Quả vải thiều vẫn thiếu liên kết để có thị trường ổn định
Mùa thu hoạch vải thiều niên vụ 2017 mới bắt đầu, nhưng tại vùng trồng vải thiều lớn nhất cả nước là huyện Lục Ngạn của tỉnh Bắc Giang đã xảy ra tình trạng tranh mua, tranh bán.
Mặc dù các doanh nghiệp trong nước có hợp đồng trước với người dân từ đầu vụ, nhưng khi các thương lái người Trung Quốc trực tiếp đến mua vải với giá cao thì bà con sẵn sàng bán hàng loại 1 cho các thương lái này. Việc vi phạm hợp đồng khiến các doanh nghiệp trong nước bị động trong khâu thu mua nguyên liệu đầu vào.
Vải thiều loại 1 được thương lái thu mua ngày tại huyện Lục Ngạn với giá từ 40.000-45.000 đồng/kg. |
Thực tế cho thấy, người dân ở nhiều nơi đã phải dở khóc dở cười khi phá bỏ hợp đồng tiêu thụ, bởi thương lái Trung Quốc chỉ đẩy giá lên cao ban đầu, sau đó thì ép giá xuống một cách thảm hại.
Giá vải thiều sớm ở huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang những ngày đầu tháng 6 này được thương lái người Trung Quốc mua tại vườn có giá từ 40.000-45.000 đồng/kg. Tuy nhiên, những thương lái này chỉ mua loại vải quả to, có mẫu mã đẹp. Khi thương lái trả giá cao, nhiều nhà vườn sẵn sàng bán cho họ những quả vải to và ngon nhất.
Chị Bế Thị Lan ở thông Đồng Còng, xã Tân Mộc, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang cho biết, người trồng vải chỉ muốn bán cho doanh nghiệp xuất khẩu mới được giá cao. Hiện nay vải quả to, mã đẹp người Trung Quốc đang mua giá cao, nhưng nếu bán cho doanh nghiệp trong nước họ lại trả giá rẻ nên bà con vẫn mong muốn có được đầu ra ổn định hơn
Ông Đinh Văn Hưng, Trưởng Ban kiểm soát Công ty Cổ phần thương mại – xuất nhập khẩu Hùng Thảo cho biết, hiện nay, Công ty của ông không đủ hàng để cung cấp cho hệ thống siêu thị Big C trong cả nước. Mặc dù doanh nghiệp này đã ký hợp đồng với 5 Hợp tác xã và hơn 20 hộ dân trồng vải ở huyện Lục Ngạn, nhưng nhiều hộ dân đã bán cho thương lái những sản phẩm loại 1, còn những sản phẩm kém hơn lại khó đáp ứng được yêu cầu của siêu thị.
Hợp đồng giữa Công ty Cổ phần thương mại – xuất nhập khẩu Hùng Thảo với người trồng vải thiều ở địa phương này có các điều khoản như: Bên A tức là các hộ dân đồng ý bán sản phẩm cho bên B, tức là doanh nghiệp sản phẩm có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, khoảng 30 quả/1kg… Tuy nhiên, do các nhà vườn không nhận tiền đặt cọc nên khi họ vi phạm hợp đồng cũng không bị phạt.
“Công ty đã có hơn 20 điểm cân thu mua để đáp ứng nguồn hàng lâu dài nhưng sản phẩm thu mua nhiều nơi không đạt yêu cầu. Cần phải làm được như chỉ đạo của Thủ tướng là liên kết chặt chẽ 4 nhà thì các mặt hàng nông sản sẽ nâng cao giá trị và đảm bảo khâu tiêu thụ”, ông Hưng nói.
Theo như ông Cao Văn Hoàn, Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang cho biết, chính quyền địa phương đang tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp và người nông dân trồng vải thiều của huyện làm việc trực tiếp với nhau. Mặc dù vậy, chế tài để xử lý vi phạm hợp đồng giữa hai bên chưa rõ ràng nên khó quy trách nhiệm cho các bên. Thời gian tới, UBND huyện sẽ phối hợp với các ngành chức năng tìm cách tháo gỡ những khó khăn này.
“Tôi cho rằng, sự tin tưởng giữa người nông dân với doanh nghiệp chưa bền chặt. Thiếu sự ràng buộc nên khi người nông dân có thể đã ký kết hợp đồng, nhưng nếu giá thị trường cao hơn thì họ sẵn sàng bán ra ngoài. Đối với doanh nghiệp, họ có thể đầu tư một phần chi phí, nhưng nếu họ tính toán số tiền mà họ đã đặt cọc hoặc đã đầu tư mà không bằng đơn giá mà họ đặt mua thì họ sẽ bỏ tiền cọc”, ông Hoàn nhận xét.
Theo ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương và Hưng Yên đã hình thành vùng chuyên canh cây vải thiều với năng suất và chất lượng ngày càng cao. Trong đó, riêng tỉnh Bắc Giang có gần 30.000ha. Mặc dù quả vải của nước ta đã được xuất khẩu đi 30 nước, nhưng thị trường xuất khẩu chủ lực vẫn là Trung Quốc (chiếm hơn 50% tổng sản lượng).
Việc tổ chức lại khâu phân phối là việc làm cần thiết hiện nay. Khi doanh nghiệp có vùng nguyên liệu ổn định, họ sẽ mạnh dạn đầu tư máy móc, thiết bị để chế biến và mở rộng thị trường xuất khẩu. Về phía người nông dân, khi được doanh nghiệp đầu tư vốn vào các khâu sản xuất và bao tiêu sản phẩm sẽ an tâm canh tác.
“Bộ nhận thấy cần phải cải tiến hơn nữa hệ thống tiêu thụ ở địa bàn và mong muốn các doanh nghiệp sẽ từng bước tạo ra sự liên kết với người sản xuất. Sự liên kết đó sẽ tạo ra chuỗi giá trị, từ việc đặt hàng vùng trồng, kiểm soát được quá trình chăm sóc để có những sản phẩm tốt”, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nêu rõ.
Mùa vải thiều năm nay, tỉnh Bắc Giang có tổng sản lượng khoảng 100.000 tấn. Do mùa vải chỉ kéo dài 1,5 tháng nên việc tiêu thụ khối lượng lớn như vậy là rất khó khăn. Nếu không liên kết với doanh nghiệp để có đầu ra ổn định, khi giá vải thiều xuống thấp, nông dân vẫn là người chịu thiệt thòi./.