Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói chuyện với hàng trăm sinh viên ĐH FPT
Chiều 13/2, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã thăm Đại học FPT và dự lễ khai trương giai đoạn 2 của làng Phần mềm F-Ville (F-Ville 2) tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc.
Sau khi đi thăm cơ sở vật chất của Đại học FPT, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nghe lãnh đạo nhà trường nói về chiến lược phát triển của Đại học FPT trong thời gian qua và mục tiêu trong thời gian tới, trước khi nói chuyện với hàng trăm sinh viên, giảng viên nhà trường.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói chuyện với sinh viên, giảng viên Đại học FPT. (Ảnh: Vietnamnet) |
Phó Thủ tướng khẳng định công nghệ thông tin (CNTT) có vai trò ngày càng quan trọng đối với sự phát triển của đất nước, nhất là trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và phong trào khởi nghiệp sáng tạo được nhắc đến nhiều. Điều quan trọng, các bạn sinh viên phải tự tìm hiểu về những cơ hội, thách thức cũng như cơ hội thực sự mà cuộc cách mạng lần thứ tư mang lại.
Nhắc lại thời điểm Việt Nam mạnh dạn lựa chọn công nghệ số hóa - cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba trong khi nhiều nước đang lưỡng lự, Phó Thủ tướng cho rằng ngành CNTT của Việt Nam cũng như những ngành liên quan đã phát triển mạnh mẽ từ cuộc cách mạng này, nhưng vẫn còn những thời cơ chưa được tận dụng.
Và thực tế dù đã có những kế hoạch, đề án phát triển thành nước mạnh về CNTT, với dân số trẻ, quy mô lớn, được đánh giá cao về năng lực… nhưng Việt Nam vẫn chưa đạt được được mục tiêu khi Chính phủ điện tử mới dừng ở vị trí 80-90 thế giới. Thị trường dịch vụ CNTT đạt 3 tỷ USD so với con số 943 tỷ USD của thị trường toàn cầu.
“Trước khi chúng ta nghĩ đến việc tận dụng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thì cần phải tận dụng ngay những lợi thế còn lại của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba”, Phó Thủ tướng nêu vấn đề và phân tích cụ thể: Có ý kiến nói do chính sách của Nhà nước, do DN của Việt Nam yếu nhưng điều quan trọng ai cũng nhận ra là lực lượng làm CNTT của chúng ta còn mỏng về số lượng, yếu về chất lượng. Trong đó có nguyên nhân quan trọng từ môi trường giáo dục đại học chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp, của nền kinh tế.
Phó Thủ tướng chia sẻ, để Việt Nam bắt kịp các nước công nghiệp mới thì 20 năm tới đây chúng ta phải tăng trưởng ít nhất 8-9%/năm, cùng với đó là phải phát triển bền vững, không ảnh hưởng tới tương lai, bảo đảm công bằng xã hội. “Muốn như vậy, bản thân các bạn phải là những người thực sự khát vọng và phải thật mới”.
Cùng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Phó Thủ tướng nhấn mạnh phải có cuộc cách mạng trong học tập, trong quản trị, trong chính sách về CNTT. Bởi những cơ hội từ một cuộc cách mạng không tự nhiên đến nếu không có sự dấn thân.
“Chúng ta không thể trở thành nước mạnh về CNTT khi một số nước đã không sử dụng 2G, trong khi chúng ta mới khai trương 4G và 3G tốc độ còn chậm, chất lượng chưa cao. Chúng ta không thể tận dụng tốt cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư nếu không có các quyết sách rất mạnh về chủ trương, thuế, tài chính để các DN phát triển các xa lộ thông tin rộng lớn; nếu không tháo gỡ được các vướng mắc khiến các DN khởi nghiệp sáng tạo phải đặt trụ sở ở Singapore, Mỹ”, Phó Thủ tướng trăn trở và nhấn mạnh đến sự chủ động, sáng tạo trước hết ở từng sinh viên, từng cơ sở đào tạo, từng doanh nghiệp để thấy hết được ý nghĩa kết nối của của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, để những người giỏi không phải đi tìm cơ hội làm việc ở nước ngoài, sinh viên tốt nghiệp đi làm ở những tập đoàn lớn không phải đào tạo lại.
Chiều cùng ngày, dự lễ khai trương giai đoạn 2 của làng Phần mềm F-Ville (F-Ville 2) tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, trong thời gian tới Việt Nam cần tới 1 triệu lao động làm việc trong các lĩnh vực CNTT, dịch vụ CNTT, nội dung số. Nhưng hiện nay cả nước mới chỉ có 300.000 nhân lực trong ngành này. Do vậy, chúng ta còn nhiều việc phải làm.
Trong đó, ngoài FPT xây dựng "làng" phần mềm, thì cần sự tham gia của nhiều doanh nghiệp khác đầu tư bài bản vào CNTT, để từ đó đưa Khu Công nghệ cao Hòa Lạc trở thành một trong những trung tâm công nghiệp phần mềm của thế giới./.