Quan điểm của Đại tướng Văn Tiến Dũng về xây dựng nền quốc phòng toàn dân
Trước tiên, về tính chất nền quốc phòng của đất nước, Đại tướng Văn Tiến Dũng khẳng định, đó là nền quốc phòng mang tính chất của dân, do dân, vì dân, phát triển theo hướng toàn dân, toàn diện, độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường. Theo Đại tướng, tính chất toàn dân của nền quốc phòng ở nước ta mang một chất mới. Bởi, tính chất toàn dân được xây dựng trên nền tảng một chế độ xã hội tốt đẹp, công bằng, người dân lao động đã thực sự trở thành chủ thể của đất nước, nên họ càng có động lực với tính tự giác cao trong các hoạt động xây dựng đất nước nói chung, hoạt động xây dựng nền quốc phòng nói riêng. Trong bài nói tại Học viện Quân sự cao cấp (nay là Học viện Quốc phòng), tháng 3-1977, Đại tướng chỉ rõ: “Quan điểm quốc phòng toàn dân là một quan điểm cơ bản trong đường lối quân sự của Đảng ta trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Nền quốc phòng ngày nay ở nước ta là nền quốc phòng toàn dân, hiện đại của một Nhà nước xã hội chủ nghĩa độc lập, tự chủ được xây dựng trên cơ sở chế độ xã hội chủ nghĩa, chế độ làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa. Đó là một nền quốc phòng do dân và vì dân với ý nghĩa đầy đủ nhất”(1).
Khi bàn về nhiệm vụ của nền quốc phòng toàn dân trong tình hình mới, Đại tướng Văn Tiến Dũng chỉ ra rằng: Xác định nhiệm vụ quốc phòng của đất nước phải căn cứ vào nhiệm vụ cách mạng được các kỳ đại hội của Đảng đề ra, đó là tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa, tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội. Xuất phát từ cơ sở đó, nhiệm vụ của nền quốc phòng toàn dân trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa được Đại tướng chỉ ra với những nội dung chính là: Xây dựng một nền quốc phòng toàn dân vững chắc, lực lượng vũ trang hùng mạnh để đất nước có sức mạnh tổng hợp nhằm giữ gìn an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ chế độ, bảo đảm cho đất nước luôn sẵn sàng và đủ sức đập tan mọi hành động xâm lược, phá hoại của kẻ thù, bảo vệ nền độc lập, thống nhất của Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Khi đề cập đến sức mạnh của nền quốc phòng, Đại tướng Văn Tiến Dũng cho rằng, đó là sức mạnh tổng hợp của tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, quân sự, khoa học-kỹ thuật và văn hóa; là sức mạnh của chế độ mới, của con người Việt Nam với truyền thống, lịch sử, địa lý của dân tộc; là sự kết hợp sức mạnh của đất nước với sức mạnh của thời đại mà nền tảng là sự phát triển và ổn định mọi mặt đời sống kinh tế-xã hội của đất nước.
Đồng chí Văn Tiến Dũng (thứ hai, từ trái sang) tại Sở chỉ huy Mặt trận giải phóng Tây Nguyên, năm 1975. Ảnh tư liệu. |
Trước thực tế nước ta là một nước còn nghèo nhưng lại có vị trí địa chiến lược rất quan trọng, từ các đặc điểm quan trọng đó để có cách thức xây dựng nền quốc phòng đạt được hiệu quả cao. Đại tướng Văn Tiến Dũng nhấn mạnh sự kết hợp giữa xây dựng, phát triển kinh tế với củng cố quốc phòng trên cơ sở phải có sự tính toán đầy đủ mọi điều kiện của nền kinh tế đất nước. Đại tướng chỉ rõ: “Xây dựng nền quốc phòng toàn dân, toàn diện, hiện đại, kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng. Việc này phải được thể hiện trong thế bố trí chiến lược cả về kinh tế và quốc phòng, trong chiến lược kinh tế, phân bổ lao động, xây dựng các công trình... chúng ta cần có ý định rõ, triển khai thực hiện ngay từ bây giờ thì sau này khỏi tốn kém, bị động”(2), và “Cần luôn luôn chú ý kết hợp kinh tế với quốc phòng, kết hợp xây dựng đất nước giàu mạnh với xây dựng cơ sở vật chất-kỹ thuật của quân đội”(3).
Về nội dung xây dựng nền quốc phòng toàn dân, theo Đại tướng Văn Tiến Dũng, gồm xây dựng thế trận, xây dựng lực lượng và xây dựng tiềm lực. Các nội dung xây dựng này phải được tiến hành đồng thời, bởi giữa chúng có mối quan hệ mật thiết với nhau, về xây dựng thế trận quốc phòng, Đại tướng yêu cầu phải xây dựng được thế trận lợi hại, kiên cố, vững toàn diện, mạnh ở các trọng điểm để cả nước thật sự là một chiến trường, có thể vây hãm, chia cắt và đánh đối phương ở mọi lúc, mọi nơi theo ý định của ta: “Xây dựng thế trận lợi hại của chiến tranh nhân dân trên cả nước; vừa có lực lượng rộng rãi ở khắp nơi, lại vừa có lực lượng nòng cốt ở những địa bàn trọng điểm; vừa có lực lượng cơ động đánh địch trên những phương hướng do ta lựa chọn. Với thế trận đó, ở khắp mọi nơi trên đất nước ta đều có người đánh địch, làm cho cả nước thật sự là một trận địa kiên cố, vây hãm và tiến đánh quân thù. Kẻ địch đụng vào bất cứ nơi nào cũng bị đánh trả, ngăn chặn, tiêu hao và tiêu diệt”(4).
Về xây dựng lực lượng quốc phòng ở nước ta, đây là một trong những nội dung cơ bản cấu thành sức mạnh quốc phòng của đất nước. Đại tướng Văn Tiến Dũng cho rằng, chúng ta cần phải xây dựng nguồn lực cho nền quốc phòng của đất nước từ trong toàn dân, trong đó, trọng tâm là xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân để làm lực lượng nòng cốt. Quan điểm về xây dựng lực lượng vũ trang, Đại tướng chỉ rõ: “Việc xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân trong mọi thời kỳ phải nắm vững quan điểm vũ trang toàn dân, vừa xây dựng lực lượng vũ trang quần chúng, vừa xây dựng quân đội nhân dân, tổ chức ba thứ quân: Bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân tự vệ”(5). Vì vậy, theo Đại tướng, quá trình xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân cần bám sát những yêu cầu sau:
“Một, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân phải quán triệt đường lối cách mạng xã hội chủ nghĩa mà Đại hội lần thứ IV của Đảng đã đề ra; đặt nhiệm vụ xây dựng lực lượng vũ trang trong toàn bộ nhiệm vụ xây dựng đất nước; kết hợp chặt chẽ nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu với nhiệm vụ xây dựng kinh tế.
Hai, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân phải quán triệt quan điểm quốc phòng toàn dân của Đảng; dựa vào sức mạnh tổng hợp của ba dòng thác cách mạng; sức mạnh tổng hợp của chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta; coi trọng tất cả các yếu tố tạo thành sức mạnh tổng hợp của lực lượng vũ trang.
Ba, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân phải thừa kế và phát triển những truyền thống và kinh nghiệm quân sự của Đảng ta, của dân tộc ta, đồng thời cần học tập có chọn lọc, vận dụng sáng tạo những kinh nghiệm và kiến thức của quân đội các nước xã hội chủ nghĩa anh em và các nước khác trên thế giới.
Bốn, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân phải giải quyết đúng mối quan hệ giữa yêu cầu trước mắt và yêu cầu lâu dài của nhiệm vụ cách mạng với khả năng của đất nước, của quân đội; dự kiến sự phát triển tuần tự và những bước nhảy vọt của cách mạng đối với quá trình xây dựng lực lượng vũ trang”(6).
Về tổ chức quân sự ở nước ta, Đại tướng Văn Tiến Dũng chỉ rõ, ta cần phải xây dựng một hệ thống tổ chức quân sự thật sự hoàn chỉnh, khoa học, thật mạnh mẽ trong cả nước, từ Trung ương đến các quân khu, các quân chủng, binh chủng, các đơn vị, các địa phương để hình thành một tổ chức thống nhất có lãnh đạo và chỉ huy chặt chẽ. Từng chiến trường, từng đơn vị vừa có khả năng hiệp đồng chiến đấu, lại đủ sức độc lập đánh địch trong mọi tình huống của chiến tranh. Thực tiễn đánh thắng các đội quân xâm lược nhà nghề của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã chứng minh tính đúng đắn về chủ trương xây dựng lực lượng vũ trang nhiều thứ quân của Đảng ta trong các cuộc chiến tranh giải phóng trước đây, ngày nay cũng như trong tương lai, Đại tướng khẳng định tính đúng đắn trong việc phải tiếp tục xây dựng các lực lượng vũ trang cách mạng nhiều thứ quân, trên cơ sở phân tích, làm rõ vai trò, vị trí, địa vị và tác dụng (chức năng) của từng thứ quân...
Về xây dựng tiềm lực quốc phòng của đất nước, theo Đại tướng Văn Tiến Dũng, chúng ta cần xây dựng tiềm lực về mọi mặt, trong đó cần ưu tiên và tập trung xây dựng tiềm lực về chính trị-tinh thần, tiềm lực về kinh tế, tiềm lực về quân sự và tiềm lực về khoa học. Đại tướng phân tích tiềm lực chính trị-tinh thần là một thành tố cơ bản, quan trọng nhất của tiềm lực quốc phòng và yêu cầu chúng ta phải phát huy lợi thế của chế độ chính trị-xã hội của ta là một chế độ tốt đẹp trong quá trình xây dựng tiềm lực về chính trị-tinh thần; về xây dựng tiềm lực kinh tế, hiện nay chúng ta còn nhiều khó khăn do xuất phát điểm của nền kinh tế ở trình độ thấp. Vì vậy, một mặt ta phải tranh thủ mọi nguồn lực, mọi điều kiện xây dựng, phát triển nền kinh tế quốc dân trên cơ sở đẩy nhanh công nghiệp hóa, điện khí hóa đất nước để làm cơ sở tăng cường sức mạnh quốc phòng; gắn phát triển kinh tế với tăng cường, củng cố sức mạnh quốc phòng.
Mặt khác, quân đội tham gia xây dựng, phát triển kinh tế đất nước được coi là một nhiệm vụ chính trị quan trọng, nhất là ở những địa bàn chiến lược quan trọng của đất nước về quốc phòng, an ninh. Về xây dựng tiềm lực khoa học, trên cơ sở kế hoạch xây dựng tiềm lực khoa học của đất nước, cần ưu tiên phát triển một số ngành nghề mũi nhọn (trong đó có lĩnh vực của quân sự) nhằm đáp ứng đòi hỏi của công cuộc bảo vệ Tổ quốc. Về xây dựng tiềm lực quân sự, đây là thành tố cơ bản và là đặc trưng của tiềm lực quốc phòng được hình thành trên các tiềm lực chính trị-tinh thần, tiềm lực kinh tế và tiềm lực khoa học, trong đó những nội dung rất quan trọng là: Xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân cách mạng; nghiên cứu phát triển khoa học quân sự, nghệ thuật quân sự, khoa học xã hội nhân văn quân sự và nền công nghiệp quân sự.
Khi bàn về cơ chế xây dựng, quản lý, điều hành nền quốc phòng, trên cơ sở nhận thức về vai trò lãnh đạo của Đảng là một nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng nước ta, do vậy trong phương hướng xây dựng, quản lý, điều hành nền quốc phòng toàn dân, Đại tướng Văn Tiến Dũng yêu cầu phải đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng, quản lý tập trung thống nhất của Nhà nước: “Phải đặt trong kế hoạch chung của cả nước, phải nằm trong chỉ tiêu chung của Nhà nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý tập trung thống nhất của Chính phủ”(7)...
Các quan điểm của Đại tướng Văn Tiến Dũng về xây dựng nền quốc phòng toàn dân được đưa ra trong thời điểm chúng ta mới có nhận thức sơ khai về quốc phòng. Khi đó, nhiều nội hàm thuộc về quốc phòng vẫn được nhiều người cho đó là nội hàm của quân sự. Ngày nay, do quá trình nhận thức được nâng lên, chúng ta đã hiểu và có sự phân biệt rõ hơn về hai phạm trù quốc phòng và quân sự. Qua đó, chúng ta thấy Đại tướng Văn Tiến Dũng là người đã đi trước về mặt nhận thức. Ông đã đưa ra những quan điểm và các nội dung về xây dựng nền quốc phòng toàn dân có thể nói là hết sức cơ bản, làm tiền đề cho chúng ta nghiên cứu đi đến thống nhất trong tư tưởng, nhận thức và trong các hoạt động xây dựng nền quốc phòng toàn dân./.