Phát triển Nông nghiệp hữu cơ: Hướng đi đúng nhưng cần phải có giải pháp đồng bộ
Từ nhận thức đến hành động
Đi vào sản xuất từ đầu năm 2016, mô hình trồng nông sản sạch 100% sử dụng hữu cơ của Dự án Rau an toàn Nhân dân, phường Quang Vinh, Thành phố Thái Nguyên đã cho những kết quả hết sức khả thi. Không những nông sản sử dụng hữu cơ phát triển tốt trong điều kiện tự nhiên, mà sản phẩm cũng đã dần đến được với tay người tiêu dùng.
Chia sẻ về ý tưởng cũng như quyết định đầu tư táo bạo hàng tỷ đồng cho Dự án, chị Lương Thị Thanh Tâm, Giám đốc Dự án cho biết "Trước kia, các cụ nhà ta đâu có biết đến hóa chất, chất kích thích mà vẫn có rau, có quả để ăn. Bây giờ đây, chúng ta không khó để lựa chọn các sản phẩm nông sản an toàn. Và với chúng tôi, rau hữu cơ đã là điều mơ ước từ nhiều năm nay, và bây giờ, chúng tôi muốn dự án thực sự phát triển và sẽ là người bạn đồng hành của mỗi gia đình".
Nhiều dự án trồng Rau an toàn đã được hình thành trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên nhằm phục vụ nhu cầu của người dân |
Cũng giống như Dự án Rau an toàn nhân dân, thực hiện chương trình liên kết và tổ chức sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi theo chuỗi giá trị giữa 4 nhà (Nhà nước, Nhà nông, Nhà khoa học và Nhà doanh nghiệp) nhằm bao tiêu và cung cấp các sản phẩm nông nghiệp đảm bảo an toàn, có hiệu quả kinh tế cao trên địa bàn tỉnh, Công ty cổ phần chế biến Nông sản Thái Nguyên đã xây dựng và ra đời thương hiệu Thực phẩm an toàn Thái Cương, trở thành một trong những doanh nghiệp đầu tiên sản xuất, kinh doanh theo mô hình liên kết chuỗi khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm có quy mô lớn trên địa bàn tỉnh.
Nói về ý tưởng xây dựng mô hình này, Anh Đỗ Văn Cương, Giám đốc Công ty cho biết “Chúng tôi mong muốn xây dựng nhằm liên kết, tổ chức sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi theo các chuỗi giá trị mang lại hiệu quả kinh tế cao, từ đó cung ứng ra thị trường những sản phẩm nông nghiệp chất lượng, an toàn, góp phần nâng cao nhận thức về tổ chức sản xuất trong nông nghiệp đảm bảo phát triển bền vững mang lại giá trị thiết thực cho cộng đồng”.
Để cung ứng ra thị trường những sản phẩm đảm bảo các yếu tố và quy chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm, ngay từ khi bắt tay vào triển khai, Công ty đã phối hợp với các sở, ngành chức năng; chính quyền các địa phương tổ chức các hội nghị tìm hiểu, trao đổi và ký kết thu mua theo giá thỏa thuận giữa hai bên với các HTX, trang trại, cơ sở chăn nuôi, trồng trọt đảm bảo yêu cầu về chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, đã cử cán bộ kỹ thuật giám sát quy trình sản xuất hết sức nghiêm ngặt, do đó, sản phẩm nông sản an toàn trong chuỗi liên kết của Công ty đã bước đầu được người tiêu dung chấp nhận và đánh giá cao.
Sản phẩm Rau an toàn, Rau hữu cơ của Công ty CP Chế biến Nông sản Thái Nguyên đã và đang khẳng định chỗ đứng trên thị trường nhờ chất lượng và hàm lượng dinh dưỡng |
Sản xuất và những tiêu chí cụ thể
Trên đây chỉ là 2 trong số rất nhiều mô hình sản xuất nông sản hữu cơ, nông sản an toàn đang được hình thành tại tỉnh Thái Nguyên cũng như các địa phương khác trên cả nước.
Với tham vọng hình thành nhiều vùng sản xuất có hàm lượng khoa học, công nghệ cao, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN & PTNT) đã xây dựng dự thảo Đề án phát triển nông nghiệp công nghệ cao đến năm 2020. Theo Đề án này, phấn đấu đến năm 2020, mỗi tỉnh có ít nhất 10 doanh nghiệp, 10 vùng sản xuất nông nghiệp và mỗi vùng sinh thái có 1 đến 2 khu nông nghiệp công nghệ cao, góp phần đưa tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm ít nhất 25% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của cả nước…!
Đối với tỉnh Thái Nguyên, trong giai đoạn từ 2011 - 2016, tỉnh đã tiến hành quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp an toàn theo quy trình VietGap với diện tích gần 800ha, bên cạnh đó, nhiều dự án, mô hình phát triển trồng rau hưũ cơ cũng đã được hình thành. Cùng với đó, Thái Nguyên đã xác định lấy ứng dụng khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ cao làm hạt nhân, động lực, then chốt phát triển nông nghiệp, vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa, thông qua chính sách hỗ trợ đầu tư, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật, đẩy mạnh thực hiện khuyến nông, tạo điều kiện tiêu thụ sản phẩm nông sản an toàn. Theo đó, tỉnh đã đầu tư gần 770 tỷ đồng được huy động từ 5 nguồn vốn khác nhau, trong đó vốn của Nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân chiếm chủ yếu đầu tư cho lĩnh vực này.
Cùng với đó, Ngành Nông nghiệp cũng đã chủ động tham mưu tổ chức nhiều chương trình xúc tiến liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp với các địa phương lân cận. Qua đó, đã góp phần kết nối cung – cầu giữa người sản xuất và người tiêu dùng, góp phần nâng cao giá trị thương mại cho sản phẩm nông nghiệp sạch.
Ở một khía cạnh khác, có thể thấy, Thái Nguyên có nhiều lợi thế về thị trường tiêu thụ, đầu ra của các sản phẩm nông nghiệp. Trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên hiện có 8 trường đại học, 26 trường cao đẳng, trung cấp... và nhiều khu công nghiệp với số lượng công nhân lên đến hàng trăm nghìn người. Chưa kể, vị trí địa lý nằm trong qui hoạch vùng thủ đô cũng mở ra cơ hội về thị trường cho các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh Thái Nguyên.
Do đó, từ định hướng xác định xây dựng nền nông nghiệp sạch, nền nông nghiệp an toàn, Thái Nguyên liên tục kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp an toàn, công nghệ cao.
Đồng chí Vũ Hồng Bắc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chứng kiến lễ ký kết thỏa thuận hợp tác đầu tư sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ giữa UBND tỉnh và Tập đoàn Quế Lâm |
Mới đây, tại Lễ ký kết Thỏa thuận hợp tác đầu tư giữa UBND tỉnh Thái Nguyên và Tập đoàn Quế Lâm nhằm mục đích xây dựng các chương trình, kế hoạch dự án về sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2017 – 2021, ông Vũ Hồng Bắc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên đã khẳng định “Việc Thái Nguyên lựa chọn ký kết thỏa thuận hợp tác đầu tư sản xuất tiêu thụ nông sản hữu cơ với Tập đoàn Quế Lâm thể hiện tư duy tầm nhìn và thái độ cầu thị mong muốn có sự tiến bộ, chọn hướng đi cho phù hợp…Tất cả cho mục tiêu: Xây dựng nền nông nghiệp nhanh hơn, tiến bộ hơn. Nói cách khác, nông nghiệp Thái Nguyên phải là nền nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp bền vững, nông nghiệp công nghệ cao...”.
Giải pháp để duy trì sản xuất nông nghiệp sạch Bền và Vững
Chủ trương, mục tiêu, chính sách đã rõ, cùng với đó, việc Hiệp định Đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết đã tác động tốt tới xuất khẩu nông sản của Việt Nam, đặc biệt là hàng nông sản chất lượng cao hữu cơ. Ngoài ra, Luật Vệ sinh an toàn thực phẩm cũng đã được Quốc hội khóa XII thông qua năm 2010, tạo hành lang pháp lý cho việc quản lý an toàn thực phẩm, là điều kiện cho hướng phát triển các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ ở nước ta nói chung và các tỉnh đang đầu tư vào nông nghiệp sạch như Thái Nguyên nói riêng.
Tuy nhiên, hiện nay, có một thách thức đang tồn tại đó là, việc sử dụng để trở thành thói quen đối với sản phẩm nông nghiệp hữu cơ của đại bộ phận người dân còn chưa cao, một phần do nhận thức, phần khác do điều kiện kinh tế. Bên cạnh đó, việc thay đổi tập quán canh tác từ sản xuất thông thường sang sản xuất hữu cơ là vấn đề không dễ dàng thay đổi bởi với sản xuất hữu cơ, người sản xuất chỉ được phép sử dụng chế phẩm sinh học, phân bón hữu cơ, phòng trừ dịch hại bằng các biện pháp thủ công…nên mất nhiều công sức và khó thực hiện trên diện rộng so với sản xuất thông thường.
Vì vậy, thiết nghĩ, trong bối cảnh của nền nông nghiệp hiện nay, việc đầu tiên đặt nền tảng cho những mô hình nông nghiệp công nghệ cao là phải thay đổi phương thức sản xuất; hình thành tư duy làm ăn kiểu công nghiệp không chỉ của nông dân mà trong cả nhận thức của một bộ phận cán bộ quản lý; tránh tình trạng nhận dự án đầu tư theo kiểu bao cấp, xây mô hình hoành tráng để rồi khi dự án rút đi trong im lặng...!
Khẳng định tính ưu Việt của giải pháp này, Ông Nguyễn Văn Chí, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại Nông nghiệp Hà Nội – Người có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao nói “Bên cạnh yếu tố trên, cần phải tập dượt cho nông dân tiếp cận những yêu cầu kỹ thuật, mức đầu tư, trình độ quản lý cao hơn so với lối canh tác phổ thông hiện nay, góp phần tạo ra những mặt hàng có chất lượng cao hơn, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho nhu cầu trong nước rồi xuất khẩu. Khi trình độ đã khá hơn, khi nhu cầu những sản phẩm thực sự thúc bách, tất yếu người dân cũng như những doanh nghiệp sẽ biết cách áp dụng một cách hiệu quả”.
Ông Chí cho biết thêm “Việc liên kết ngang giữa nông dân với nhau để cung cấp sản phẩm theo nhu cầu thị trường mới là một khía cạnh, là yếu tố cần trong mô hình liên kết. Nhưng theo tôi, đó vẫn chưa "đủ". Mà vấn đề cốt lõi, là đầu ra cho sản phẩm, đó chính là xây dựng được liên kết dọc giữa nông dân với doanh nghiệp. Xây dựng mối liên kết này về bản chất là xây dựng kênh tiêu thụ mới trong chuỗi giá trị thông qua loại bỏ bớt tác nhân trung gian giữa người sản xuất và doanh nghiệp, rút ngắn độ dài của kênh tiêu thụ. Nếu không có liên kết này, việc tổ chức sản xuất thông qua liên kết ngang không đạt được lợi ích như mong muốn".
Từ định hướng xác định xây dựng nền nông nghiệp sạch, nền nông nghiệp an toàn, hiện nay, tỉnh Thái Nguyên liên tục kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Và "Nếu doanh nghiệp không đầu tư, bộ mặt nền nông nghiệp không thể thay đổi" được xem như là tôn chỉ. Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2016 - 2020 của Thái Nguyên cũng đã tập trung quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp như vùng chè, vùng cây ăn quả, vùng lúa... nhằm hướng đến các loại hình sản xuất mũi nhọn với mong muốn đưa sản phẩm nông nghiệp Thái Nguyên tăng năng suất, thay đổi tích cực đời sống người nông dân.
Trao đổi về nội dung này,Ông Nông Xuân Bắc, Phó Giám đốc Sở NN & PTNT tỉnh Thái Nguyên cho biết “Đối với tỉnh Thái Nguyên, sau cây chè, cây rau phải được quan tâm đặc biệt bởi chúng ta có điều kiện rất tốt để phát triển loại cây trồng này. Ngành NN & PTNT tỉnh cũng đã tham mưu cho UBND tỉnh hình thành 8 vùng sản xuất rau công nghệ cao tại các xã, phường, thị trấn như: Tân Phú, Đông Cao, Tiên Phong (T.X Phổ Yên); Đồng Liên, Nhã Lộng (Phú Bình); Đồng Bẩm, Tích Lương, Cao Ngạn (T.P Thái Nguyên); Linh Sơn, Huống Thượng (Đồng Hỷ); Hùng Sơn, Ký Phú (Đại Từ); Bá Xuyên, Cải Đan (T.P Sông Công); Chợ Chu, Kim Phượng, Bảo Cường, Trung Lương, Phượng Tiến (Định Hóa) và Động Đạt (Phú Lương). Theo đó, toàn bộ giống rau sẽ được ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô tế bào, công nghệ gốc ghép; sử dụng nhà lưới, nhà kính, cảm biến điều khiển ánh sáng, độ ẩm, giá thể, thủy canh và ứng dụng quy trình sản xuất hữu cơ trong gieo trồng rau. Công nghệ bảo quản cũng được tính toán theo các phương pháp hiện đại, an toàn nhất để phục vụ cho nhân dân Thái Nguyên và các vùng lân cận, qua đó, góp phần nâng cao thu nhập và ổn định đời sống cho bà con nông dân”.
Có thể khẳng định, trước nhu cầu đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, việc phát triển nền nông nghiệp sạch, nông nghiệp an toàn nhằm cung cấp các sản phẩm an toàn phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng của người dân là việc hết sức cần thiết và quan trọng. Canh tác nông nghiệp sạch không những giúp nông dân tiết kiệm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm mà còn đưa người nông dân tới gần hơn với nền sản xuất hiện đại, tạo nền tảng cho nông nghiệp phát triển, hướng tới xây dựng nông thôn mới một cách bền vững./.