Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ ghi nhận kiến nghị của cử tri Hà Tĩnh
Thực hiện chương trình tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XIV, trong hai ngày 30/9 và 1/10, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh đã có các buổi tiếp xúc cử tri tại huyện Hương Sơn và huyện Nghi Xuân.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tiếp xúc cử tri Hà Tĩnh |
Đông đảo cử tri đánh giá cao hoạt động của Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh đã thực hiện chức năng xây dựng pháp luật; giám sát; tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo của công dân; tiếp xúc cử tri và nhiều hoạt động khác.
Các đại biểu Quốc hội đã phát huy tốt vai trò, trách nhiệm người đại biểu của nhân dân, tích cực tham gia các hoạt động theo chương trình của Đoàn và của từng đại biểu, chuẩn bị tốt các nội dung cần thiết cho kỳ họp.
Trong lĩnh vực phát triển kinh tế, cử tri bày tỏ băn khoăn, lo ngại Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, một trong 9 Khu kinh tế trọng điểm quốc gia ngày càng đìu hiu, ảm đạm.
Cử tri Phan Tiến Hùng đề nghị Chính phủ, các Bộ ngành Trung ương, tỉnh cần có chính sách và quan tâm ưu đãi đặc biệt đối với khu phi thuế quan để thúc đẩy khu kinh tế phát triển, trở thành Khu kinh tế biên giới trọng điểm góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội giữ vững chủ quyền an ninh biên giới.
Thay mặt đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ thông tin: "Hiện nay chúng ta đang rà soát lại các Khu Kinh tế ven biển và Khu kinh tế cửa khẩu. Khu kinh tế Cầu treo không khác gì cửa khẩu Mộc Bài ở Tây Ninh, trước đây mỗi ngày có tới khoảng 16.000 người qua lại mua bán hàng hoá ở đây, nhưng cách đây 2 năm khi tôi còn làm Trưởng Ban Kinh tế Trung ương xuống thăm hầu như không còn người nào bởi vì không còn Khu phi thuế quan nữa. Sắp tới, thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu là 0%, bởi ASEAN đã là một khối thống nhất, một thị trường một nơi sản xuất duy nhất. Đây là phát triển tất yếu, khi chúng ta đã ký Hiệp định Thương mại tự do".
Dành sự quan tâm đặc biệt đến lĩnh vực nông nghiệp, cử tri đề nghị Quốc hội, các Bộ, ngành Trung ương tiếp tục có nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng "được mùa mất giá, được giá mất mùa".
Cử tri Phan Văn Khánh nêu ý kiến: "Hiện nay hầu hết các sản phẩm sản xuất ra đều không có thị trường ổn định, người nông dân không biết lúc thu hoạch lãi hay lỗ nên không dám đầu tư mở rộng sản xuất. Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay hầu hết các sản phẩm sản xuất ra đều lỗ khiến nông dân và doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Kính đề nghị Chính phủ cần có cơ chế chính sách, giải pháp cho vấn đề này để tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho bà con nông dân".
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trao tặng tiền mặt hỗ trợ các gia đình xây dựng nhà do ảnh hưởng của bão số 10 |
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ ghi nhận ý kiến này và cho biết sẽ trao đổi trực tiếp với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, Chính phủ đang chủ trì xây dựng một số văn bản Nghị định về bảo hiểm nông nghiệp, loại bảo hiểm này rất quan trọng trong nền kinh tế thị trường bởi lúc thất bát người dân sẽ có bảo hiểm bù vào. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng tập trung sửa đổi Nghị định 210 về thu hút đầu tư vào nông nghiệp nông thôn, bởi có doanh nghiệp đầu tư thì mới tạo đầu ra cho các sản phẩm, mới có sự liên kết giữa nông dân với các doanh nghiệp và hình thành được chuỗi giá trị cả về tín dụng và đầu tư.
Thông tin thêm về tình hình kinh tế xã hội của đất nước trong 9 tháng qua, Phó Thủ tướng cho biết, tăng trưởng GDP mạnh mẽ còn lạm phát thì rất thấp (tính tới tháng 9, lạm phát chỉ tăng 1,83% so với cuối năm 2016, theo đúng tính toán của Chính phủ).
Bên cạnh đó, nền kinh tế cũng đón nhận nhiều tin vui khi huy động vốn đầu tư nước ngoài (cả trực tiếp và gián tiếp) cao nhất trong vòng 20 năm qua khi đạt mức 25 tỷ USD. Khách du lịch quốc tế tới Việt Nam tháng sau tăng 30% so với tháng trước. Thị trường vốn trái phiếu, cổ phiếu đạt hơn 800 điểm cao nhất từ năm 2007 tới nay. Lần đầu tiên Việt Nam đưa thị trường chứng khoán phái sinh vào hoạt động, rút ngắn 13 năm so với thông lệ thế giới. Đây chính là những động lực làm cho nền kinh tế tăng trưởng tốt./.
Văn Hiếu/VOV-Trung tâm Tin