Phục vụ đắc lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội vùng Trung du miền núi phía Bắc
Các nhà khoa học của Trường Đại học Khoa học - Đại học Thái Nguyên đã hoàn thành đề tài nghiên cứu bộ sinh phẩm phát hiện virus SARS-CoV-2 dựa trên công nghệ Realtime PCR. |
Sau gần 3 tháng nghiên cứu, tháng 7 vừa qua, các nhà khoa học của trường Đại học Khoa học - Đại học Thái Nguyên đã hoàn thành đề tài nghiên cứu bộ sinh phẩm phát hiện virus SARS-CoV-2 dựa trên công nghệ Realtime PCR. Kết quả nghiên cứu sẽ tạo cơ sở để Thái Nguyên có thể chủ động nguồn sinh phẩm, xét nghiệm phát hiện bệnh nhân COVID-19, tăng cường khả năng ứng phó trong điều kiện dịch bệnh bùng phát trên địa bàn. Thành công của đề tài cũng đánh dấu sự đóng góp đầy trách nhiệm của các nhà khoa học đối với một nhiệm vụ mang tính chất cấp bách của tỉnh. PGS.TS Nguyễn Văn Đăng, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học, Đại học Thái Nguyên cho biết: "Thứ nhất, chúng tôi có hệ thống trang thiết bị tốt. Thứ hai, có đội ngũ khoa học giỏi, trẻ, năng động, nhiệt tình. Chúng tôi đã chỉ đạo tất cả hệ thống chính trị của nhà trường tập trung cao độ phục vụ đề tài này".
Không chỉ đáp ứng các nhiệm vụ mang tính đột xuất, Đại học Thái Nguyên còn phát huy vai trò nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ trên nhiều lĩnh vực của tỉnh. Từ năm 2016, Đại học Thái Nguyên đã ký kết chương trình hợp tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ với UBND tỉnh Thái Nguyên với tổng kinh phí 100 tỷ đồng. Hiện nay, chương trình đã và đang triển khai với 6 nhiệm vụ được thực hiện bởi các đơn vị thành viên của Đại học Thái Nguyên với kinh phí trên 89 tỷ đồng. PGS.TS Nguyễn Văn Tảo, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông, Đại học Thái Nguyên cho hay: "Trong chương trình phối hợp với tỉnh, nhà trường đã được giao nhiệm vụ xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu trực tuyến phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đến nay, các sản phẩm đã cơ bản hoàn thiện, qua cài đặt thử nghiệm ở các sở, ngành, ủy ban được đánh giá rất cao về ý nghĩa sử dụng".
Cũng trong giai đoạn 2015-2020, Đại học Thái Nguyên đã hợp tác toàn diện về đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ với 15 tỉnh thuộc vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ; thực hiện hàng trăm chương trình chuyển giao công nghệ cho hầu hết các tỉnh trong vùng, nhiều chương trình mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xóa đói, giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Hàng năm, triển khai trung bình 20 - 30 đề tài, dự án với các địa phương với kinh phí trung bình là 70 - 80 tỷ đồng, chủ yếu ở các lĩnh vực kinh tế nông nghiệp, trồng trọt, chăn nuôi góp phần phát huy thế mạnh sản phẩm nông nghiệp của các tỉnh. GS.TS Trần Văn Điền, Phó Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Thái Nguyên thông tin: "Cần phải xác định rõ các địa phương đang cần gì thì các cơ quan nghiên cứu khoa học, trên cơ sở đó, nhà trường xác định các nhóm nghiên cứu chuyên sâu trên từng lĩnh vực khác nhau. Đặc biệt, giai đoạn gần đây, rất nhiều nhóm nghiên cứu cần phải có sự hợp tác liên ngành, không chỉ riêng Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên, mà có nhiều đề tài, chương trình nghiên cứu cần phải kết hợp với các trường thành viên khác để giải quyết những vấn đề toàn diện theo nhu cầu của các tỉnh".
GS.TS Phạm Hồng Quang, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Đại học Thái Nguyên trao đổi với phóng viên |
Không chỉ hợp tác chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ, thực hiện tư vấn chính sách, Đại học Thái Nguyên còn tiếp tục làm tốt công tác đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực cho các tỉnh trong vùng. Trong 5 năm qua, Đại học Thái Nguyên đã đào tạo gần 50.000 người tốt nghiệp các trình độ của giáo dục đại học, trong đó các tỉnh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ chiếm trên 80% tổng số sinh viên tốt nghiệp đại học với 35% là người dân tộc thiểu số. Lực lượng này đã phát huy tốt kiến thức được đào tạo vào thực tiễn sản xuất, quản lý và đời sống, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội của vùng và đất nước. Bước sang nhiệm kỳ mới, phát huy vai trò đào tạo nguồn nhân lực, phát huy thế mạnh nghiên cứu khoa học và thực hiện tư vấn chính sách có hiệu quả tiếp tục là những định hướng trọng điểm mà Đảng bộ Đại học Thái Nguyên xác định. GS.TS Phạm Hồng Quang, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Đại học Thái Nguyên nhấn mạnh: "Điểm nổi bật đầu tiên tập trung giải quyết, đó là tăng cường năng lực quản trị trong bối cảnh mới, thực hiện Luật Giáo dục Đại học sửa đổi; thứ hai, tập trung mọi nguồn lực để nâng cao chất lượng đào tạo chuyển giao khoa học công nghệ thành công và tư vấn chính sách có hiệu quả; mục tiêu thứ ba là tập trung mọi nguồn lực để xây dựng một bộ máy tinh gọn, hiệu quả, một tập thể Đảng bộ đoàn kết, dân chủ, sáng tạo, đổi mới".
Phục vụ đắc lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thái Nguyên và khu vực Trung du miền núi phía Bắc, những kết quả đạt được sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ V của Đảng bộ Đại học Thái Nguyên có ý nghĩa rất quan trọng, tạo đà cho thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Đại học Thái Nguyên lần thứ VI trong việc xây dựng Đại học Thái Nguyên thành Đại học trọng điểm, trung tâm đào tạo, khoa học chất lượng cao, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của vùng và đất nước; đồng thời, góp phần thiết thực vào thực hiện thắng lợi Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo./.