Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng kiểm tra việc thực hiện quy hoạch phát triển Thủ đô
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng kiểm tra công trình Dự án mở rộng đường vành đai III đoạn Mai Dịch - Nội Bài. Ảnh: VGP/Xuân Tuyến |
Cùng đi có Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, lãnh đạo các Bộ Xây dựng, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các sở, ngành của Hà Nội. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã đi kiểm tra công trình Dự án mở rộng đường vành đai III đoạn Mai Dịch-Nội Bài; kiểm tra thực địa Dự án Cầu vượt đường An Dương và đường Nghi Tàm sau khi điều chỉnh kết cấu đê.
Tại điểm kiểm tra thực địa Dự án Cầu vượt đường An Dương, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu UBND TP. Hà Nội báo cáo chi tiết về kết cấu đê sau điều chỉnh. Đơn vị tư vấn và UBND TP. Hà Nội khẳng định sau khi điều chỉnh kết cấu đê vẫn bảo đảm tuyệt đối an toàn trong phòng chống lũ, đồng thời tạo điều kiện để mở rộng đường, giảm tải ùn tắc giao thông. Phó Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu phải bảo đảm tuyệt đối an toàn cho Thủ đô; đồng thời đề nghị Thành phố mời các chuyên gia, nhà khoa học, đơn vị tư vấn độc lập để thuyết minh, giải thích cho người dân hiểu về kết cấu, khả năng bảo đảm an toàn của phương án hạ cốt đê.
Báo cáo của UBND Hà Nội cho biết, về hạ tầng giao thông, Thành phố hiện có 20.374 km đường bộ, trong đó 2.003 km do Thành phố quản lý, 1.667 km do quận, huyện quản lý và 16.704 km đường giao thông nông thôn và nội đồng. Thành phố có 6 tuyến đường sắt với tổng chiều dài đường qua địa bàn Thành phố là 145,5km, gồm các tuyến Hà Nội-TP. Hồ Chí Minh; Gia Lâm-Hải Phòng; Hà Nội-Lạng Sơn; Đông Anh-Thái Nguyên; Hà Nội-Lào Cai; Tuyến vành đai (phía tây).
Tỉ lệ diện tích đất dành cho giao thông trên đất xây dựng đô thị năm 2008 đạt 7%, đến năm 2015 đạt 8,9%. Trong khi đó, theo quy hoạch phải đạt 20-26% đối với đô thị trung tâm, 18-23% đối với các đô thị vệ tinh, 16-20% cho các thị trấn trong đó diện tích đất dành cho bến, bãi đỗ xe cần đạt 3-4%.
Giai đoạn 2008-2016, thành phố Hà Nội cùng với Bộ Giao thông vận tải đã triển khai hoàn thành, đưa vào sử dụng 10 cầu vượt kết cấu lắp ghép tại các nút giao, hoàn thành và đưa vào khai thác trên 80 công trình giao thông quan trọng trên địa bàn TP. Hà Nội.
Theo quy hoạch, TP. Hà Nội có 8 tuyến đường sắt đô thị, dài 305 km. Hiện tại, Thành phố đang đầu tư xây dựng 2 tuyến: Tuyến số 2A do Bộ GTVT làm chủ đầu tư, hiện đang hoàn thiện dự kiến cuối năm 2017 đưa vào sử dụng. Tuyến số 3 do UBND TP. Hà Nội làm chủ đầu tư, hiện đang tiến hành xây dựng. Cùng với đó, đang nghiên cứu thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư và thu xếp nguồn vốn cho các tuyến số 2 (Nội Bài-Nam Thăng Long-Trần Hưng Đạo-Thượng Đình); tuyến số 1 (đoạn Ngọc Hồi-Ga Hà Nội); tuyến số 6 (Nội Bài-Phú Diễn-Hà Đông-Ngọc Hồi).
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu bảo đảm an toàn tuyệt đối khi hạ cốt đê đoạn An Dương. Ảnh: VGP/Xuân Tuyến |
Về cấp nước, hiện nay, tổng công suất các nhà máy nước, trạm cấp nước của thành phố Hà Nội khoảng 1.050.000 m3/ngày đêm, tỉ lệ bao phủ cấp nước khu vực đô thị đạt 96%. Tổng hợp nhu cầu sử dụng nước của Thủ đô Hà Nội năm 2016 khoảng 1.250.000 m3/ngày đêm; dự kiến đến năm 2017 nhu cầu sử dụng nước của Thủ đô Hà Nội khoảng 1.350.000 m3/ngày đêm, năm 2018 khoảng 1.450.000 m3/ngày đêm.
Như vậy, so với dự báo nhu cầu sử dụng nước của thành phố Hà Nội giai đoạn đến năm 2017-2018, lượng nước còn thiếu khoảng 300.000-350.000 m3/ngày đêm, trong đó chưa tính đến các khu vực phát triển mở rộng mạng lưới cấp nước.
Sau gần 4 năm tổ chức triển khai thực hiện, nội dung Quy hoạch cấp nước Hà Nội bộc lộ một số bất cập, chưa phù hợp với thực tế quản lý, đầu tư phát triển cấp nước thành phố Hà Nội. Nguồn nước đã và đang bị suy thoái cả về chất lượng và trữ lượng. Nguồn nước mặt (sông Hồng, sông Đuống) đang bị tác động ô nhiễm do chất thải, nước thải sinh hoạt và sản xuất; đặc biệt lưu lượng dòng chảy phụ thuộc vào dòng chảy từ bên ngoài lãnh thổ Việt Nam nên việc kiểm soát, sử dụng nguồn nước gặp nhiều khó khăn. Việc khai thác nguồn nước ngầm quá mức gây sụt lún nền đất và ô nhiễm nguồn nước; định hướng sử dụng nguồn nước ngầm hướng tới tạo nguồn nước dự phòng chiến lược trong trường hợp xảy ra các sự cố về nguồn nước mặt, hệ thống cấp nước và tác động biến đổi khí hậu.
Việc đầu tư phát triển các nhà máy nước không theo kịp giai đoạn quy hoạch cấp nước đến năm 2020, chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng nước của nhân dân Thủ đô Hà Nội. Việc bổ sung giải pháp cấp nước cấp bách cho Thủ đô Hà Nội năm 2017 và 2018 có ảnh hưởng đến phạm vi vùng phục vụ cấp nước của các nhà máy nước trên địa bàn.
Hiện tại, Phó Thủ tướng đang chủ trì cuộc làm việc với các bộ, ngành Trung ương, các sở, ngành của TP. Hà Nội tại Nhà máy nước Bắc Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội). Nội dung tập trung vào việc kiểm tra thực hiện quy hoạch chuyên ngành như giao thông, nước sạch, thoát nước, điện, quản lý và xử lý chất thải rắn, nghĩa trang.../.