ thể diện tích, phạm vi và khối lượng cây rừng bị triệt hạ.
Ông Tống Phước Châu cho rằng, rừng bị phá là phần diện tích đã giao cho Ban quản lý rừng phòng hộ Hướng Hóa - Đakrông quản lý, trách nhiệm trước tiên thuộc về chủ rừng: “Chủ rừng phải chịu toàn bộ trách nhiệm trên lâm phận của mình được Nhà nước giao. Còn nếu anh nói, lực lượng tôi yếu đề nghị anh tăng cường thì chúng tôi sẵn sàng, thậm chí tôi có kiểm lâm địa bàn, thậm chí xã tăng cường chứ có gì đâu”.
Theo tìm hiểu của nhóm phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam, tình trạng phá rừng phòng hộ Hướng Hóa- Đkarông, tỉnh Quảng Trị đã xảy ra từ năm ngoái.
Ông Trần Văn Tý, Giám đốc Ban quản lí rừng phòng hộ Hướng Hóa- Đăkrông thừa nhận; vào cuối năm ngoái, khi phát hiện nhiều người vào phá rừng, Ban Quản lý đã làm việc với UBND huyện Đakrông và Trạm kiểm lâm Đakrông bàn biện pháp ngăn chặn. Sau đó, Ban quản lý tiếp tục có văn bản báo cáo với Ban chỉ huy bảo vệ rừng huyện Đakrông đề nghị tăng cường lực lượng bảo vệ rừng. Ban quản lý phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra, chốt chặn và bắt giữ một số trường hợp dùng cưa máy để khai thác gỗ rừng tự nhiên trái phép, lập biên bản một số trường hợp chặt cây rừng trái phép. Tuy nhiên, khi vắng bóng lực lượng chức năng thì các đối tượng tiếp tục phá rừng.
Ông Trần Văn Tý, Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Hướng Hóa- Đakrông, tỉnh Quảng Trị phân trần, nạn phá rừng ngày càng diễn biến phức tạp, nghiêm trọng. Các đối tượng bất kể ngày đêm, rất manh động, ngang nhiên dùng cưa máy đốn hạ cây rừng: “Ban quản lý rừng phòng hộ Hướng Hóa - Đakrông đã nhiều lần họp với UBND xã và Hạt Kiểm lâm tìm biện pháp và tổ chức chốt chặn. Nhưng khi mình không có thì người dân vào khai thác, khi lực lượng vào người ta đã tẩu thoát. Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng rất mỏng, không có gì trong tay nên việc bảo vệ rừng hết sức khó khăn”.
Rừng phòng hộ đầu nguồn Hướng Hóa - Đakrông, tỉnh Quảng Trị đang chảy máu, cây rừng bị đốn hạ khá nhiều. Điều đáng nói khi cơ quan chức năng tỉnh Quảng Trị vào cuộc thì sự việc đã quá muộn bởi một khối lượng gỗ cây bị đốn hạ đã bị tẩu tán. Rừng bị tàn phá, trách nhiệm thuộc về ai? Cần làm rõ và xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân có liên quan trong vụ rừng phòng hộ Hướng Hóa-Đakrông, tỉnh Quảng Trị bị tàn phá./.