Phát triển kinh tế tư nhân: Cần thể chế để phát triển các tập đoàn lớn
Hội nghị Trung ương 5 khóa XII đã nhất trí ban hành 3 Nghị quyết liên quan kinh tế, trong đó có Nghị quyết "Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa".
Thực tế những năm qua cho thấy, kinh tế tư nhân đã có những đóng góp quan trọng cho nền kinh tế của đất nước, song vẫn còn những rào cản gây khó khăn cho các doanh nghiệp. Vì vậy, Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 5 sẽ mở ra một định hướng mới, tháo gỡ khó khăn cho kinh tế tư nhân phát triển.
Là người tiên phong trong kinh tế tư nhân, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trần Bạt, Chủ tịch, Tổng Giám đốc công ty InvestConsult Group cho rằng, kinh tế tư nhân là thể hiện bản năng hoạt động kinh tế của xã hội con người. Mọi cá nhân đều có đòi hỏi hoạt động kinh tế. Kinh tế tư nhân động viên, khai mở năng lực của con người, làm bật dậy tất cả tính năng động của con người. Cho nên khôi phục lại các trạng thái để phát triển một cách thuận lợi các bản năng kinh tế của xã hội là một công việc có giá trị kiến tạo đối với xã hội.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trần Bạt. |
Khôi phục xây dựng các điều kiện để cho kinh tế tư nhân phát triển một cách lành mạnh là một trong các biểu hiện cơ bản nhất của các hoạt động kiến tạo của Đảng, Nhà nước và Chính phủ.
PV: Thưa ông, phát triển kinh tế tư nhân hiện nay đang gặp phải những vấn đề gì và những trở ngại gì khiến nó không được như Đảng ta mong muốn?
Ông Nguyễn Trần Bạt: Trong việc xây dựng kinh tế Nhà nước vừa qua đã có những thất bại. Chúng ta đã để cho một số tập đoàn lợi ích làm hư hỏng, làm sụp đổ nhiều lực lượng của kinh tế Nhà nước, làm thất thoát, làm tê liệt và làm trống rỗng tài sản và ngân sách quốc gia. Sự thất bại trong những nhiệm kỳ trước của việc xây dựng kinh tế Nhà nước đòi hỏi Đảng ta phải đi tìm một giải pháp khác.
Trên thực tế, Chính phủ cũng đã đi tìm những lối thoát trong khu vực kinh tế tư nhân, nhưng vẫn theo những thói quen nhiễm phải trong quá trình điều hành kinh tế Nhà nước giai đoạn qua. Tham nhũng đã bắt đầu có mặt trong việc khai thác khu vực kinh tế tư nhân, tức là khu vực kinh tế tư nhân đã lấp ló những rủi ro mà chúng ta đã thấy trong khu vực kinh tế Nhà nước. Điều ấy phản ánh chúng ta có một quan niệm chưa đúng về cả kinh tế Nhà nước và kinh tế tư nhân.
Ví dụ kinh tế Nhà nước là phải đấu thầu. Đấu thầu các dự án là một giải pháp chống tham nhũng, chống sự tùy tiện, nhưng chúng ta không đấu thầu mà cho chỉ định thầu một cách tự do, giống như những gì Ủy Ban kiểm tra Trung ương kết luận về Tập đoàn Dầu khí vừa rồi. Chỉ định thầu nhìn chung là một biểu hiện của tư nhân hóa, thậm chí cá nhân hóa các quyền lực. Các yếu tố tiêu cực trong khu vực tư nhân và trong khu vực nhà nước là một. Hay nói cách khác, có một số yếu tố tiêu cực đã tập hợp thành lực lượng và có mặt trong tất cả các khu vực kinh tế.
Cho nên kinh tế tư nhân nói chung không phải là đối tượng đơn giản để có thể khắc phục các khuyết tật chúng ta đã gặp phải trong khi thực thi nền kinh tế Nhà nước. Kinh tế tư nhân có các mặt tích cực riêng nhưng trước khi nó trở thành tích cực nó phải được kiểm soát, cái mà chúng ta đã không làm nổi trong kinh tế Nhà nước.
Với một trạng thái như hiện nay, liệu chúng ta có làm nổi việc kiểm soát một cách minh bạch và thành công khu vực kinh tế tư nhân không? Chúng ta vẫn chưa giải quyết nổi những mâu thuẫn trong việc xử lý những vấn đề ở sân bay Tân Sơn Nhất, hay những vấn đề ở khu triển lãm Giảng Võ, đấy là các dự án thuộc khu vực tư nhân. Vậy thì tìm giải pháp trong khu vực tư nhân ấy có giải quyết được vấn đề ta đang đi tìm hay không? Việc này phải được phân tích cẩn thận.
PV: Phát triển kinh tế tư nhân có tạo ra sự đồng hành với các chương trình phát triển kinh tế của Đảng và Nhà nước không, hay có ý kiến lo ngại rằng thậm chí sẽ có sự chệch hướng, thưa ông?
Ông Nguyễn Trần Bạt: Gần đây chúng ta có xử lý một vài tập đoàn kinh tế tư nhân sa lầy. Dù họ là tư nhân, nhưng đấy là sai lầm Nhà nước. Nếu để các tập đoàn hình thành một cách không rõ ràng và không lành mạnh, chúng ta sẽ có một khu vực tư nhân đen tối. Nó sẽ trở thành sự trộn lẫn giữa quyền lực chính trị và các lợi ích kinh tế không lành mạnh. Những tập đoàn tư nhân theo kiểu ấy dần dần sẽ biến xã hội thành chỗ kiếm tiền bất chính chứ không phải xã hội là đối tượng phục vụ của nó.
Truyền thông vẫn dùng từ doanh nghiệp “sân sau”, nhưng hiện tượng gần đây cho thấy một số trường hợp đang trở thành “sân trước”, thành “đại lộ” của các nhóm lợi ích
Nếu chúng ta xem phát triển kinh tế tư nhân là chú ý đến khu vực kinh tế vừa và nhỏ, nhặt nhạnh các hiệu quả lặt vặt thì sẽ không hiệu quả. Phát triển kinh tế tư nhân là nghiên cứu một thể chế kinh tế như thế nào đó để cho các tập đoàn khổng lồ của khu vực kinh tế tư nhân như Vingroup, Sun group, Vietjet Air,… có thể trở thành một bộ phận quan trọng phục vụ các chương trình phát triển kinh tế của Đảng ta.
PV: Theo ông làm thế nào để tạo động lực cho kinh tế tư nhân phát triển trong bối cảnh hiện nay?
Ông Nguyễn Trần Bạt: Mọi khu vực kinh tế đều có yếu tố động lực của nó, vấn đề đặt ra là chính sách phải làm thế nào để bấm vào huyệt động lực của mỗi khu vực kinh tế. Huyệt động lực của các khu vực kinh tế thể hiện thông qua việc làm cho tất cả các loại hình sở hữu của các doanh nghiệp bình đẳng với nhau trước pháp luật, trong vấn đề tiếp cận với tín dụng, với tài nguyên.
Không phải cứ có tiền là tiếp cận với tài nguyên, phải tiếp cận tài nguyên thông qua luật, tức là phải xây dựng các quan điểm pháp quyền trong việc triển khai các trật tự hành chính. Khi đi bằng con đường pháp quyền rồi thì lối tư duy mệnh lệnh, bao cấp không còn nữa và mọi thứ buộc phải đi theo hướng minh bạch. Tức là phải làm thế nào để tất cả các lực lượng xã hội bắt buộc phải đi qua pháp luật khi tiếp cận với vấn đề kinh doanh.
Tôi đồng tình với quyết tâm của Chính phủ hiện nay trong việc xây dựng một nhà nước liêm chính. Ví dụ, vừa rồi Chính phủ đã đưa ra chính sách được hoan nghênh là gỡ bỏ giấy phép con. Các giấy phép con ấy chính là công cụ “chiếm đóng” của các lực lượng hành chính đối với nền kinh tế. Phải giải phóng nền kinh tế ra khỏi sự chiếm đóng của các bộ bằng các giấy phép con.
Tôi nghĩ Nhà nước phải làm bằng mọi cách để đảm bảo sự bình đẳng tiếp cận tất cả các nguồn tài nguyên, nguồn quyền lực và nguồn tín dụng của các doanh nghiệp. Nếu không thì đấy vẫn là một cái chợ đặc quyền. Khu vực tư nhân mà dính dáng đến cái chợ đặc quyền thì khó chữa hơn nhiều so với khu vực Nhà nước.
Những tác động vào thị trường phải đi qua trật tự hành chính. Không xác lập được độ minh bạch, sạch sẽ của của khu vực hành chính thì không có cách gì xây dựng thị trường tốt được. Đấy là công việc mà hàng ngày những người có trách nhiệm phải suy nghĩ./.
PV: Xin cảm ơn ông./.